“Đại chiến” taxi: Grab, Uber chiếm lĩnh thị trường ra sao sau 2 năm thí điểm?

VietTimes -- Grab, Uber tuy là hai công ty nước ngoài nhưng có công lớn nhất thúc đẩy sự phát triển của mô hình taxi công nghệ tại Việt Nam. Sau 2 năm được cấp phép hoạt động, sự phát triển của hai công ty này tại mỗi địa phương tuy có khác nhau nhưng đều tồn tại nhiều vấn đề với cơ quan quản lý.
Ảnh minh họa. VietTimes

Trên thế giới, Grab chỉ là bản sao của Uber khi Uber ra đời từ năm 2009 tại Mỹ trong khi Grab ra đời năm 2012 tại Malaysia. Nhưng tại Việt Nam, Grab là người đến trước. Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi và phải 4 tháng sau, Uber mới “gõ cửa” Việt Nam.

Theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT đồng ý Grab, Uber được quyền hoạt động tại 5 địa phương, nếu được địa phương cấp phép. Tuy nhiên, chỉ có 4/5 địa phương đồng ý thí điểm theo quyết định 24 gồm Hà Nội, TP. HCM, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ninh.

Theo đánh giá của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, trước năm 2015, khi các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab, … chưa phát triển (chưa có mặt tại Việt Nam) thì loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng đối với xe ô tô 09 chỗ trở xuống hầu như không có trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2015 đến nay, lượng xe ô tô 09 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không ngừng phát triển, đặc biệt thực hiện Quyết định số 24/QĐ-BGTVT 07/01/2016 của Bộ GTVT.

Riêng tại Đà Nẵng chưa có đơn vị chính thức nào được thành phố đồng ý tham gia thí điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn có phương tiện sử dụng phần mềm Uber, Grab để hoạt động vận tải.

Ngoài ra, thời gian được cấp phép thí điểm của hai công ty tại các địa phương lại khác nhau, tùy theo đề án của hai công ty này trình lên chính quyền địa phương và cách nhìn nhận của cơ quan quản lý về đề án của mỗi đơn vị.

Công ty TNHH GrabTaxi (Grab)

Vào Việt Nam từ đầu năm 2014, Grab nhanh chóng nhận được cái “gật đầu” của các cơ quan quản lý nhờ chiến lược ưu tiên “lobby” chính sách, từ đó thuận lợi triển khai các dịch vụ của mình tới các địa phương được cấp phép.

Đồng thời, Grab nhanh chóng đóng đinh thương hiệu của mình trong đầu người dân bằng dịch vụ giá “mềm” và tăng độ phủ khi liên tục có “chương trình hỗ trợ” cho các lái xe - đối tác của Grab.

Sau 2 năm được cấp phép thí điểm theo  Quyết định 24, Grab đã từ một công ty nước ngoài với mong muốn có thị trường, chuyển mình bước lên vị trí đứng đầu ngành vận tải hành khách bằng hợp đồng trong nước.

Grab nhanh chóng triển khai các dịch vụ của mình khi bước vào Việt Nam.

Tại TP. HCM, số liệu tại báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm của Bộ GTVT gửi Thủ tướng cho biết, Công ty TNHH GrabTaxi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/03/2016, tính đến 24/11/2017, Công ty TNHH GrabTaxi đã cung 114 đơn vị vận tải tham gia ký kết hợp đồng hoạt động thí với 18.110 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng và tham gia hoạt động.

Tại Hà Nội, báo cáo cho biết, tính đến 20/12/2017, GrabTaxi có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng xe được cấp phép.

Tại Quảng Ninh, phải đến tháng 8/2017, Grab mới chính thức triển khai tại địa phương này. Đến nay, GrabTaxi đã thực hiện ký kết hợp tác với 04 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tình Quảng Ninh bao gồm: HTX Dịch vụ vận tải Quảng Ninh, HTX Dịch vụ vận tải Tân Việt, HTX Dịch vụ vận tải cơ giới Hợp Nhất Quảng Ninh và HTX Dịch vụ vận tải AHP với 62 xe được cấp phù hiệu.

Tại Khánh Hòa, không rõ vì sao GrabTaxi không thực hiện đề án theo chỉ đạo của Sở và tại Quyết định 24, mà trực tiếp làm việc với lái xe để cài đặt phần mềm, trái với quy định phải thông qua các chủ doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi để thỏa thuận ký kết hợp đồng theo quy định của Quyết định 24. Việc này đã gây bức xúc cho các đơn vị vận tải trên địa bàn.

Do đó, Sở GTVT Khánh Hòa đã cùng Bộ GTVT yêu cầu GrabTaxi phải dừng hoạt động tại Khánh Hòa và có giải trình sai phạm trên. Nhưng đến nay GrabTaxi không đến làm việc và báo cáo về quá trình triển khai thí điểm tại Khánh Hòa.

Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber)

Uber chính thức có mặt ở Việt Nam từ giữa năm 2014, địa điểm đầu tiên chính là TP. HCM.

Thời gian đầu, với tiềm lực của mình, Uber nhanh chóng tiếp cận với đông đảo khách hàng, phát triển mạnh mẽ hơn hẳn Grab. Tuy nhiên, do các vướng mắc đến vấn đề thuế, mãi đến giữa năm 2016, Uber mới nhận được sự đồng thuận của các Bộ quản lý. Sau đó, Uber còn mất thêm khá nhiều thời gian trình đề án đến các địa phương mới chính thức được cấp phép.

Xen giữa các khoảng thời gian chờ đợi “gật đầu” của cơ quan chức năng, Uber vẫn âm thầm phát triển thị trường. Nhưng “danh bất chính, ngôn bất thuận”, sau 2 năm chính thức được cấp phép, Uber phát triển kém xa Grab, và thường xuyên bị chính quyền “tuýt còi”. Nhưng oái oăm là, Uber vẫn đủ để đánh bại các hãng taxi hoạt động theo mô hình truyền thống.

Tại TP. HCM, mãi đến tháng 5/2017, Bộ GTVT mới có công văn thống nhất cho phép Uber được hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau khi xem xét tình hình tại địa phương, Sở GTVT đã tham mưu báo cáo UBND TP tạm thời chưa triển khai do chưa đảm bảo các nội dung trong Đề án thí điểm và số lượng xe tham gia thí điểm đã tăng cao.

Nhưng theo báo cáo của Uber, tính đến tháng 10 năm 2017, có 391 đơn vị vận tải tham gia ký kết hợp đồng hoạt động thí với 3.614 xe được cấp phù hiệu.

Uber Việt Nam rất nhiều lần bị cơ quan quản lý "tuýt còi".

Tại Hà Nội, đến thời điểm ngày 04/12/2017, Sở GTVT Hà Nội chưa nhận được báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm của Uber theo yêu cầu của Bộ GTVT. Nhưng theo báo cáo của Uber Việt Nam, đơn vị này đang ký kết với 186 đơn vị vận tải, cung cấp 2.392 xe trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại Khánh Hòa, Uber Việt Nam đã liên kết với đối tác là Công ty TNHH New City Rental để đưa phương tiện do Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh quản lý ra Khánh Hòa để hoạt động kinh doanh. Nhưng New City Rental lại cho các cá nhân là lái xe thuê xe để hợp tác với Uber, đồng thời Uber cũng không báo cáo về Sở GTVT Khánh Hòa về kết quả hoạt động của mình; không có trụ sở và đại diện pháp lý hợp pháp tại Khánh Hòa để phối hợp với Sở GTVT triển khai thực hiện.

Do vậy, Sở GTVT Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo lên Bộ GTVT và đề nghị Uber ngừng triển khai thí điểm mô hình taxi công nghệ tại Khánh Hòa.      

Tại Quảng Ninh: Uber hiện chưa triển khai dịch vụ tại Quảng Ninh.

Số lượng phương tiện của loại hình taxi công nghệ phát triển quá nhanh đã phá vỡ quy hoạch taxi được các địa phương xây dựng. Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc thí điểm loại hình dịch vụ vận tải mới này cũng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Nhiều tuyến đường taxi truyền thống bị cấm lưu thông trong khi đó taxi công nghệ lại tự do hoạt động. Đó là chưa kể đến những khó khăn trong quản lý về trách nhiệm nộp thuế của loại hình dịch vụ vận tải Uber và Grab này.