Đà Nẵng xin trung ương tạm ứng 1.000 tỉ đồng

TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép TP được sử dụng 50% nguồn cải cách tiền lương còn lại (1.670 tỉ đồng) để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản của TP trong năm 2016.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết sẽ phấn đấu năm 2020 thu đạt 20.000 tỉ đồng . Ảnh: LÊ PHI
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết sẽ phấn đấu năm 2020 thu đạt 20.000 tỉ đồng . Ảnh: LÊ PHI

Sáng 15-3, đoàn công tác do Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay tổng thu ngân sách TP Đà Nẵng năm 2015 đạt trên 14.958 tỉ đồng. Riêng trong hai tháng đầu năm 2016, đạt trên 3.431 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho biết hiện tại thu còn đều đều nhưng phấn đấu đến 2020 phải thu cho được khoảng 20.000 tỉ đồng với việc thu hút các nhà đầu tư, dự án lớn.

Nhiều đề xuất về sử dụng ngân sách

Tại cuộc làm việc này, ông Minh nêu thực tế vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) thuộc địa phương quản lý được tích lũy, hình thành từ nhiều năm, trong đó phần lớn do ngân sách địa phương đầu tư. Tuy nhiên khi cổ phần hóa , toàn bộ vốn nhà nước được bán phải nộp về trung ương nên địa phương không có nguồn để thực hiện đầu tư hỗ trợ cho các DN còn lại phát triển.

“Do đó đối với tiền thu từ cổ phần hóa các DN công ích, UBND TP đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép TP được quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa để có nguồn vốn bổ sung, tham gia góp vốn thực hiện tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu phát triển của các DN. Đồng thời, đảm bảo việc nắm giữ cổ phần chi phối của Nhà nước và kiểm soát, quản lý tốt hoạt động của DN công ích sau khi cổ phần hóa” - ông Minh đề đạt.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng cho hay tính đến nay tổng nguồn thu để thực hiện cải cách tiền lương của TP là 1.770 tỉ đồng. Trong đó, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình và nhu cầu thực hiện chính sách tinh giản biên chế và chi phụ cấp, trợ cấp và các khoản thanh toán theo lương tăng thêm khi thực hiện lộ trình cải cách tiền lương trong năm 2016 là 100 tỉ đồng.

Như vậy, tổng nguồn thực hiện lộ trình cải cách tiền lương của TP sau khi thực hiện chính sách tiền lương năm 2016 còn lại là 1.670 tỉ đồng. “Kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép TP được sử dụng 50% nguồn cải cách tiền lương còn lại (1.670 tỉ đồng) nói trên để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản của TP trong năm 2016” - ông Minh đề xuất.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính giải quyết cho ngân sách TP được tạm ứng vốn tồn ngân sách kho bạc nhà nước năm 2016 là 1.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay năm năm, mỗi năm TP sẽ hoàn trả 200 tỉ đồng.

Xin giảm nghĩa vụ tài chính cho dân

Cũng theo ông Minh, hiện TP đã có công văn về việc xin ý kiến về chính sách thuế đối với việc thực hiện thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.

Theo đó, TP có báo cáo Tổng cục Thuế xem xét trình Bộ Tài chính cho phép không thu thuế giá trị gia tăng với mức thu thuế suất 5% và thuế thu nhập DN 10% để giảm giá thành cho các hộ thu nhập thấp khi mua nhà sở hữu nhà nước. “Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm vấn đề này” - ông Minh nói.

Ông Hồ Kỳ Minh cho hay hiện nay số lượng các hộ giải tỏa còn nợ đất tái định cư quá năm năm trên địa bàn TP rất nhiều. Phần lớn các hộ nợ quá năm năm có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thanh toán.

"Kể từ 1-3-2016, các hộ đã nợ quá năm năm thì phải trả nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Giá đất tại thời điểm trả nợ thường cao hơn giá đất đái định cư nên càng làm cho các hộ dân thêm khó khăn, không có cơ hội thanh toán nợ. Do đó, kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét có chính sách nào để hỗ trợ cho các đối tượng này” - ông Minh kiến nghị.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay đây là các hộ dân bị thu hồi đất, đền bù và bố trí tái định cư theo giá nhà nước. Khi giải tỏa thì các hộ này được đền bù với giá rất thấp so với giá thị trường.

“Đây là chính sách của TP Đà Nẵng khi áp dụng trong công tác giải tỏa đền bù, người dân chịu rất nhiều thiệt thòi. Không giống như các địa phương khác ở Hà Nội, TP.HCM là đền bù theo giá thị trường. Vì vậy, khi buộc các hộ dân này phải trả nợ theo giá thị trường tại thời điểm trả nợ là dân không kham nổi. Do từ đầu TP áp dụng chính sách khác so với cả nước nên đề nghị Bộ Tài chính xem xét để có điều chỉnh phù hợp cho người dân TP” - ông Thơ nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài chính Việt Nam” cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: LÊ PHI

Trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài chính Việt Nam” cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.

Theo PLO