Đà Nẵng được gì sau 3 năm triển khai chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2018, UBND TP Đà Nẵng ban hành kiến trúc tổng thể TP thông minh trên 6 trụ cột, 16 lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên. Sau 3 năm, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Hợp tác trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Năm 2018, UBND TP Đà Nẵng ban hành kiến trúc tổng thể TP thông minh trên 6 trụ cột: Quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh và công dân thông minh, cùng 16 lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên.

Với kiến trúc thổng thể này, Đà Nẵng xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Đến năm 2025, thông minh hoá các ứng dụng. Đến năm 2030, thông minh hoá các ứng dụng cộng đồng, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Để thực thi đề án TP thông minh, UBND TP Đà Nẵng đã bố trí 30% nguồn lực ngân sách TP trong tổng kinh phí cả giai đoạn 2018-2025 để làm đòn bẩy thúc đẩy và tạo sự lan tỏa. Còn lại 70% được thực hiện trên cơ sở kêu gọi xã hội hoá từ nguồn vốn doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Qua 3 năm triển khai đề án, tỷ lệ xã hội hóa đã đạt 53%.

UBND TP Đà Nẵng ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh giai đoạn 2021-2025

UBND TP Đà Nẵng ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh giai đoạn 2021-2025

Trong giai đoạn 2018-2020, UBND TP Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với các tập đoàn Viettel, FPT, VNPT, Vietinbank về xây dựng TP thông minh, qua đó thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp hỗ trợ TP triển khai TP thông minh.

Xác định chuyển đổi số là chìa khoá thúc đẩy phát triển trong giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng tiếp tục ký kết hợp tác về chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh với tập đoàn Viettel, FPT và đang chuẩn bị ký kết với tập đoàn VNPT và Mobifone để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

Đà Nẵng còn huy động nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển các ứng dụng cho TP và người dân sử dụng. Đặc biệt là các ứng dụng phục vụ phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, giúp TP nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới.

Đà Nẵng kêu gọi sự hợp tác từ các chuyên gia để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương

Đà Nẵng kêu gọi sự hợp tác từ các chuyên gia để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương

Để đi vào chiều sâu của tiến trình chuyển đổi số, 3 năm qua, Đà Nẵng đã chủ động tham gia các diễn đàn, tổ chức mạng lưới quốc tế liên quan đến TP thông minh và được cộng đồng ASEAN ghi nhận. Với nỗ lực đó, Đà Nẵng nhận được sự chuyển giao chia sẻ kinh nghiệm chuyên gia và tài trợ từ nhiều tổ chức quốc tế về xây dựng TP thông minh (Tổ chức các TP thông minh bền vững thế giới WeGO tài trợ chuyên gia tư vấn trị giá 100.000 USD, UNDP tài trợ 420 triệu đồng cho ứng dụng chatbot tự động; Bộ Đất đai-Hạ tầng giao thông và Du lịch Nhật Bản tài trợ nghiên cứu tiền khả thi TP thông minh;...)

Những kết quả đáng ghi nhận

Trong giai đoạn 2019-2021, Đề án xây dựng Đà Nẵng TP thông minh đã đạt được 12/13 nhóm mục tiêu. Riêng mục tiêu thí điểm Thẻ du lịch thông minh do vướng mắc các quy định về trung gian thanh toán, nên dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng.

Về mục tiêu chung về hạ tầng, Đà Nẵng đã hoàn thành 10/11 nhiệm vụ được Chính phủ giao trong đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (1 nhiệm vụ là đang tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý điều hành xử lý tập trung dữ liệu đô thị đa nhiệm (Trung tâm IOC).

Cụ thể, Đà Nẵng đã hình thành hạ tầng nền tảng và cơ sở dữ liệu thông minh đóng góp vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng TP thông minh (gồm: hạ tầng đô thị, trung tâm dữ liệu, hệ thống họp trực tuyến dùng chung, Trung tâm Mini IOC và đang triển khai trung tâm IOC đưa vào vận hành trong quý 1/2023).

Các cơ sở dữ liệu nền cũng được chuẩn hóa hoàn thiện triển khai các cơ sở dữ liệu và quản lý nhà nước chuyên ngành, hình thành kho dữ liệu dùng chung và đưa vào sử dụng cổng dữ liệu mở.

Nền tảng Công dân số Myportal Danang, một trong những bước đi tiến tới xây dựng xã hội số, công dân số của Đà Nẵng

Nền tảng Công dân số Myportal Danang, một trong những bước đi tiến tới xây dựng xã hội số, công dân số của Đà Nẵng

Sau 3 năm, Đà Nẵng đã triển khai thành công 6 nền tảng số theo yêu cầu hướng dẫn của Bộ TT&TT và bắt đầu sử dụng hạ tầng nền tảng và cơ sở dữ liệu triển khai một số ứng dụng TP thông minh như: giám sát cung cấp dịch vụ công, giám sát an toàn thông tin, giám sát giao thông, giám sát bãi đỗ xe, quan trắc môi trường, xuất nguồn gốc thực phẩm, cổng dữ liệu mở…

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai 34 chương trình dự án ưu tiên nguồn ngân sách TP để lan toả, động lực với kết quả: 21 chương trình, đề án đã hoàn thành và có sản phẩm với tổng giá trị lên đến 97,9 tỉ đồng; 5 chương trình, dự án có tổng kinh phí 147,5 tỉ đồng đã được phê duyệt;… đưa Đà Nẵng trở thành địa phương có tốc độ chuyển đổi số nhanh thuộc Top 3 cả nước.

Cụ thể, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 3 mức 4; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 79% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,5% (gấp 1,3 lần so với toàn quốc); tích hợp 1.409 dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia; bắt đầu triển khai đưa các thủ tục ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cổng dịch vụ công TP...

Đà Nẵng đã thành lập Cổng cổng thông tin chuyển đổi số TP Đà Nẵng tại địa chỉ https://chuyendoiso.danang.gov.vn, thành lập Văn phòng chuyển số TP Đà Nẵng; thành lập 2.500 Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các tổ thôn dân phố với 13.000 thành viên; thành lập 30/56 nhóm zalo xã phường đã triển khai thông tin trên zalo cung cấp thông tin giao tiếp với người dân…

Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa nền tảng Cổng dữ liệu dùng chung TP Đà Nẵng (https://opendata.danang.gov.vn/) và nền tảng Công dân số Myportal Danang (https://myportal.danang.goc.vn) vào hoạt động. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương và được Trung ương đánh giá cao.

Tính đến năm 2022, Đà Nẵng đã có 85% dân số sử dụng điện thoại thông minh, gần 100% hộ gia đình có kết nối băng thông internet băng thông rộng, hơn 260.000 tài khoản của công dân điện tử, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 65% (gấp 1,3 lần trung bình toàn quốc), kinh tế số năm 2021 chiếm tỷ trọng 12,57% GRDP TP, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,27 doanh nghiệp/1.000 dân…

Ứng dụng Danang Smart City được tích hợp nền tảng Công dân số Myportal Danang đã hỗ trợ Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số, TP thông minh.

Ứng dụng Danang Smart City được tích hợp nền tảng Công dân số Myportal Danang đã hỗ trợ Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số, TP thông minh.

Trên cơ sở các nền tảng số, Đà Nẵng đã đưa ứng dụng Danang Smart City có tích hợp nền tảng Công dân số Myportal Danang vào phục vụ người dân, giúp ứng dụng trở thành nơi thu nhận lưu giữ cung cấp hồ sơ công dân số và tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền đến doanh nghiệp, giúp người dân sử dụng dịch công dễ dàng thuận lợi, đồng thời hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, TP thông minh trên địa bàn.

Không những vậy, việc tích hợp hàng loạt các tiện ích trên ứng dụng Danang Smart City, như góp ý phản ánh, tra cứu thông tin quy hoạch đất đai, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đặt dịch vụ cấp cứu 115, truy xuất nguồn gốc thực phẩm… đã giúp người dân tiến gần với các trụ cột Chính quyền số-kinh tế số và xã hội số.

Những giải thưởng danh giá

Qua quá trình triển khai xây dựng TP thông minh và chuyển đổi số, trong 3 năm qua, Đà Nẵng đã đạt được hàng loạt các giải thưởng danh giá mà ít địa phương nào trên cả nước đạt được.

Đầu tiên phải nói đến Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương mà Đà Nẵng đạt được trong năm 2019.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2022

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2022

Liên tiếp trong 3 năm (từ 2020-2022), Đà Nẵng đạt giải thưởng danh giá, duy nhất dành cho các TP/đô thị của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, đó là Giải thưởng TP thông minh Việt Nam. Cùng với đó, Đà Nẵng đoạt 3 giải chuyên đề: Hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, TP hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2020.

Cũng trong năm 2020, Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đối số cấp tỉnh; đạt Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2020 ở hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Tiếp đó, năm 2021, bên cạnh Giải thưởng TP thông minh Việt Nam năm 2021, Đà Nẵng còn đoạt 3 giải chuyên đề: Điều hành thông minh, y tế thông minh, môi trường thông minh; tiếp tục xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đối số cấp tỉnh và đạt Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2021 đối với hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Đà Nẵng liên tiếp nhận Giải xuất sắc tại Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam

Đà Nẵng liên tiếp nhận Giải xuất sắc tại Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam

Năm 2022, Đà Nẵng đạt "hattrick" khi Giải xuất sắc tại Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2022; Giải thưởng TP thông minh Việt Nam năm 2022 và 3 giải chuyên đề về giao thông thông minh, công dân thông minh và TP hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam chứng nhận, trao giải cho hạng mục cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đối số quốc gia diễn đàn Top công nghiệp 4.0 Việt Nam.