Đà Nẵng triển khai ứng dụng Chatbot phục vụ du khách nhân dịp APEC
VietTimes -- Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng vừa chính thức triển khai Chatbot ("trợ lý ảo") tích hợp trong ứng dụng Du lịch thông minh để phục vụ du khách đến tham quan Đà Nẵng trong dịp APEC và sau này.
|
Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa chính thức triển khai Chatbot tích hợp trong ứng dụng Du lịch thông minh để phục vụ khách du lịch đến Đà Nẵng trong dịp APEC. |
Bằng việc tích hợp chatbot vào Fanpage Danang FantasiCity (Kênh chính thống quảng bá Du lịch của thành phố Đà Nẵng trên Facebook), Đà Nẵng đã trở thành Thành phố thứ hai của Đông Nam Á sau Singapore triển khai công nghệ chatbot vào lĩnh vực du lịch theo hướng du lịch thông minh.
“Đây là một sản phẩm hợp tác của Sở Du lịch và Công ty cổ phần công nghệ Hekate nhằm cung cấp thông tin du lịch cho du khách đến Đà Nẵng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Ý tưởng được hình thành từ hiệu quả của công cụ chat Facebook Messenger trên di động vốn rất quen thuộc với mọi người. Việc Đà Nẵng ngày càng thu hút khách du lịch đã phát sinh nhu cầu phải tự động trả lời cho du khách khi họ cần thông tin, và thông tin phản hồi phải chính xác, nhanh chóng”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Chatbot, tạm dịch là trợ lý ảo, là một hình thức thô sơ của phần mềm trí tuệ nhân tạo. Nó hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống càng thật càng tốt. Phạm vi và sự phức tạp của chatbot được xác định bởi thuật toán của người tạo nên chúng (nguồn: Medium)
Để trải nghiệm chatbot này, người dùng chỉ cần gõ “Danang FantasiCity” ngay trên ứng dụng nhắn tin Messenger hoặc truy cập vào đường link:
m.me\visitdanang để sử dụng ứng dụng. Ngoài ra, người dùng có thể quét mã code dễ dàng tại các địa điểm du lịch, trung tâm hỗ trợ du khách. Ngay sau khi truy cập vào giao diện Danang FantasiCity, người dùng chỉ cần nhắn tin như khi nói chuyện với bạn bè, chatbot sẽ tự động chào hỏi và “phục vụ” ngay lập tức dựa trên những yêu cầu của du khách. Tất cả những thông tin về du lịch như: chỗ ở, địa điểm tham quan, đặc sản, sự kiện, hộ chiếu, các số điện thoại khẩn cấp… đều được chatbot thiết lập sẵn và cung cấp cho du khách khi có “yêu cầu”.
Ứng dụng có thể cung cấp tất cả các thông tin du lịch cho du khách bằng hệ thống trả lời tự động như chat messenger
“Với việc ứng dụng công nghệ chatbot này, hệ thống trả lời tự động của Trung tâm hỗ trợ Du khách Thành phố Đà Nẵng sẽ làm việc và hỗ trợ khách du lịch tốt hơn thay vì giải đáp bằng cách truyền thống. Ứng dụng sẽ tạo ra được một kênh giao tiếp mới thân thiện, hiệu quả cùng hỗ trợ song song với các kênh hiện có như website, tổng đài điện thoại, ứng dụng…”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm.
Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chatbot được sử dụng như một kênh thông báo đến người dân, du khách về các hoạt động trong khuôn khổ APEC. Lịch trình hoạt động, lệnh cấm di chuyển trên các tuyến đường cũng được chatbot cung cấp chi tiết, giúp cho người dân có thể dễ dàng đi lại và hưởng ứng APEC một cách trọn vẹn nhất.
Chatbot Danang Fanstaticity là sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng Facebook Messenger - mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, và tương thích với điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android, iOS có kết nối Internet qua 3G, Wi-Fi.
"Điểm khác biệt của ứng dụng là khả năng kết nối với các thông tin liên quan, gợi ý thêm các thông tin kịp thời cho du khách. Ví dụ như du khách thắc mắc cần hỏi đáp ngay, thì hệ thống sẽ tự động truy cập tìm kiếm cơ sở dữ liệu và trả lời cho du khách. Ví dụ khi du khách cần tìm thông tin về khách sạn tại một khu vực nào đó, ứng dụng có thể ngay lập tức cung cấp đầy đủ thông tin về các khách sạn tại khu vực với địa chỉ, giá phòng, chất lượng,…và hình ảnh kèm theo”, ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ứng dụng thành công là nhờ việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin du lịch trên địa bàn thông qua việc cập nhật đầy đủ, chi tiết trong suốt thời gian qua
“Vấn đề hình thành công cụ không khó và xây dựng phần mềm chỉ mất vài tháng. Tuy nhiên, để có thể trả lời đầy đủ, chính xác và nhanh chóng, chúng tôi đã phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về địa điểm lưu trú, các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi…và liên tục cập nhật dữ liệu suốt thời gian qua để phục vụ du khách. Tính đến nay, chúng tôi đã số hóa và cập nhật được hơn 90% các thông tin, dữ liệu về các cơ sở, dịch vụ du lịch trên địa bàn và tiếp tục cập nhật tiếp những cơ sở mới hình thành.
Bên cạnh tính năng trả lời, ứng dụng còn có ý nghĩa quan trọng là có thể thống kê số lượng câu hỏi của du khách, tự động phân loại câu hỏi, xác định loại câu hỏi được hỏi nhiều nhất, vấn đề được du khách quan tâm nhất,…Từ đó định hình xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách tốt hơn. Đặc biệt với cơ sở dữ liệu đang có, chúng tôi sẽ tích hợp thêm nhiều thông tin mới, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho các cơ quan chuyên môn khác để tích hợp toàn bộ các ứng dụng”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Được biết, sau thành công của ứng dụng trên ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt, trong thời gian tới, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ nâng cấp thêm các thứ tiếng như: tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Nhật để hỗ trợ du khách các quốc gia này đến TP Đà Nẵng.
Ứng dụng “Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động” - Danang FantastiCity, một trong những công cụ hỗ trợ du khách đến với Đà Nẵng
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu của du khách, năm 2016, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã đưa ứng dụng “Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động” - Danang FantastiCity vào phục vụ và sau đó tiến hành nâng cấp với nhiều tiện ích vượt trội. Đặc biệt ứng dụng Danang FantastiCity được bầu chọn là Top 10 sự kiện Công nghệ thông tin & Truyền thông nổi bật của Đà Nẵng năm 2016.
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2016, tổng khách tham quan, du lịch đến thành phố này đạt 5,6 triệu lượt. Trong đó khách quốc tế đạt 1,66 triệu lượt. Trong khi đó nhân lực ngành du lịch ước tính chỉ khoảng 27.000 người và vẫn đang còn thiếu rất nhiều tại các mảng dịch vụ. Chính vì vậy, việc hình thành các ứng dụng là một trong những phương thức để xây dựng môi trường du lịch ngày một hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách.