|
Ảnh minh họa: Diễn đàn Nhà báo & Công luận. |
Theo đó, sáng ngày 8/2, Sở TT-TT TP Đà Nẵng đã ban hành công văn thu hồi văn bản do chính cơ quan này đã phát hành trước đó, đồng thời xin lỗi với các cơ quan báo chí vì những sai sót từ công văn trên gây ra.
Cụ thể, ngày 6/2, Phó Giám đốc Sở TT-TT đã ký Công văn 228/STTTT-TTBCXB với nội dung về việc cung cấp bản thảo trước khi in ấn các ấn phẩm báo chí nhằm phục vụ công tác điểm báo và phản hồi thông tin báo nêu. Văn bản đề nghị báo Đà Nẵng và báo Công an Đà Nẵng phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn và phát hành các ấn phẩm báo chí; Đề nghị Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng phối hợp kịp thời cung cấp các thông tin nổi cộm, cần các cơ quan đơn vị phản hồi thông tin báo nêu.
Bên cạnh đó, Sở TT-TT TP Đà Nẵng cũng đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương khác đóng trên địa bàn TP hồ trợ cung cấp kịp thời đường dẫn trên báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử của báo các thông tin nổi cộm liên quan đến TP Đà Nẵng cần các cơ quan, đơn vị phản hồi thông tin báo nêu.
Ngày 7/2, ngày sau khi Công văn trên được chính thức phát hành đã vấp phải phản ứng của dư luận khi nội dung văn bản trái với quy định tại Khoản 3, Điều 13, Luật Báo chí 2016 sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 là: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Trước sai sót trên, sáng ngày 8/2, Sở TT-TT TP Đà Nẵng đã có công văn số 236/STTTT-TTBCXB do Giám đốc Sở Nguyễn Quang Thanh ký, nhằm thu hồi văn bản đã bản hành trước đó, đồng thời xin lỗi với các cơ quan báo chí.
Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017:
Điều 13. Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.