Cụ thể, ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng quản lý vận tải, Sở giao thông vận tải Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội, việc thí điểm dịch vụ mô hình xe công nghệ được bắt đầu từ tháng 1/2015, đến nay đã có 7 đơn vị, thường được gọi là đơn vị cung cấp phần mềm cho các xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, được phép hoạt động trên địa bàn thành phố với số xe tham gia thí điểm, tính đến ngày 19/12/2017 là 15.046 xe.
Ông Tuyển cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải là xu thế tất yếu, trong đó, đặc biệt là trong vận tải hành khách, với sự xuất hiện của Grab, Uber, đã mang lại 6 ưu điểm.
Thứ nhất, theo ông Tuyển, mô hình dịch vụ này đã tận dụng được nguồn xe nhàn rỗi chuyển sang kinh doanh vận tải hành khách, góp phần tiết giảm chi phí cho xã hội.
Thứ hai là cung cấp được các dịch vụ vận tải, với các phương tiện có chất lượng cao hơn taxi.
Thứ ba, do kết nối và thanh toán bằng công nghệ, nên đã góp phần giảm hệ số xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí, giảm lưu lượng phiên tiện giao thông, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Thứ tư, các chính sách khuyến mãi, cũng như chính sách bù giá của các doanh nghiệp, vì vậy, thông thường các xe vận tải bằng hợp đồng công nghệ như Uber, Grab có giá cước rẻ hơn so với taxi truyền thống.
Thứ năm, giúp người dân tiết kiệm được chi phí, thời gian giao dịch, kiểm soát được giá cước mỗi chuyến đi. Vì vậy, người dân, nhất là giới trẻ rất đón nhận.
Thứ sáu là thúc đẩy các đơn vị taxi phải áp dụng khoa học công nghệ để cạnh tranh. Trước đây, khi chưa có Uber, Grab, các đơn vị taxi vẫn có trì trệ trong áp dụng KHCN, nhưng từ khi Uber, Grab vào đã tạo môi trường cạnh tranh, khiến các doanh nghiệp này phải đổi mới.
Tuy nhiên, dưới góc độ giao thông vận tải, loại hình mới này còn có một số nhược điểm nhất định, ông Tuyển nói thêm.
Ví dụ, như bên cạnh việc chuyển đổi được một phần xe nhàn rỗi sang kinh doanh vận tải, đúng như mục đích là kinh tế chia sẻ, thì cũng làm gia tăng số lượng lớn xe.
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT HN, trong hơn 15.000 xe hoạt động theo mô hình này, có một số lượng không nhỏ là xe mới mua mô hình. Hay nói cách khác, mô hình này đang biến tướng, không phải chỉ có xe tận dụng xe nhàn rỗi mà một số lái xe còn chủ tâm mua xe về để chạy.
Tất nhiên, khi số lượng xe tăng lên như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến cách tổ chức giao thông, quy hoạch giao thông, nhất là quy hoạch giao thông vận tải công cộng của thành phố.
Thứ hai là điều kiện kinh doanh vận tải, ông Tuyển nói, mặc dù Bộ GTVT nhận định đây là xe hợp đồng dưới 9 chỗ thí điểm, tuy nhiên, về bản chất, các xe này hoạt động như taxi, có nhiều điểm giao thoa với taxi.
Nhưng so với xe taxi, xe của mô hình này không bị pháp luật áp dụng những điều kiện cấm nhiều như taxi, đã tạo ra môi trường cạnh tranh, có thể nói, là không lành mạnh giữa hai loại hình này.
Thứ ba, là về giá cước, mặc dù giá cước của các xe công nghệ rất linh hoạt, thỏa thuận theo hợp đồng, khách hàng có thể biết trước giá cước, nhưng nhiều thời điểm, các xe công nghệ này đang “bắt chẹt” khách hàng. Ví dụ như giờ cao điểm, khách hàng phải trả phí cao hơn giờ bình thường cho cùng một quãng đường.
“Trong các buổi làm việc với các hãng công nghệ, như Grab, Uber, chúng tôi đã lưu ý với các hãng, nên có khuyến cáo trên các trang web của nhà cung cấp về giá cước tại các thời điểm nhất định, để giá cước minh bạch hơn”, ông Tuyển cho biết.
Thứ tư, trong thời gian gần đây, như báo chí đã đưa tin, đã phát sinh nhiều vấn đề về an toàn của hành khách. Trong đó, hầu hết các hành khách khi gặp sự cố, đều rất bế tắc trong việc liên hệ với người có trách nhiệm quản lý vấn đề xảy ra, để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Vì vậy, ông Tuyển nhấn mạnh: "Chúng tôi đã có những kiến nghị cụ thể với Bộ GTVT, trong đó tập trung vào việc Bộ nghiên cứu sớm trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trọng tâm là phải đưa loại hình này quản lý như loại hình taxi để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh".
Ông cho biết thêm, khi đề án thí điểm này được triển khai, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, như Bộ GTVT, Bộ TT&TT,… lấy ý kiến rộng rãi, và nhận định loại hình này tương tự như taxi và quản lý như taxi, cả về số lượng và đưa các xe này vào quy hoạch chung của quy hoạch giao thông thành phố.
"Chúng tôi luôn khuyến khích các xe tham gia vào mô hình này đúng theo mục đích kinh tế chia sẻ, để tận dụng xe nhàn rỗi. Nhưng hiện nay có nhiều lái xe mua hẳn xe về để chạy dịch vụ này. Các xe này đều nằm trong quy hoạch xây dựng hệ thống vận tải công cộng, nhưng đi ngược lại đường lối hướng tới vận tải công cộng sức chứa lớn như đường sắt trên cao hay BRT,…", ông Tuyển nói.