Đà Nẵng giám sát, phòng chống thiên tai bằng ứng dụng thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bằng việc tích hợp Hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn TP Đà Nẵng lên ứng dụng Danang Smart City, người dân có thể gửi yêu cầu cứu trợ khẩn cấp tới cơ quan chức năng một cách nhanh nhất.

Hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn TP Đà Nẵng được đưa lên ứng dụng Danang Smart City
Hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn TP Đà Nẵng được đưa lên ứng dụng Danang Smart City

Ra đời từ yêu cầu bức thiết của đời sống

Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ công tác phòng tránh thiên tai trên địa bàn TP Đà Nẵng, đặc biệt sau đợt mưa, ngập lớn vào ngày 14/10/2022 gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã đưa vào vận hành Hệ thống theo dõi, giám sát phục vụ phòng tránh thiên tai, mưa, ngập.

Hệ thống do Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (Trung tâm IOC) phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn TP xây dựng, vận hành và thường xuyên nâng cấp, cải tiến để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, chính quyền thành phố trong công tác phòng tránh bão, lụt.

Lãnh đạo Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, hệ thống được tích hợp dữ liệu thời gian thực từ 44 trạm đo mưa, 4 trạm đo mức ngập đô thị; cùng hàng loạt dữ liệu từ hệ thống theo dõi mực nước sông, hệ thống giám sát thoát nước và xử lý nước thải; dữ liệu từ hơn 500 tàu cá hoạt động trên biển; dữ liệu từ các camera giao thông, camera từ nhóm phát triển cộng đồng,… để theo dõi tình hình, diễn biến mưa, ngập trên địa bàn TP, phục vụ công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.

vt_ung dung mua 3.png
Lãnh đạo TP Đà Nẵng theo dõi diễn biến ngập lụt thông qua hệ thống điều hành thông minh tại Trung tâm IOC

Đặc biệt, hệ thống khai thác dữ liệu của gần 500 nhà sơ tán, hơn 200 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở; hơn 400 điểm ngập, đường ngập ngày 14/10/2022 được số hóa làm cơ sở so sánh; hiển thị trên hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập để người dân chủ động theo dõi tình hình, có kế hoạch di chuyển và phòng tránh phù hợp.

“Thông qua hệ thống, người dân có thể xem được các trạm đo mưa, điểm ngập cao nhất trong quá khứ, chia sẻ thông tin các điểm ngập, đường ngập cho cộng đồng, xem thông tin các điểm thường xuyên sạt lở, các nhà trú bão/nhà sơ tán,…. để có kế hoạch di chuyển và phòng tránh phù hợp”, lãnh đạo Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho hay.

Cũng theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, với việc triển khai Hệ thống, Trung tâm IOC có thể tiếp nhận thông tin "yêu cầu cứu trợ SOS", "điểm ngập, đường ngập" từ người dân để tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng liên quan và cung cấp thông tin cho cộng đồng nhanh chóng, kịp thời.

Ngoài ra, thông tin tiếp nhận trên hệ thống IOC sẽ được chuyển cho các đơn vị cứu hộ để xử lý, Trung tâm IOC sẽ theo dõi các tài nguyên (nhà tránh bão, xe cứu thương, xe cứu hỏa….) xung quanh điểm cứu hộ, sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu. Hỗ trợ việc giám sát mực nước tại các sông, tình hình tàu cá trên biển, tình hình diễn biến mưa thông qua camera giám sát…nhằm kịp thời báo cáo cho lãnh đạo TP có hướng chỉ đạo, điều hành trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp.

Tương tác đa kênh, đa nền tảng

Được phát triển trên cả 2 phân hệ là web (https://muangap.danang.gov.vn) và app mobile (tích hợp trên ứng dụng Danang Smart City). Hệ thống dữ liệu, thông tin cảnh báo được tiếp nhận xử lý và phản hồi đến người dân và du khách trên các nền tảng di động và web.

Người dân và du khách có thể theo dõi lượng mưa (theo thời gian thực) tại 44 khu vực điểm trên địa bàn TP; có so sánh với lượng mưa cao điểm vào ngày 14/10/2022 (trên bản đồ và biểu đồ); theo dõi mức ngập nước (hiện tại) tại các vị trí, tuyến đường chính trên địa bàn thành phố do người dân, cộng đồng chia sẻ lên; xem thông tin các tuyến đường, khu vực nguy cơ sạt lở đất, đá; thông tin, vị trí nhà trú bão, lũ gần vị trí tìm kiếm (gồm địa chỉ, đường đi, sức chứa,...), số điện thoại khẩn cấp của chính quyền địa phương và cơ quan cứu hộ để cứu hộ kịp thời.

vt_ung dung mua.png
Người dân có thể yêu cầu cứu trợ ngay trên ứng dụng Danang Smart City

Không những vậy, người dân có thể “gửi mức ngập” hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn lên Hệ thống để cung cấp cho chính quyền và công khai cho cộng đồng biết; phát thông báo “Yêu cầu cứu trợ” khẩn cấp khi gặp nguy hiểm từ thiên tai đến chính quyền để hỗ trợ kịp thời ngay trên các nền tảng.

Hệ thống còn tích hợp các trạm đo ngập tự động với các ngưỡng được cài đặt, khi nước ngập vượt ngưỡng, hệ thống sẽ tự động gởi cảnh báo đến cán bộ Phường, bí thư chi bộ tổ và người dân trong phạm vi ảnh hưởng thông qua tin nhắn SMS, Zalo…để có biện pháp đảm bảo tính mạng và tài sản.

Ngay sau khi hệ thống tiếp nhận được thông tin, cảnh báo tự động gửi đến người dân trong phạm vi ảnh hưởng khi mức ngập vượt ngưỡng thông qua tin nhắn SMS, cũng như được đăng tải rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội của Tổng đài 1022 (Zalo, Facebook…) và các kênh thông tin của thành phố Đà Nẵng để người dân, cộng đồng biết, có biện pháp đảm bảo tài sản và tính mạng.

“Được thiết kế dưới dạng trực quan, người dân có thể tương tác dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện. Đặc biệt, trong trường hợp khẩn cấp, cần hỗ trợ, người dân có thể gửi thông tin trên ứng dụng. Sau khi người dân gửi yêu cầu, đơn vị vận hành sẽ tiếp nhận và chuyển các địa phương, cơ quan chức năng thông tin để hỗ trợ cho người dân”, lãnh đạo Sở TT&TT TP Đà Nẵng thông tin thêm.

Không chỉ đem lại lợi ích cho người dân, hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn còn giúp cơ quan chính quyền TP có cái nhìn tổng quan, đưa ra các đánh giá, chỉ đạo điều hành, ứng phó tình hình mưa, bão, lũ; giúp lãnh đạo TP có thể theo dõi trực tiếp số liệu tại Trung tâm IOC để đưa ra chỉ đạo, điều hành trực tiếp.

Hệ thống cung cấp thông tin trên qua thống kê, báo cáo trên bản đồ và biểu đồ cho UBND các cấp, các cơ quan chức năng và về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khi có mưa, bão, lũ,… Đặc biệt trong 2 đợt mưa lớn 25/9/2023 và từ 13-15/10/2023, Trung tâm đã kịp thời theo dõi, thu thập và báo cáo lãnh đạo TP tình hình mưa, ngập trên địa bàn.

“Thông qua việc tổng hợp dữ liệu ngập của người dân gửi qua phần mềm https://muangap.danang.gov.vn và app Danang Smart City, hệ thống theo dõi mưa, ngập ghi nhận gần 700 lượt gửi điểm ngập do người dân giám sát và gửi thông báo từ khi đưa vào khai thác, giúp phát hiện 170 điểm ngập trên toàn địa bàn, từ đó lãnh đạo TP, lãnh đạo các cấp có thể nắm bắt thông tin để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành một cách kịp thời”, Sở TT&TT TP Đà Nẵng thông tin.

vt_ung dung mua 2.png
Bản đồ cảnh báo, điều hành phục vụ ra quyết định cho lãnh đạo TP

“Đây là ứng dụng lần đầu tiên áp dụng tại Đà Nẵng và có thể áp dụng cho các địa phương khác. Sau khi đưa bản đồ hệ thống mưa, ngập vào hoạt động. Trong 2 tháng mưa cao điểm (tháng 9 và 10/2023), hệ thống đã nhận được gần 700 lượt gửi mức ngập tại các tuyến đường ngập úng về hệ thống, công khai trên bản đồ”, lãnh đạo Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết.

Bên cạnh đó, các thông tin mức ngập gửi về bao gồm địa chỉ, mức ngập, hình ảnh,… phản ánh thực tế vị trí ngập, đã góp phần cung cấp thông tin chính xác đến với cộng đồng, hạn chế di chuyển vào khu vực ngập úng tránh gây thiệt hại tài sản.

Tự hào đã đơn vị có thành tích vượt trội về chuyển đổi số, Đà Nẵng ứng cử là Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với việc đưa Hệ thống theo dõi, giám sát phục vụ phòng tránh thiên tai, mưa, ngập tham dự Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024.

Đây là hạng mục giải thưởng trao cho cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số.