Đà Nẵng lên phương án xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau những diễn biến bùng phát dịch COVID-19 trở lại trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa chỉ đạo các đơn vị triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, để chủ động giám sát dịch trên địa bàn.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân làm việc tại các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân làm việc tại các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng

Cụ thể, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 - 72 giờ trước khi đưa vào cơ sở, đơn vị tập trung đối với các đối tượng được đưa vào cơ sở, đơn vị tập trung dài ngày như trại giam, tạm giam, cơ sở xã hội Bầu Bàng, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm điều dưỡng tâm thần nhưng không có hoặc không khai thác được yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng thì xét nghiệm

Trường hợp các cơ quan yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi đến làm việc thì cơ quan quản lý người làm việc liên hệ với Sở Y tế, cơ quan thực hiện xét nghiệm để thống nhất kế hoạch tổ chức thực hiện.

Lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần đối với 20% lao động làm việc tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, nhà máy, phân xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp, kể cả tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng;

Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh như: cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia, người lao động, ngân hàng, điện lực, thu gom và xử lý rác thải, hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng cấp thoát nước... phải được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ 1 tháng/lần, với tỷ lệ 10-20% và đại diện trên từng nhóm đối tượng trực tiếp cung ứng dịch vụ, tiếp xúc khách hàng đối với các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch (ban quản lý, lễ tân, nhân viên phục vụ, chủ cơ sở); các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi (người quản lý, nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, bảo vệ, giữ xe);

Các chợ đầu mối, chợ dân sinh (người quản lý, tiểu thương, bảo vệ, giữ xe, bốc vác); các cơ sở nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chủ cơ sở, người quản lý, người lao động, người chế biến, nhân viên, người phục vụ); lái xe, nhân viên phục vụ trên xe của đơn vị kinh doanh vận tải (xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe ta-xi, xe tải hàng hóa); dịch vụ vận chuyển bằng ô-tô, xe máy qua ứng dụng công nghệ, shipper; ban quản lý, nhân viên, bán vé, bảo vệ, xe ôm tại bến xe, ga tàu, bến cảng, sân bay; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, bar, pub, spa, dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, thẩm mỹ (chủ cơ sở, người quản lý, người lao động, nhân viên, người phục vụ).

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại; các lĩnh vực có tính chất tiếp xúc nhiều: tài chính, ngân hàng, điện tử, điện máy, văn phòng phẩm, tạp hóa (chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên); Một số câu lạc bộ thể dục, thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao (bảo vệ, giữ xe, huấn luyện viên, vận động viên, người phục vụ).

Các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ (người quản lý, nhân viên phục vụ, người nuôi dạy trẻ), người cung cấp dịch vụ (vận chuyển, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư,…) cho cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ;

Phóng viên các cơ quan thông tin, báo chí, đài truyền hình; công nhân, người lao động thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý có tiếp xúc với rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngư dân, thương nhân, người lao động tại cảng cá, chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở giết mổ.

Đối với các cơ sở y tế, buộc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ 1 tháng/lần, với tỷ lệ 10-30% đối với người đến khám bệnh ngoại trú; bệnh nhân và người chăm sóc bệnh điều trị nội trú, người cung ứng dịch vụ tại bệnh viện như giữ xe, căng tin, vệ sinh…

Các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở xét nghiệm tư nhân thì xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% phòng khám, cơ sở trên địa bàn, định kỳ 1 tháng/lần, tỷ lệ ít nhất 20%-30% người làm việc tại các cơ sở (chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên).

Xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, định kỳ 1 tháng/lần, tỷ lệ 20- 30% người làm việc tại cơ sở bán lẻ thuốc (chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên).

Công chức, viên chức, người lao động đi công tác ngoại tỉnh tại các tỉnh, TP có ca nhiễm cộng đồng nhưng không thuộc khu vực phải áp dụng cách ly tập trung, cách ly tại nhà thì xét nghiệm ngẫu nhiên 10 - 20% trong vòng 3-7 ngày sau khi rời địa phương công tác về TP.

Các đơn vị, địa điểm tập trung nhiều người, thông khí kém, có nguy cơ lây nhiễm cao nếu xuất hiện ca bệnh như Trung tâm hành chính, bộ phận tiếp dân, bộ phận một cửa của các quận, huyện, xã, phường, viên chức, công chức, cán bộ, người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệm thuộc các sở, ban, ngành thì xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ 1 tháng/lần với tỷ lệ 10 - 20% đại diện người làm việc thường xuyên.

Trước mắt, tháng 6/2021, Đà Nẵng sẽ thực hiện xét nghiệm ít nhất 20% đối với từng nhóm đối tượng. Thời gian tiếp theo, căn cứ diễn biến dịch bệnh tại địa phương và trên cả nước, có thể điều chỉnh tỷ lệ xét nghiệm của các nhóm đối tượng cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các đối tượng khác, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP làm đầu mối tiếp nhận và tham mưu về chuyên môn và cơ sở pháp lý để có cơ sở trình UBND TP, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP xem xét, quyết định.