“Đại chiến” taxi: Uber, Grab sẽ phải dán logo, niêm yết tên và số điện thoại tài xế?

VietTimes -- Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời các kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về một số vấn đề của xe thí điểm hợp đồng điện tử. Theo đó, các xe Uber, Grab sẽ phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe, có logo nhận diện. 
Ảnh minh họa: Báo Gia đình
Ảnh minh họa: Báo Gia đình
Theo văn bản trả lời này, Bộ GTVT cho biết không thể dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm để tiến hành tổng kết sớm như Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất, vì kế hoạch thí điểm này được thực hiện với sự đồng ý của Thủ tướng nhằm đáp ứng xu thế tất yếu của hội nhập thế giới thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, trách nhiệm hạn chế các phương tiện tham gia thí điểm là ở các địa phương.

Trước đề nghị của Hiệp hội là các xe Uber, Grab phải gắn logo biểu trưng, Bộ Giao thông cho rằng, việc sử dụng dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng bằng giấy, là ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đúng quy định, các xe này phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

Bộ Giao thông đã yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm xây dựng kế hoạch thiết kế, in ấn, cấp logo cho các xe tham gia thí điểm. Bộ cũng chỉ đạo các Sở Giao thông đôn đốc đơn vị thực hiện nghiêm quy định này, ban hành mẫu logo chung để dán trên phương tiện thí điểm. 

Về đề xuất lái xe phải được tập huấn nghiệp vụ, có chứng chỉ hành nghề, mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên, Bộ Giao thông cho biết sẽ nghiên cứu nội dung này để đưa vào Nghị định 86 sửa đổi.

Về đề xuất các doanh nghiệp tham gia thí điểm đặt máy chủ ở Việt Nam, kê khai giá, thống nhất bản chất… Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu và xem xét trong việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 86.

Trước đó, lấy lý do số lượng xe Uber, Grab đã vượt 50.000 chiếc, phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông,... Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị đến các cơ quan chức năng dừng khẩn cấp việc thí điểm loại hình dịch vụ này, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm.

Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Vì vậy, hiệp hội yêu cầu cơ quan chức năng cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam.

Hơn nữa, “Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam", văn bản cho hay.

“Cần dừng ngay việc gia tăng số lượng xe tham gia thí điểm, đồng thời Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu cho số xe này, chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm”, văn bản của Hiệp hội nêu.

Nếu không, trước khi có quy định quản lý chính thức để quản loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo... của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết. Sở Giao thông vận tải địa phương là nơi in, cấp phát logo nhận diện, văn bản cho đề nghị.

Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội cũng “tố” loạt sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam. Đơn cử, Grab vẫn duy trì dịch vụ đi chung xe (Grabshare) dù đã có chỉ đạo từ phía Bộ Giao thông vận tải. Hay dù thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản yêu cầu Grab, Uber dừng quảng cáo, hoạt động nhưng thực tế vẫn có vài nghìn xe loại hình này hoạt động tại đây…