"Đòi" 3 dự án liên quan tới "Vũ nhôm"
Cụ thể, tại ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX chiều 12/7, đại diện UBND TP Đà Nẵng đã đọc tờ trình, đề nghị thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất nhằm phục vụ mục đích công cộng.
Sau khi tiến hành biểu quyết, HĐND TP Đà Nẵng đã đồng ý thông qua với tỷ lệ 100%, làm cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan khi thu hồi.
Theo đó, Đà Nẵng tổng diện tích đất cần thu hồi là hơn 315ha của 40 dự án. Diện tích thu hồi sẽ phục vụ xây dựng các công trình công cộng, dự án dân sinh.
Công trình dự án nhà hàng - bến du thuyền phía nam Cảng Sông Hàn (đường Bạch Đằng, quận Hải Châu) với tổng diện tích hơn 4.082m2 (cả diện tích đất và mặt nước) của Công ty TNHH IVC
|
Trước đó, trong chương trình kỳ họp có nội dung sẽ bàn thu hồi 3 công trình, dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là “Vũ nhôm”) cũng được xem xét thu hồi để làm công viên, công trình công cộng phục vụ dân sinh.
Các dự án gồm: Dự án nhà hàng - bến du thuyền phía nam Cảng Sông Hàn (đường Bạch Đằng, quận Hải Châu) với tổng diện tích hơn 4.082m2 (cả diện tích đất và mặt nước) của Công ty TNHH IVC; Dự án Khu du lịch ven biển của Công ty TNHH IVC, khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn với diện tích thu hồi 3,76ha; Dự án du lịch ven biển của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 tại khu vực ven biển Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với diện tích 1,5ha.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, các đại biểu đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới.
|
"Chuộc" sân Chi Lăng làm sân vận động
Cụ thể, liên quan tới dự án Sân vận động Chi Lăng, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng không ủng hộ việc 14 lô đất được chia ra thành 14 dự án, 14 khu vực chia cắt trong tổng thể SVĐ Chi Lăng. Đây cũng là quyết tâm và Đà Nẵng cũng sẽ chuẩn bị nguồn lực để thương lượng với các cơ quan liên quan để ấy lại sân vận động này trong quá trình thi hành án.
“Sân vận động Chi Lăng đã bị chia thành 14 mảnh, và đang liên quan đến vụ án, cũng như đang trong thời gian thi hành án. Hiện UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy để xin chủ trương và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhằm thương thảo các đơn vị có liên quan nhằm lấy lại.
Một góc Sân vận động Chi Lăng
|
Trước đây, TP chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng cho doanh nghiệp để xây dựng công trình phục vụ sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chia thành 14 lô đất, thành phố không chấp nhận việc chia cắt này. Chúng ta sẽ chuẩn bị kinh phí, nguồn lực để thương thảo lấy lại Sân vận động Chi Lăng phục vụ cho nhu cầu văn hóa thể thao của người dân” - ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Năm 2010, Đà Nẵng đã bán Sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh với mức giá gần 1.500 tỷ đồng. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp ở ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần so với số tiền trả cho TP Đà Nẵng. Đến năm 2014, ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh - bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam vì sai phạm trong quản lý kinh tế. Theo hồ sơ điều tra, Dự án Sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm nên bị phong tỏa và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý. Sau khi xảy ra vụ việc, UBND TP Đà Nẵng đã từng thương thảo với Ngân hàng Nhà nước để lấy lại quyền sử dụng đất sân Chi Lăng nhưng chưa thành công. |
Vướng vì cán bộ không "nghĩ" cách ?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ xác nhận vướng mắc là lực cản liên quan đến công tác quản lý đất đai của TP, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.
“Đây là vấn đề nổi bật trong thời gian vừa rồi. Đã có nhiều ý kiến nghị của HĐND, cử tri, doanh nghiệp, người dân, đoàn ĐBQH. Thành ủy, HĐND, UBND TP rất quan tâm đến tập trung khắc phục các tồn tại sau thanh tra, và đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc giữa kết luận thanh tra và các quy định khác của pháp luật dẫn đến việc chậm trễ trong tiếp tục giải quyết quyền lợi của các nhà đầu tư thứ cấp.
UBND TP đã báo cáo đến HĐND TP, Thành ủy và các bộ ngành Chính phủ và đang chờ giải quyết. Tuy nhiên, cần nhận thấy các cơ quan tham mưu, người đứng đầu, các bộ phận chuyên môn chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, thiếu hẳn tính năng động, không đưa ra được các vấn đề đề xuất tháo gỡ” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Chia sẻ với doanh nghiệp và định hướng điều hành trong thời gian tới, ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ: “Nhiều vấn đề có thể đề xuất tháo gỡ không cần chờ đợi cấp trên nhưng không ai đề xuất. Tôi cho rằng trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta cần có những cán bộ lãnh đạo năng động, nắm kỹ pháp luật, chuyên môn, tự tin, mạnh mẽ để giải quyết công việc hiệu quả.
Chúng tôi cũng đã báo cáo cho Chủ tịch HĐND về những công việc đang diễn ra, việc xử lý và những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp. Những vướng mắc mà chúng ta không thể giải quyết thì báo cáo lên cấp trên. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đã sắp một lịch họp có các bộ, ban, ngành và Thanh tra Chính phủ để giải quyết các kiến nghị của TP Đà Nẵng”.
Chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng hướng xử lý sẽ thu lại của các nhà đầu tư sơ cấp các khoản trước đó đã giảm thu. Đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động.
“Các nhà đầu tư thứ cấp nhận chuyển nhượng lại các dự án mà trước đó đã được giảm 10%, giờ phải thu lại, thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sẽ thu lại những thất thoát đó, thu từ những nhà đầu tư thời sơ cấp. Những anh nào được hưởng thì dù trốn đi đâu rồi cũng thu. Những người mua lại qua mấy đời thì không thể buộc họ hợp tác với chúng ta để thu lại khoản đó, dẫn đến hàng trăm cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được giao dịch, chuyển nhượng.
Bên cạnh những vấn đề khác, chúng ta sẽ nỗ lực giải quyết được rất nhiều vấn đề mà không vi phạm pháp luật, công việc có thể trôi chảy. Các Sở, ban, ngành phải tập trung xử lý, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Không phải chọn lựa con đường quá an toàn mà dẫn đến cái gì cũng báo cáo, trình lên cấp trên”- ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Nhưng cam kết "không ai có thể can thiệp”
Trước đó, chiều 11/7, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định không ai có thể can thiệp vào chính quyền TP.Đà Nẵng, và cũng không ai có thể đứng trên pháp luật. Ông Trung đã phát biểu như vậy khi nói về công tác quản lý xây dựng, xử lý các công trình xây dựng sai phép và thực thi luật pháp trong quá trình xử lý sai phạm trật tự xây dựng tại Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, không ai có thể can thiệp vào chính quyền TP.Đà Nẵng, và cũng không ai có thể đứng trên pháp luật.
|
Trong phiên họp chiều 11/7, HĐND TP Đà Nẵng chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về các vấn đề liên quan đến tình trạng quản lý xây dựng công trình trong thời gian qua, việc quản lý lỏng lẻo, cấp phép xây dựng khách sạn tràn lan gây phá vỡ quy hoạch, làm thay đổi mật độ dân cư, gây quá tải cho hạ tầng giao thông,… Đặc biệt, tình trạng xây dựng trái phép liên tiếp diễn ra, có dấu hiệu lờn luật.
Đại biểu Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng - cho rằng, trên địa bàn thành phố có một số công trình xây dựng sai phép nghiêm trọng. Có một số công trình đã chấp hành biện pháp xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ của thành phố nhưng có chủ đầu tư vẫn cố tình sai phạm và đẩy chính quyền phải đối đầu với người dân.
Đại biểu Lê Thanh Hải chất vấn các nội dung liên quan đến xử lý công trình sai phép trên địa bàn
|
Trả lời các vấn đề này, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra hơn 5.000 lượt công trình xây dựng trên địa bàn và xử lý 212 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó, đã tháo dỡ 53 công trình vi phạm.
“Tất cả các công trình xây dựng sai phép khi được phát hiện, đơn vị đều có các bước xử lý đúng trình tự quy định và thực hiện nghiêm. Trong đó có những công trình lớn buộc phải đập bỏ, tháo dỡ như công trình khách sạn Eden phải tháo dỡ hơn 100 căn phòng, dự án Khu biệt tự The Song phải tự tháo dỡ biệt thự trị giá hơn 30 tỷ đồng…”- ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng nói.
Tuy nhiên ông Vũ Quang Hùng cũng cho biết, có dự án cố tình sai phạm dù Sở Xây dựng, UBND quận và UBND TP.Đà Nẵng nhiều lần ra công văn yêu cầu chủ đầu tư chấp hành pháp luật. Điển hình là tại dự án Tổ hợp Khách sạn và Cao cấp Mường Thanh Sơn Trà hiện UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản ra thời hạn đến ngày 20/8 sẽ tiến hành tháo dỡ.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng
|
Liên quan tới trả lời của ông Hùng, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chủ đầu tư nào chưa chấp hành văn bản yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm của UBND thành phố thì nên tự tháo dỡ và thương thảo với người dân. Đừng để chính quyền thành phố phải tự tay xuống cưỡng chế”.
|