Đà Nẵng kiến nghị xem xét nới lỏng giãn cách xã hội để vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế

VietTimes – Tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng diễn ra ngày 28/8, các đại biểu đã đề nghị cần xem xét nới lỏng giãn cách xã hội, để vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế
Bệnh viện Đà Nẵng lên phương án phân luồng bệnh nhân vừa đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Bệnh viện Đà Nẵng lên phương án phân luồng bệnh nhân vừa đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 28/8, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, sau khi dịch đã dần được kiểm soát.

Xem xét nới lỏng giãn cách


Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng không thể kéo dài tình trạng phong tỏa toàn bộ các hoạt động xã hội như hiện nay, mà cần xem xét nới lỏng giãn cách xã hội, để Đà Nẵng vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế.

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng  - cho biết, đến thời điểm này, TP đã xét nghiệm hơn 121.000 mẫu, xác định 387 ca dương tính với virus SASR-CoV-2, đã có 168 bệnh nhân ra viện, 24 ca tử vong, hiện còn 186 người đang điều trị.

Bên cạnh đó, TP đã đưa hơn 1,7 triệu khách du lịch rời Đà Nẵng, tiếp tục đưa người lao động phổ thông rời tâm dịch theo nguyện vọng. Tuy nhiên, thời gian đầu, người dân và chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, nhưng khi số ca mắc COVID-19 được kiểm soát và ít dần, người dân đã có dấu hiệu lơ là.

Cũng theo ông Lê Trung Chinh, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng, cũng đã có một số ý kiến cần có Chỉ thị mới về phòng chống dịch trong tình hình mới, nới lỏng một số quy định để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

“Cách ly một cách chặt chẽ như thế này không thể kéo dài được, mà phải có biện pháp hiệu quả hơn. Hôm qua, TP Đà Nẵng cũng đã kiến nghị với Trung ương xem xét nới lỏng trong thời gian sớm nhất" - ông Chinh nói.

Đà Nẵng lên phương án vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế (Ảnh Hồ Xuân Mai)
Đà Nẵng lên phương án vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế (Ảnh Hồ Xuân Mai) 

Về góc độ chuyên môn, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết, hiện tại các cơ sở y tế trên địa bàn cơ bản đảm bảo đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện đã có phương án phân luồng, tiếp nhận bệnh nhân, xét nghiệm trước khi điều trị, thực hiện giãn cách. 

Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ cao như đối tượng F1, tiểu thương, cán bộ y tế, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, 2 khu công nghiệp có công nhân mắc COVID-19, người nước ngoài… “Tuy nhiên, hiện có khoảng 100.000 công nhân chưa được lấy mẫu xét nghiệm, nên Sở Y tế đề nghị dành 1 tuần tập trung xét nghiệm để yên tâm về khoanh vùng chống dịch. Sau đó, TP bước sang giai đoạn 2" - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói.

"Chúng ta phải khẳng định không thể quay về như thời kỳ trước. Muốn mở cửa, muốn kinh tế phát triển thì các ngành cũng phải đồng lòng. Vẫn chiến lược của công tác phòng chống dịch, đó là thần tốc, quyết liệt, khoanh vùng, nhưng khoanh vùng phạm vi hẹp, để không ảnh hưởng đến kinh tế. Ngành y tế cũng tuân thủ thực hiện 2 mục tiêu là phòng, chống dịch và phát triển kinh tế"- bà Yến chia sẻ.

"Sống chung" với dịch COVID-19


Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng xác định phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cho đến khi dịch được khống chế. Trong trường hợp dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thành phố xem xét nới lỏng một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, để từng bước phục hồi hoạt động của nền kinh tế, đồng thời có hướng dẫn cụ thể về chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh.

Đà Nẵng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách cho riêng Đà Nẵng trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, vì là tâm dịch.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng, hiện tại Đà Nẵng đã có đủ điều kiện nới lỏng giãn cách xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, phải có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình mới trong tất cả khu vực dân cư, nhà máy, cơ quan, trường học.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm và giám sát dịch tễ tại cộng đồng ở Đà Nẵng được duy trì
Công tác lấy mẫu xét nghiệm và giám sát dịch tễ tại cộng đồng ở Đà Nẵng được duy trì 

Kết luận cuộc họp, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng  - đồng ý với đề xuất của ngành y tế về việc dành tuần tới để xét nghiệm rộng, có trọng điểm các đối tượng nguy cơ; phân luồng xét nghiệm bệnh nhân vào bệnh viện. 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP xây dựng Chỉ thị sống chung với dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đóm quy định cụ thể trách nhiệm từng ngành, địa phương, nâng cao năng lực, tính chủ động của chính quyền cơ sở.

"Chúng ta sẽ kiểm soát tình hình chặt chẽ theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ đến hết tháng 8/2020. Bắt đầu từ tháng 9, với xu hướng như hôm nay thì chúng ta sẽ thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg tùy theo từng khu vực. Đối với các khu vực dân cư, chợ, siêu thị, trường học sẽ có biện pháp cụ thể. Không thể sống cứu trợ mãi như thế này" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tính từ ngày 24/7 đến 16h ngày 28/8, Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 218.040 người. Đà Nẵng ghi nhận 388 trường hợp mắc COVID-19 mới, đang điều trị 160 trường hợp, đã điều trị khỏi 187 trường hợp, 26 trường hợp tử vong được ghi nhận.

Tính đến nay, Đà Nẵng đã xác định được 11.520 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định); 15.241 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định). Hiện có 279 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế, 1.241 người đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và 12.541 người cách ly tại nhà.