Ngày 26/6, Quốc hội thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đáng chú ý là Quốc hội đồng ý thành lập Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu. Đây được xem là quyết định mang tính đột phá cho Đà Nẵng trong tương lai.
Để hiểu rõ hơn về định hướng phát triển của Khu TMTD này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về những định hướng phát triển Khu TMTD Đà Nẵng.
Đà Nẵng định hình Khu TMTD quy mô 10km2
- Sáng 26/6, Quốc hội thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đáng chú ý là Quốc hội đồng ý thành lập Khu TMTD (TMTD) Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu. Ông có thể cho biết định hướng phát triển của Khu TMTD này như thế nào?
Ông Lê Trung Chinh: Khu TMTD Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ như khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật.
Việc thành lập Khu TMTD Đà Nẵng mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do đó, các cơ chế, chính sách để hình thành và phát triển Khu TMTD Đà Nẵng được đề xuất đảm bảo phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm theo hướng kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau.
Đối với những quy định, quy trình đã có, đã rõ về công tác quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các đơn vị có liên quan thì được đề xuất giữ nguyên quy trình, chỉ thay đổi chủ thể từ khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu công nghiệp sang Khu TMTD. Đối với các chính sách chưa rõ, nhưng thông lệ quốc tế vẫn đang áp dụng và trong tầm kiểm soát thì cho áp dụng thí điểm gắn với các điều kiện đảm bảo kiểm tra, giám sát cụ thể. Các nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng-an ninh, lợi ích quốc gia như trợ cấp, tự do tiếp cận thị trường, gia tăng nợ công… thì không áp dụng.
- Được biết, Khu TMTD Đà Nẵng có mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Vậy, Đà Nẵng sẽ kỳ vọng gì về mục tiêu định lượng (giá trị đầu tư) đối với việc thu hút đầu tư, tài chính tại đây thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Khu TMTD sẽ hình thành khu vực tăng trưởng kinh tế cao. Quy mô kinh tế Đà Nẵng giai đoạn 2019-2023 tăng khá chậm, bình quân chỉ đạt 3,09%/năm. Chỉ tính riêng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu TMTD Đà Nẵng trong giai đoạn 1 đã trên 13.000 tỷ đồng (trên 2.600 tỷ đồng/năm với thời gian đầu tư dự kiến trong 5 năm) tương ứng với 2% GRDP mỗi năm của TP Đà Nẵng, chưa kể đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ do việc hình thành Khu TMTD mang lại. Đây chắc chắn là một trong những dự án có tính chất động lực phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới. Tạo ra sức hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược; thu hút các nhà đầu tư tài chính đến đây tạo tiền đề để phát triển Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng.
Về lâu dài có thể thấy việc phát triển Khu TMTD là cách thức hiệu quả để rút ngắn thời gian và chi phí thâm nhập vào thị trường thế giới; Với đặc thù chủ yếu là sản xuất và thương mại quốc tế, sẽ tạo một môi trường làm việc ở trình độ quốc tế, là khu vực lý tưởng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tiếp nhận vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các nhà đầu tư với trình độ cao hơn; qua đó mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực xuất khẩu của đất nước, tăng thu ngoại tệ.
Khi đầu tư vào Khu TMTD Đà Nẵng, các doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như miễn, giảm thuế; hỗ trợ tăng cường đầu tư trực tiếp vào các ngành mục tiêu; làm bàn đạp để tiếp cận thị trường; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; kết nối các doanh nghiệp khác trong và xung quanh. Từ đó, lợi ích lớn nhất và cũng là yếu tố then chốt mà TP Đà Nẵng nhận được từ việc vận hành thành công Khu TMTD là thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm khuyến khích mức độ tham gia cao hơn của các doanh nghiệp nước ngoài và thu hút nguồn nhân tài dồi dào.
Mặc dù việc cung cấp nhiều ưu đãi đầu tư sẽ tạo ra tác động tiêu cực nếu nhà đầu tư không đảm bảo điều kiện, nhưng rất nhiều hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên để sàng lọc nhà đầu tư tiềm năng. Nhà đầu tư chiến lược không phải chỉ dừng lại ở một vài dự án với một vài tỷ USD mà phải gắn với mục tiêu dài hạn và xuyên suốt sự phát triển của Khu TMTD Đà Nẵng.
- Với việc thành lập Khu TMTD Đà Nẵng, ông có thể cho biết kế hoạch, lộ trình phát triển khu này như thế nào? Quy mô khu vực xây dựng Khu TMTD này ra sao? Gắn với tiến độ cảng biển Liên Chiểu ra sao? Ai sẽ tổ chức hoạt động và quản lý Khu TMTD này thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, TP sẽ triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị thành lập Khu TMTD, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định cụ thể vị trí, ranh giới và chức năng cụ thể của từng khu chức năng trong Khu TMTD; tham mưu bổ sung chức năng nhiệm vụ cho đơn vị quản lý là Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng; đề xuất điều chỉnh các quy hoạch liên quan; tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục chuẩn bị thu hồi đất và thu hồi đất (nếu có); xúc tiến các hoạt động kêu gọi nhà đầu tư; tham mưu đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài Khu TMTD Đà Nẵng để thúc đẩy việc hình thành và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu TMTD Đà Nẵng; hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về chính sách trong Khu TMTD; việc ủy quyền một số nhiệm vụ cho Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng...
Nhà đầu tư chiến lược không phải chỉ dừng lại ở một vài dự án với một vài tỷ USD mà phải gắn với mục tiêu dài hạn và xuyên suốt sự phát triển của Khu TMTD Đà Nẵng.
So với các Khu TMTD trên thế giới, Khu TMTD Đà Nẵng được đề xuất thí điểm với quy mô nhỏ, khoảng 10 km2 (tương đương với các Khu TMTD của Singapore). TP không bố trí Cảng Liên Chiểu là khu chức năng trong Khu TMTD mà chỉ chọn các địa điểm gần kề có kết nối với Cảng Liên Chiểu. Việc lựa chọn các địa điểm này hoàn toàn phù hợp và đã có một số trường hợp điển hình trên thế giới; đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện về đất đai, hạ tầng và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của TP nói chung, mục tiêu phát triển Cảng Liên Chiểu nói riêng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn lực và hiệu quả đầu tư theo kinh nghiệm quốc tế, TP Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động một số hạng mục theo lộ trình dự kiến gồm: Giai đoạn 1 từ năm 2025-2030 sẽ hoàn thành hạ tầng Trung tâm logistics khoảng 80ha, thực hiện giai đoạn 1 các khu thương mại dịch vụ khoảng 50 ha và khu sản xuất khoảng 250 ha; Giai đoạn 2 từ năm 2030 thực hiện đầu tư khu thương mại dịch vụ và khu sản xuất với tổng diện tích khoảng 582ha.
Khu TMTD có đầy đủ các hoạt động thương mại, dịch vụ, cửa hàng miễn thuế
- Ông có thể cho biết hàng hoá, dịch vụ đi kèm tại Khu TMTD này ra sao? Các chính sách ưu đãi, chính sách thuế tại đây như thế nào?
Ông Lê Trung Chinh: Về cơ bản Khu TMTD thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... tương tự như ngành nghề kinh doanh đối với Khu phi thuế quan theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung, điều chỉnh hoạt động hoặc lĩnh vực đầu tư và kinh doanh tại Danh mục ngành nghề kinh doanh của Khu TMTD Đà Nẵng.
Cùng với việc quy định khái niệm Khu TMTD Đà Nẵng trong Nghị quyết của Quốc hội, gắn với sự tương đồng trong chức năng, vai trò của khu kinh tế, khu phi thuế quan theo quy định pháp luật Việt Nam, TP đề xuất được áp dụng quy trình hình thành và quản lý Khu TMTD Đà Nẵng tương tự như khu kinh tế, xem đây đều là địa bàn ưu đãi đầu tư, phát triển vì lợi ích quốc gia nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai và đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Đồng thời áp dụng gần như đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan.
Cơ chế này giúp giảm đáng kể chi phí về thời gian và thủ tục hành chính trong việc xây dựng quy định pháp luật đồng thời cũng không mâu thuẫn với các định nghĩa quốc tế về Khu TMTD nhờ sự tương đồng trong đặc điểm của các mô hình. Đồng thời, khi so sánh các chính sách thuế đang được quy định trong các khu kinh tế, khu phi thuế quan hiện nay, mức độ ưu đãi về cơ bản không thấp hơn so với một số Khu TMTD điển hình lân cận. Do đó, trong giai đoạn ban đầu thí điểm, trọng tâm của chính sách ưu đãi áp dụng cho Khu TMTD Đà Nẵng được nghiên cứu tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư, kinh doanh.
- Liệu tại Khu TMTD này có kinh doanh hàng hiệu hay không thưa ông? Hoạt động của Khu TMTD có giống đặc khu, có cả casino, khu vực dành riêng cho người nước ngoài hay không?
Ông Lê Trung Chinh: Trong Khu TMTD sẽ có khu chức năng về thương mại - dịch vụ; trong đó tập trung các hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, hàng giảm giá và các hoạt động thương mại dịch vụ khác nhằm hình thành một hệ sinh thái thương mại - dịch vụ cao cấp (Cửa hàng outlet cao cấp; Siêu thị miễn thuế; và các dịch vụ bổ trợ như Khu vui chơi giải trí trong nhà, các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, ...). Mô hình này hướng đến việc tạo lập một đô thị kinh doanh toàn cầu, đẳng cấp quốc tế nhằm thu hút các công ty hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, du lịch đồng thời cung cấp một môi trường sống đô thị lý tưởng (xanh, sạch, thông minh, đầy đủ các phương thức giải trí, thương mại) phù hợp với định hướng và tầm nhìn phát triển của TP Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết 43-NQ/TW.
Khu TMTD không phải là đặc khu kinh tế. Đặc khu kinh tế tạo ra sự thay đổi cả bộ máy quản lý lẫn thể chế, có thể thành lập một đơn vị hành chính riêng, tách biệt với đơn vị hành chính hiện có. Trong khi Khu TMTD thuần túy là vấn đề kinh tế, tổ chức bộ máy quản lý Khu TMTD giống như với một khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh đó, không tồn tại quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu giữa đặc khu và phần còn lại của nước sở tại. Bên cạnh đó, Khu TMTD vẫn là một mô hình kinh tế mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, để đảm bảo tạo thuận lợi tối đa trong công tác quản lý, vừa thí điểm vừa hoàn thiện nên giai đoạn đầu của Khu TMTD Đà Nẵng sẽ không có dân cư thường trú và phải có hàng rào cứng để đảm bảo tạo thuận lợi tối đa trong công tác quản lý, vừa thí điểm vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hoá ranh giới trên cơ sở nghiên cứu áp dụng mô hình đô thị kinh doanh tích hợp. Đây là mô hình Khu TMTD khá phổ biến từ năm 2003 đến nay.
- Khu TMTD là một mô hình mới, chưa từng có. Vậy công tác quản lý, giám sát, vận hành sẽ được Đà Nẵng học hỏi kinh nghiệm nước ngoài ra sao, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư liên quan đến nhiều hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, các Khu TMTD đều tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu cấp hành chính và tập trung “Một cửa”, chính quyền địa phương được trao quyền nhất định trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Do đó, TP Đà Nẵng đề xuất được giao tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP trong ranh giới Khu TMTD Đà Nẵng đảm bảo đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; Các nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu TMTD Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế; giảm điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu khi xem xét điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên về hải quan cho doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc Khu TMTD Đà Nẵng.
Đồng thời, TP đề xuất giao cho Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với Khu TMTD Đà Nẵng nhằm không làm tăng thêm đầu mối quản lý từ cấp vụ, Cục hoặc tương đương trở lên. Sự thuận lợi của phương thức quản lý này là Ban Quản lý đã thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ở hầu hết các lĩnh vực: đầu tư, quy hoạch xây dựng, lao động, môi trường. Các nội dung giao cho Ban Quản lý không phải là nội dung mới, nhân sự tại Ban Quản lý đã có kinh nghiệm thực hiện trong các khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.
Như vậy, bao gồm cả nguồn lực về nhân sự, kinh nghiệm quản lý và điều kiện cơ sở vật chất, Ban Quản lý đều đảm bảo. Trong trường hợp cần thiết, UBND TP tiếp tục bố trí thêm biên chế, luân chuyển nhân sự từ các sở chuyên ngành để tăng cường nguồn nhân lực cho Ban Quản lý để đảm bảo nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao.
- Xin cảm ơn ông!