Đà Nẵng: Điều trị thành công bệnh nhi 2 tuổi mắc Sarcome cơ vân âm đạo bằng xạ trị áp sát

VietTimes – Chiều ngày 25/11, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 2 tuổi mắc Sarcome cơ vân âm đạo bằng xạ trị áp sát.
Bệnh nhân trong giai đoạn điều trị

Bệnh nhân tên Ph.K.V. (SN 2018, ở Hải Dương), bị Rhabdomyosarcoma, còn gọi là Sarcome cơ vân âm đạo với khối u dài 5cm lan xuống âm hộ. Bệnh nhân đã điều trị hoá trị 6 chu kỳ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, và sau hoá trị cần xạ trị bổ túc. Tuy nhiên, do khối u nằm ở vị trí đặc biệt, có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng âm đạo và buồng trứng rất cao, nên các bác sĩ buộc phải tính đến phương án điều trị giảm thiểu gây hại đến chức năng này.

Sau khi tiến hành hội chẩn với các chuyên gia ở Mỹ, Singapore, các bác sĩ Bệnh viện Ung ướu Đà Nẵng đã thống nhất phương pháp xạ trị áp sát tại chỗ. Đây là phương pháp điều trị bảo tồn, xu hướng mới trong điều trị ung thư hiện nay.

Để điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã thiết kế một bộ áp cá nhân phù hợp với kích thước âm đạo của bệnh nhân thông qua phim chụp MRI, đồng thời, tính liều lượng xạ trị bằng phương pháp HIPO để tối ưu hoá việc điều trị, giảm tác động đến các bộ phận khác. Sau khi thực hiện xạ trị trong 10 buổi, bệnh nhân đã xuất viện với sức khoẻ bình thường, không có tác dụng phụ.

BSCK II Trần Tứ Quý - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - cho biết, đây là ca xạ trị áp sát suất liều cao trẻ em có gây mê duy nhất tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại.

Cũng theo bác sĩ Quý, bệnh Rhabdomyosarcoma là loại ung thư đứng thứ 3 ở trẻ em, chiếm khoảng 3-4% các loại ung thư ở trẻ. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi dưới 7 tuổi và có thể xuất phát từ nhiều cơ quan khác nhau.

“Bệnh nhân không may là có khối u từ âm đạo nên khó khăn trong công tác điều trị, nhưng yêu cầu phải bảo tồn được chức năng cơ quan cho em là một vấn đề thách thức. Và xạ trị áp sát là một lựa chọn duy nhất khả thi” - bác sĩ Quý chia sẻ.