Đặc biệt, Lễ ký kết của 12 hợp đồng chuyển giao công nghệ với giá trị gần 200 tỷ sẽ diễn ra trong khuôn khổ sự kiện. Tiêu biểu là hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất than sinh học và giấm gỗ sinh học ứng dụng trong xử lý chất thải môi trường và bảo vệ thực vật sinh học giữa Hiệp hội nghiên cứu GBT (Nhật Bản) với Công ty phân bón và dịch vụ tổng hợp với Giá trị hợp đồng CGCN là 1 triệu USD; Hợp đồng chuyển giao công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm, công nghệ làm lạnh đông cồn, mô hình nuôi cua lột, mô hình sản xuất giống và nuôi hàu, mô hình ương nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm giữa Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Công ty Cổ phần Bá Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Phú Yên, với giá trị ký kết 37 tỉ đồng…
Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban khoa học công nghệ môi trường Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Đà Nẵng, đại diện các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương, cùng các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, học sinh sinh viên trên địa bàn.
Với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Nâng tầm cuộc sống”, Sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017” sẽ diễn ra tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) từ ngày 22/11-24/11 với hoạt động như: triển lãm công nghệ, tư vấn công nghệ, kết nối công nghệ, kết nối đầu tư, hội thảo hội nghị chuyên ngành công nghệ, tập huấn phục vụ các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ… xoay quanh nội dung chính gồm: Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo) và Hội nghị các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Cụ thể, TechDemo 2017 tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ; Cơ khí chế tạo trong nông nghiệp, Năng lượng tái tạo, quản lí nguồn nước và phát triển bền vững; Nông nghiệp Công nghệ cao và Hữu cơ; Công nghệ thông tin; Điện tử và Viễn thông; Y tế; Thủy sản; Nhựa; Dịch vụ ngân hàng; và các lĩnh vực liên quan,…
Bên cạnh các hoạt động trưng bày trình diễn, tư vấn công nghệ - cải tiến quy trình kỹ thuật và hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu công nghệ trực tuyến sẽ diễn ra trong thời gian diễn ra sự kiện nhằm tạo dựng mối liên kết ứng dụng và phát triển các sản phẩm chủ lực của các vùng theo chuỗi giá trị đối với 3 vùng Đồng bằng sông Hồng; Trung du và miền núi phía Bắc; Nam trung bộ và Tây Nguyên; Sự kiện còn có các Hội nghị về hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Hội thảo công nghệ bức xạ tiên tiến; Diễn đàn kết nối Công nghệ xanh – Nông nghiệp sạch; Hội thảo Truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ; Hội thảo quốc tế xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường; và Đào tạo, tập huấn cho các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết hoạt động quản lý và phát triển KH&CN của 13 Sở KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Lễ ký kết hợp tác giữa Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ với Ngân hàng phát triển châu á (ADB) về việc hợp tác xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển công nghệ trong khu vực tư nhân; Lễ Tuyên dương 10 doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ xuất sắc, đồng thời biểu dương và ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung.
Các sở khoa học và công nghệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có ký kết thỏa thuận hợp tác ứng dụng và phát triển công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Được biết, tại sự kiện Ban tổ chức sẽ cung cấp thông tin 1.800 nguồn cung công nghệ, 500 thông tin chuyên gia tư vấn về công nghệ, giới thiệu trên 500 sản phẩm/quy trình/công nghệ/thiết bị nghiên cứu của gần 200 doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN trong nước và 55 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế (Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Đài Loan… tham gia trình diễn trên quy mô hơn 5000 m2.