Đại dương “ngập” trong rác khẩu trang, găng tay y tế vì dịch COVID-19

VietTimes – Để chống dịch COVID-19, chúng ta sản xuất và sử dụng nhiều khẩu trang, găng tay... Việc chưa có biện pháp xử lý rác thải đã khiến các đại dương ngập ngụa khẩu trang y tế và găng tay sử dụng một lần.
Đại dương "ngập" trong rác khẩu trang, găng tay y tế. Ảnh: OPÉRATION MER PROPRE

Thông tin từ tờ CAND, Tuổi trẻ Online, các thợ lặn đã tìm thấy hàng chục đồ vật là chất thải y tế từng được sử dụng để chống dịch COVID-19 như găng tay, khẩu trang, chai, lọ dung dịch rửa tay và những chiếc cốc và lon sử dụng một lần bên dưới biển Địa Trung Hải.

Joffrey Pettie – một thành viên của tổ chức Opération Mer Propre (Pháp), cho biết có những chiếc khẩu trang và găng tay được tìm thấy ở rất xa ngoài khơi. Ông lo ngại khi hàng triệu người trên thế giới chuyển sang sử dụng đồ nhựa một lần để chống lại COVID-19 sẽ dẫn đến một loại ô nhiễm mới.

Sinh vật biển nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn, điều này sẽ gây nguy hiểm cho chúng. Ảnh: Alamy

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc vào năm 2018, đã có tới 13 triệu tấn nhựa đi vào đại dương mỗi năm. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) thì tiết lộ 570.000 tấn nhựa đổ vào Địa Trung Hải hàng năm tương đương với việc 33.800 chai nhựa được vứt xuống biển mỗi phút.

Đầu năm 2020, tổ chức Oceans Asia (trụ sở tại HongKong), đã bắt đầu lên tiếng về những lo về ô nhiễm đại dương. Sau cuộc khảo sát quần đảo Soko, dù không có người sinh sống nhưng đã xuất hiện hàng chục khẩu trang dùng một lần. Cứ 100m bờ biển lại có tới 70 khẩu trang.

Trong đại dịch COVID-19, lượng khẩu trang và găng tay y tế liên tục gia tăng. Chỉ tính riêng ở Pháp, lượng khẩu trang được đặt mua để ứng phó với dịch bệnh, đã lên tới 2 tỷ chiếc. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Môi trường, Khoa học & Công nghệ ước tính có 129 tỷ khẩu trang và 65 tỷ găng tay đang được sử dụng mỗi tháng.

Trong khi đó, khẩu trang y tế chứa các chất dẻo như polypropylen, cực kì khó để phân hủy và tuổi thọ của chúng lên tới 450 năm. Các sinh vật biển có thể nhầm lẫn chiếc khẩu trang, găng tay với thức ăn và điều này gây nguy hiểm đến chúng.

Các chuyên gia đề xuất các quốc gia nên có hướng sản xuất đồ dùng tái sử dụng, tránh sản xuất loại dùng một lần như hiện nay để giảm lượng rác thải ra môi trường. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý thì đại dương sẽ ngày càng nhiều rác khẩu trang, găng tay. Như vậy, mọi nỗ lực giảm rác thải đại dương từ trước tới nay trở thành công cốc.