"Đại chiến" taxi: Tòa tạm dừng vụ Vinasun kiện Grab để thu thập thêm chứng cứ
Ánh Dương
VietTimes -- Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ kiện 'Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng' giữa Vinasun và GrabTaxi, TAND TP Hồ Chí Minh quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung thêm chứng cứ.
Theo thông tin từ Tòa án nhân dân TP.HCM, chiều 7/2, tòa tiếp tục xét xử vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp) kiện Công ty TNHH Grab Taxi (Grab Taxi) để đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng.
Phiên tòa tiếp tục với phần phát biểu quan điểm của phía nguyên đơn, cũng như những đối đáp của phía bị đơn liên quan đến các yêu cầu khởi kiện của phía Vinasun đối với GrabTaxi.
Về phía nguyên đơn, luật sư của Vinasun đã đưa ra những dẫn chứng, lập luận để chứng minh GrabTaxi vi phạm đề án 24, Thông tư và Nghị định của Chính phủ.
Trong đó, phía Vinasun nhấn mạnh mô hình của GrabTaxi là mô hình kinh doanh vận tải taxi, không phải kinh doanh phần mềm.
Đại diện nguyên đơn cũng cho rằng GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước. Điều này thể hiện ở việc trong 3 năm, doanh nghiệp này khai lỗ hơn 938 tỷ đồng, lớn gấp 4,7 lần vốn điều lệ của Grab. Trong khi số xe lên tới 12.000 chiếc ở TP.HCM nhưng chỉ đóng thuế 9,5 tỷ. GrabTaxi được đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt về thuế.
Tuy nhiên, phía Grab đều bác bỏ những luận điểm này.
Trong phần xét hỏi, đầu tiên, HĐXX quan tâm đến việc định danh của Grab hiện nay và hợp đồng giữa Grab với các HTX hoặc các tài xế.
Đại diện Grab cho biết, theo giấy phép, Grab kinh doanh hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa với tên gọi doanh nghiệp là Công ty TNHH GrabTaxi. Tuy nhiên chỉ hoạt động cung ứng phần mềm ứng dụng cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Tuy nhiên, Grab không cung cấp được hợp đồng giữa Grab và các HTX, tài xế. Khi bị tòa "truy", Grab hứa sẽ "sớm cung cấp các hợp đồng trên cho tòa".
Ngoài ra, HĐXX đã xoáy mạnh vào việc định giá, điều hành giá cước khuyến mãi, điều chỉnh giá liên tục trong ngày, những hoạt động mà theo cáo buộc từ Vinasun, là do Grab quyết định toàn bộ.
Đại diện Grab cho biết, giá cước vận tải hành khách tính trên quãng đường cụ thể do các HTX, đơn vị vận tải đưa ra, Grab không quyết định giá. Khi khách thanh toán tiền bằng tiền mặt cho tài xế, tài xế sẽ đưa về cho HTX hoặc nếu khách thanh toán qua tài khoản thì sẽ được chuyển về cho HTX.
Về việc giá cước tăng, xuống liên tục trong ngày, đại diện Grab cho biết là do lập trình từ phần mềm.
Tuy nhiên, điểm cốt yếu là việc điều chỉnh như vậy phần mềm lập trình dựa trên căn cứ nào để đưa ra giá đó? Mỗi lần giá thay đổi rất nhanh như vậy thì giá đó được kết nối với HTX như thế nào, rồi HTX kết nối với tài xế thế nào để quyết định điều chỉnh nhanh vậy? Giá cước điều chỉnh đó HTX có phải thống nhất với Grab không? Nếu giá cước do HTX quyết định thì doanh thu Grab có nắm được để tính doanh thu của mình không?..." đại diện Grab chưa trả lời.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa do còn nhiều vấn đề cần làm rõ. "Còn rất nhiều câu hỏi cần làm rõ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab để xem xét, đánh giá đối với các cáo buộc của Vinasun, đề nghị đại diện bị đơn chuẩn bị và cung cấp cho tòa đầy đủ hồ sơ, chứng cứ", chủ tọa kết luận.