Ưu đãi lớn để "lót ổ cho đại bàng"
Trong báo cáo gửi Chính phủ đánh giá tác động khi dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra thống kê việc có nhiều tập đoàn lớn đã đến Việt Nam khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng cuối cùng đã chuyển sang quốc gia khác.
Nổi bật là LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó đã chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt nhưng đã chuyển sang Ba Lan...
"Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu khi đang xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Trước thực tế nêu trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Nghị định được kỳ vọng sẽ ổn định môi trường đầu tư, tạo đột phá về các cơ chế chính sách, đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Điều đặc biệt, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành 31/12/2024 nhưng được áp dụng từ năm tài chính 2024.
Một trong những ưu đãi đáng chú ý được quy định trong Nghị định là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu.
Với nhiều kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), TS Đào Quang Thủy, Trưởng phòng phát triển doanh nghiệp KH&CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ khoa học và Công nghệ cho rằng việc hỗ trợ đến 50% chi phí đầu tư cho dự án AI, bán dẫn là bước tiến lớn trong việc khuyến khích các “đại bàng” (thuật ngữ dùng để chỉ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới) đến Việt Nam.
“Việc hỗ trợ đến 50% chi phí đầu tư ban đầu bằng tiền mặt cho doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển về bán dẫn, AI sẽ giải quyết vấn đề cấp bách về thu hút các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam, phát triển các công ty vệ tinh đặt tại Việt Nam. Tránh tiếp diễn việc "đại bàng" đến Việt Nam khảo sát rồi lại đi xây ‘tổ’ ở nước khác, như thực tế đã diễn ra”, ông Thủy nói với VietTimes.
Cho rằng Nghị định 182/2024 thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành”, “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư, TS Thủy tin tưởng rằng chính sách này sẽ tạo sức cạnh tranh cho môi trường đầu tư Việt Nam. Đây vốn là vấn đề cấp bách trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều tích cực thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để tiến tới tự chủ, gia tăng giá trị sản xuất và vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
TS Đào Quang Thủy phân tích nghị định tác động đến việc tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, giảm việc ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam.
"Đại bàng" đáp ứng điều kiện gì để được hưởng ưu đãi?
Theo Nghị định 182/2024/NĐ-CP, các doanh nghiệp được thụ hưởng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Nghị định nêu rõ quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ các hạng mục chi phí như: Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Chi phí nghiên cứu và phát triển; Chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quyết định.
Đặc biệt, Nghị định quy định doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi lớn này, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Thứ nhất, trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức khoa học và công nghệ theo pháp luật về khoa học và công nghệ.
Thứ hai, có lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.
Thứ tư, dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
Ngoài ra, để được hưởng chi phí hỗ trợ các doanh nghiệp phải không có nợ thuế và nợ ngân sách.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam và đã rót hàng tỷ USD đầu tư cho các dự án lắp ráp, xây dựng nhà máy và mở rộng sản xuất. Trong đó có những doanh nghiệp đình đám như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...
Đáng chú ý, đầu tháng 12/2024, Chính phủ Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước. Đây là sự kiện “mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam”, đánh dấu hướng đi mới của Nvidia và đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.