Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc ngày 28/9/2016 với lãnh đạo TP Đà Nẵng về kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới và một số kiến nghị của Đà Nẵng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Đà Nẵng phải triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Thành phố thực hiện các Nghị quyết 19, 35, 60 và 36a của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng Chính phủ điện tử.
Quỹ đất của Thành phố rất hạn chế, vì vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm sao để phát triển không dựa trên mở rộng quỹ đất mà sử dụng thông minh, hiệu quả quỹ đất là rất quan trọng. Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn, đòi hỏi phải là một thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút và hội tụ nhân tài trong nước và quốc tế; cần quan tâm cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; hình thành một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp; tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, CNTT, thân thiện với môi trường; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho doanh nghiệp. Phấn đấu đạt 40.000 - 50.000 doanh nghiệp và năm 2020.
Đông thời, TP Đà Nẵng được yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, bộ máy chính quyền các cấp từ Thành phố đến xã, phường phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động; xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Cũng trong kết luận buổi làm việc ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời 23 nội dung kiến nghị của TP. Đà Nẵng.
Trong đó, về cơ chế ưu đãi đối với khu Công nghệ cao TP Đà Nẵng, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế ưu đãi với khu CNC TP Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2016.
Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương hỗ trợ Thành phố kết nối với các tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, nhất là đầu tư vào khu CNC, đồng thời giao Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Thành phố xúc tiến đầu tư và giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn có tiềm lực mạnh, đầu tư vào Đà Nẵng.
Với tổng mức đầu tư 272,135 triệu USD (tương đương 5.750 tỷ đồng) vốn ODA từ Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, dự kiến đến năm 2019, Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên trên cả nước có hệ thống giao thông thông minh tích hợp.
Dự án có 5 hợp phần: Cải thiện thoát nước mưa và nước thải; Phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT); Đường chiến lược đô thị; Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực; Các hoạt động được chuyển sang từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng.
Mục tiêu của dự án là mở rộng sự tiếp cận của người dân thành phố đến các dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường sá, giao thông công cộng tại một số khu vực được lựa chọn của thành phố.