Việt Nam có những lợi thế chiến lược nào để phát triển công nghiệp bán dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã chỉ ra những lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Nhiều lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn

Ngày 14/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Phân tích về bối cảnh, tình hình và yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng nêu rõ phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.

Cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, phát triển kinh tế sáng tạo để tạo ra lực lượng sản xuất mới, với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên".

Theo Thủ tướng, Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn với trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi (nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu), nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tiềm năng (1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới với dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao, xếp hạng 44/133 nền kinh tế về đổi mới sáng tạo).

Thời gian tới, tiếp tục đột phá về các cơ chế chính sách như: Thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư; đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân…

img4155-1734152744072620963867.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các Khu công nghệ cao TP.HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng cùng nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn, là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel.

Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, các nhà đầu tư tốt đang triển khai chiến lược phát triển, đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn; bắt đầu có các startup tiềm năng về bán dẫn. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, LAM Research, Marvell, Qorvo được mời gọi sang để tìm hiểu môi trường đầu tư, hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng cứ điểm tại Việt Nam.

Về khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho biết nhu cầu về vốn đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn là rất lớn, nhưng cơ chế ưu đãi đặc thù để hỗ trợ đầu tư, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực này còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

"Tiếp tục thúc đẩy ngoại giao bán dẫn, có chính sách visa thuận lợi, phù hợp; nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói chip; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn", Thủ tướng nói.

Phát triển hạ tầng đồng bộ

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, phải nâng cao nhận thức với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây; tiếp tục hoàn thiện thể chế thông thoáng, có ưu tiên cho các ngành lựa chọn; phát triển hạ tầng đồng bộ, thông suốt, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đổi mới sáng tạo, hạ tầng điện…

Thủ tướng lưu ý coi phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện; phải triển khai, đầu tư cho xứng tầm đột phá chiến lược. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao đẩy mạnh Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đặc biệt là phát triển chip chuyên dụng; công nghiệp điện tử.

Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam. Bộ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo giáo dục, đại học ở nước ngoài, có kế hoạch kết nối hợp tác với Việt Nam.

img4152-17341527438471071119044.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Công Thương "dứt khoát không để thiếu điện, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn". Bộ Công Thương và Ngoại giao vận động các cơ quan liên quan của Mỹ sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước này và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc và kết nối giao thông ngắn nhất, thuận tiện nhất giữa sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên.

Các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.