Đặc công Việt Nam oai hùng "xuất quỷ nhập thần" khiến báo Trung Quốc kính nể

VietTimes -- Gần đây, khả năng “tàng hình” của lực lượng đặc nhiệm Việt Nam đã gây chú ý cho một số tờ báo Trung Quốc. Có sự chen chê khác nhau và còn liên tưởng đến lịch sử, phản ánh một phần tiềm thức trong dư luận Trung Quốc.
Lực lượng đặc công Việt Nam. Ảnh: News.ifeng.com.
Lực lượng đặc công Việt Nam. Ảnh: News.ifeng.com.

Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông, Trung Quốc ngày 6/4 có bài viết cho rằng lực lượng đặc nhiệm luôn thu hút sự quan tâm của những người đam mê quân sự, quốc phòng. Trong ấn tượng của mọi người, lực lượng này có những binh sĩ “siêu đẳng, toàn năng”. Không có gì cản được họ và họ là những người đánh đâu thắng đó.

Nói đến lực lượng đặc nhiệm của các nước trên thế giới, bất kể ai cũng sẽ lập tức nghĩ đến lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ như lực lượng Seal hải quân, lực lượng Delta lục quân.

Nhưng lực lượng đặc công Việt Nam cũng tương đối nổi tiếng. Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng đặc công Việt Nam xuất quỷ nhập thần, trở thành ác mộng của đại quân Mỹ. Được biết, đặc công Việt Nam còn tạo ra những kỳ tích như đánh chìm tàu sân bay hộ tống USS Card lớp 15.000 tấn của quân đội Mỹ.

Do đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn, lực lượng đặc công luôn được cấp cao quân đội Việt Nam coi trọng, trong chiến tranh đã phát triển được một lực lượng tác chiến khổng lồ với 13 trung đoàn và 1 lữ đoàn nhảy dù, lực lượng này đã lần lượt tiến hành chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khí thế mạnh mẽ, chiến công huy hoàng.

Những năm gần đây, quân đội Việt Nam còn tìm cách mua sắm những vũ khí trang bị tác chiến của phương Tây cho lực lượng đặc công, tìm cách xây dựng đặc công thành một lực lượng tác chiến tinh nhuệ.

Đặc công Việt Nam. Ảnh: News.ifeng.com

Trong khi đó, trang tin Sohu Trung Quốc ngày 13/3 cho rằng binh chủng đặc công được quân đội Việt Nam gọi là “lực lượng đặc biệt tinh nhuệ”, có vị thế và uy tín rất cao trong lực lượng vũ trang Việt Nam. Trong những năm tháng chiến tranh kéo dài nửa thế kỷ, tổ chức và cách đánh của lực lượng đặc công phát triển nhanh chóng, “trở thành phương thức tác chiến lợi hại, độc đáo”.

Chẳng hạn, tấn công cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, cảng biển, đầu mối giao thông, bắt con tin, ám sát những kẻ cầm đầu của địch, tiêu diệt sinh lực địch; tiến hành trinh sát vùng sau lưng địch, phát động quần chúng triển khai đấu tranh chính trị và vũ trang, chỉ đạo xây dựng và tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương.

Cùng với việc độc lập thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, lực lượng đặc công còn tiến hành tác chiến ở vùng sau lưng địch hoặc cạnh sườn để phối hợp với lực lượng tấn công chính diện, đã tham gia nhiều cuộc tiến công chiến dịch và chiến lược, đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ tiên phong trong đội hình binh chủng hợp thành, lập nên những chiến công huy hoàng. Lực lượng đặc công Việt Nam không chỉ nổi tiếng ở trong nước, mà còn nổi tiếng trên thế giới.

Đơn vị lớn nhất của binh chủng đặc công là trung đoàn, mỗi trung đoàn có khoảng 1.600 quân. Bên dưới mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn đặc công, mỗi tiểu đoàn có khoảng 420 quân. Ngoài ra còn có các đơn vị chiến đấu như đại đội hỏa lực, trung đội pháo cối 60, trung đội pháo cối 82 cùng với các phân đội bảo đảm hậu cần như đại đội trinh sát, đại đội quân y, trung đội thông tin.

Đặc công Việt Nam. Ảnh: News.ifeng.com.

Về vũ khí trang bị, do nhấn mạnh đến “tinh gọn, bất ngờ”, lực lượng đặc công chủ yếu sử dụng vũ khí trang bị hạng nhẹ như súng ngắn, súng tiểu liên, ống phóng rốc-két, súng phóng lựu đạn M79, đồng thời có sự chi viện hỏa lực từ các loại pháo hạng nhẹ như pháo cối 82, 60.

Tuy nhiên, Sohu Trung Quốc cho rằng không nên “thổi phồng” sức chiến đấu và vai trò của đặc công Việt Nam. Bài viết liên tưởng đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và những căng thẳng kéo dài sau đó. Bài viết nhắc nhở rằng việc cho rằng đặc công Việt Nam là “xuất quỷ nhập thần” sẽ gây ra tâm lý “sợ hãi, căng thẳng”.

Theo quan điểm của quân đội Việt Nam, lực lượng đặc công tương đối linh hoạt, giỏi cơ động, dùng để tấn công vùng sau lưng địch, phối hợp với tấn công chính diện, có thể đạt được mục đích mà đối phương không ngờ tới hoặc làm chấn động tinh thần của đối phương.

Lực lượng đặc công chủ yếu có 4 phương thức sử dụng: Một là dùng phân đội đặc công để mở đường phía trước, dẫn dắt bộ binh hành động. Sau khi bộ binh phát động tấn công, phân đội đặc công chuyển sang bắt giữ tù binh.

Hai là lấy tiểu đoàn đặc công theo biên chế quy định, tổ chức hỗn hợp với bộ binh, triển khai hành động tấn công phối hợp giữa đặc công và bộ binh.

Chiến sĩ hải quân đánh bộ Việt Nam rèn luyện trên thao trường
Đặc công Việt Nam có khả năng "tàng hình". Ảnh: News.ifeng.com

Ba là điều đặc công lẻn vào “trong lòng địch”, tiến hành quan sát cự ly gần và tập kích phá hoại. Có thể thực hiện “nội công ngoại kích”, “nở hoa trong lòng địch”, phối hợp với phân đội chính diện tấn công.

Bốn là sử dụng phân đội đặc công triển khai hành động nghi binh trên phương hướng tấn công thứ yếu, thu hút kiềm chế đối phương, yểm trợ cho lực lượng chủ lực bất ngờ phát động tấn công trên phương hướng chủ yếu.