Năm 2022 - năm du lịch nội địa
Theo kết quả điều tra của du khách nội địa đến Đà Nẵng trong năm 2022 của Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng về hành vi du lịch, có khoảng 28% du khách nội địa sẽ đến Đà Nẵng trong đầu năm 2022 và gần 42% chưa rõ thời gian đi. Về độ tuổi, có khoảng 42% du khách độ tuổi từ 25-34 tuổi và 23% du khách độ tuổi từ 35-44 tuổi đến Đà Nẵng với đa số là tự túc theo nhóm… cho thấy thị trường khách chủ yếu là khách du lịch trẻ.
Không những vậy, dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi du lịch của du khách, du khách quan tâm hơn về sự đa dạng của sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, vấn đề an ninh, an toàn và kiểm soát tốt dịch COVID-19… của điểm đến. Phương thức đi du lịch dũng thay đổi, chủ yếu đi theo nhóm gia đình, đi đến các điểm đến gần, lưu trú dài ngày hơn và khách đến Đà Nẵng từ các địa phương có đường bay trực tiếp.
“Với diễn biến của dịch COVID-19 toàn cầu, chúng tôi nhận thấy thị trường du lịch trong năm 2022 sẽ vẫn chủ yếu khách nội địa. Hơn nữa, với kết quả điều tra về nhu cầu du lịch thì năm 2022, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch gắn với giáo dục, nghỉ dưỡng, du lịch gia đình trải nghiệm, du lịch có ý thức có trách nhiệm, thể thao… nhằm phục vụ nhóm khách nội địa” – bà Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng chia sẻ.
Đối với thị trường khách quốc tế, đại diện Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo nghiên cứu và dự báo của Outbox Consulting, đến quý II/2022 chỉ có Hàn Quốc và Singapore đạt mức phục hồi trung bình, từ quý I/2023 sẽ phục hồi tốt và có thể trở lại bình thường từ quý III/2023. Riêng các thị trường du lịch quốc tế còn lại sẽ chậm hơn.
Quang cảnh sự kiện triển khai kế hoạch ngành du lịch Đà Nẵng năm 2022 diễn ra chiều ngày 5/1. |
Chính vì vậy, Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng nhận định, thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng chỉ có thể bắt đầu từ năm 2023 và sẽ bắt đầu từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường gần khu vưc Đông Nam Á.
Để sẵn sàng khi thị trường trở lại, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà nẵng cho biết, ngành du lịch địa phương đã sẵn sàng kịch bản đón khách quốc tế gồm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, Đà Nẵng sẽ tập trung vào thị trường trọng điểm truyền thống (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc), thị trường gần Đông Nam Á, thí điểm mở cửa với các tour trọn gói khép kín theo hình thức hộ chiếu vaccine. Ở giai đoạn 2 (bắt đầu từ quý III-IV/2022), Đà Nẵng mở rộng thị trường khách quốc tế nhập cảnh với chuyên gia/người lao động, khách tour, du khách có nhu cầu du lịch dài ngày và mở rộng đối tượng khách đi lẻ.
Các sản phẩm du lịch năm 2022 của Đà Nẵng cũng sẽ tập trung phân khúc sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch golf… để phục vụ khách quốc tế.
“Thông điệp truyền thông du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến là “Enjoy Đà Nẵng”, “Đà Nẵng điểm đến an toàn”, cùng các thông tin tích cực về công tác phòng, chống dịch COVID-19; các gói sản phẩm du lịch, gói giá ưu đãi... dành cho thị trường quốc tế sẽ thúc đẩy phát triển và phục hồi ngành du lịch trong năm 2022 và thời gian tới” – đại diện Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng.
Cần thêm những chính sách đột phá cho doanh nghiệp
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, với những diễn biến của dịch bệnh COVID-19, lạc quan nhất là đến năm 2024, doanh thu ngành du lịch mới bắt kịp số liệu của năm 2019 và với dự báo chung của thị trường thì cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng cố gắng đến tháng 6/2022 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng của năm 2020 với khoảng 100 chuyên bay/ngày. Riêng đối với du khách quốc tế thì hy vọng đến tháng 7/2022 sẽ quay trở lại.
Ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - phát biểu chỉ đạo tại sự kiện |
Cũng theo ông Dũng, với xu hướng du lịch sau dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang hướng đến sản phẩm du lịch xanh, du lịch an toàn. Và với tâm lý du khách đi theo hướng nhóm nhỏ, nhóm gia đình, cộng đồng doanh nghiệp đang xây dựng sản phẩm chất lượng cao để đón bắt nhu cầu này.
“Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực như: tiếp tục giúp doanh nghiệp tiếp cận gói ưu đãi tính dụng, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp du lịch... nhằm tránh doanh nghiệp lâm vào cảnh đóng cửa, phá sản”- ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, các ngành chức năng cần có cơ chế đột phá, giúp doanh nghiệp thích ứng với trạng thái bình thường để phục vụ nguồn khách nội địa và quốc tế. Cơ chế đột phá cả về chính sách về y tế lẫn chính sách điểm đến để du khách có thể thuận tiện cho việc đi lại như chính sách song phương từ chính phủ các thị trường khách, các chính sách đối với hộ chiếu vaccine…
Chiều ngày 5/1, đại diện UBND TP Đà Nẵng, Sở Du lịch TP và VietTel chính thức ra mắt Sàn thương mại du lịch điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch Đà Nẵng |
“Định hướng vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không, các công ty lữ hành trong việc mở cửa dịch vụ, tạo các dòng khách, luồng khách rõ nét là điều cần thiết. Không những vậy, đứng góc độ chính quyền địa phương cần tăng các liên kết với nhau, nhanh chóng phối hợp, tạo ra lợi thế về sản phẩm thị trường và tăng hiệu quả khai thác khách mới có thể tạo nên sự đột phá cho sự trở lại của thị trường du lịch. Đặc biệt là cần có những giải pháp đồng bộ và xem năm 2022 là năm bản lề để doanh nghiệp doanh phục hồi trong năm 2022 và những năm tới”- ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, Sở Du lịch Đà Nẵng và Viettel ra mắt Sàn thương mại du lịch điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch Đà Nẵng nhằm tăng hiệu quả quản lý cho cơ quan Nhà nước; giúp thu thập dữ liệu, nhu cầu, hành vi của du khách; tăng hiệu quả quảng bá, doanh thu cho doanh nghiệp.
Mô hình giúp du khách tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, nhà hàng, đặt phòng khách sạn, tour, đặt chỗ nhà hàng; lên kế hoạch chuyến đi thanh toán trực tuyến… Ứng dụng giúp doanh nghiệp quản lý phòng, dịch vụ; quản lý booking; quản lý nhà cung cấp; quản lý khách hàng Báo cáo thống kê…
Ngoài ra, ứng dụng còn có các ứng dụng hội nghị trực tuyến; gian hàng doanh nghiệp; điểm đến; kết nối giao thương; trải nghiệm du lịch ảo; tích hợp sàn thương mại điện tử;…
Được biết, đây là sản phẩm hợp tác giữa UBND TP Đà Nẵng và VietTel trong chiến lược chuyển đối số của Đà Nẵng nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Hiện tại, ứng dụng đang áp dụng chính sách miễn phí thử nghiệm 1 năm cho các doanh nghiệp đăng ký giam gia.
Về tiến độ triển khai, trong tháng 1/2022 sẽ xây dựng chính sách, quý I/2022 sẽ thí điểm đào tạo nhân lực, tiếp nhận đăng kým triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, du khách; quý 2/2022 sẽ triển lãm du lịch ảo;..