|
TS Bùi Thanh Minh. Ảnh: QT |
"Doanh nhân như người lái xe, họ muốn đi xa, đi nhanh, đi an toàn"
Sáng 13/5, Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance) tổ chức Tọa đàm "Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68" .
Chia sẻ tại toạ đàm, TS Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã lý giải về vai trò của kinh tế tư nhân, vì sao đánh giá là "một trong những động lực quan trọng nhất".
Theo ông, khu vực kinh tế nhà nước đã gần chạm trần với tỷ trọng GDP khoảng 20% và gần như không tăng thêm. Trong khi đó, khu vực FDI cũng đạt đỉnh từ năm 2019 với tỷ trọng 22% và gần như đứng yên từ đó đến nay, do phần lớn chỉ tham gia vào hoạt động gia công, thâm dụng lao động và thâm dụng vốn lớn.
Nếu muốn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thì phải chuyển mình sang những lĩnh vực như bán dẫn, AI. Nhưng đây là hành trình khó khăn khi chúng ta đi sau thế giới tới 50 năm.
"Vì thế, Nghị quyết 68 được xây dựng với một cách tiếp cận khác biệt: liên tục đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân để mang vào "tiếng nói từ thực tiễn", ông Minh nhấn mạnh.
Nói về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 68, ông Bùi Thanh Minh gọi đây là "Đổi mới 2.0". Nếu Đổi mới năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói và thiết lập nền tảng phát triển, thì mục tiêu của nghị quyết không chỉ dừng ở thu nhập trung bình mà là đạt ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045.
"Tuy nhiên, đâu đó chúng ta đã quá hài lòng, sống thoải mái trong suốt 30 năm, kể từ năm 1995 đến nay", ông Minh đặt vấn đề. Nhưng ở giai đoạn phát triển mới, chỉ có nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo mới là con đường khả thi. Và cũng vì vậy, Nghị quyết 57 ra đời với tư duy đổi mới sáng tạo, đặt nền móng cho sự chuyển mình của khu vực tư nhân.
Về Nghị quyết 68, ông Minh nhấn mạnh, đây không phải là câu chuyện ưu tiên khu vực tư nhân, mà là vấn đề về luật chơi - khu vực này chỉ cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình.
Ông ví von "một doanh nhân cũng giống như người lái xe: họ muốn đi xa, đi nhanh, đi an toàn, cái họ sợ không phải là ổ gà, lúc đó họ có thể giảm tốc. Thứ họ sợ là cơ chế hôm nay thế này, ngày mai đã thay đổi sang kiểu khác".
Theo ông, thực tế hiện nay vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp FDI được ưu ái, tiếp đón nồng nhiệt hơn doanh nghiệp nội.
"Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế", đại diện Văn phòng Ban IV nhấn mạnh.
TS Bùi Thanh Minh cho biết sắp tới sẽ có các nghị quyết quan trọng khác liên quan đến nhân lực và chính sách công nghiệp. Dù hạ tầng, thể chế và nhân lực đều là điểm nghẽn, nhưng chính sách công nghiệp mới là mấu chốt. Nếu không đặt nghị quyết trong tổng thể chiến lược này thì khó có thể tối ưu hóa nguồn lực.
Khi sáp nhập các cơ quan, ông Minh cho rằng cần tạo không gian để từng địa phương xác định ngành mũi nhọn, cũng như phát huy năng lực cạnh tranh theo từng vùng.
Vị chuyên gia cho hay, khi thiết kế Nghị quyết 68, Ban IV theo đuổi 2 tư duy cốt lõi gồm tư duy "cởi trói" và tư duy "phát triển".
Ở tư duy cởi trói, mục tiêu là giải quyết các "căn bệnh" cố hữu như đất đai, vốn, hay cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân với các nhóm thân hữu. Còn ở tư duy phát triển, các doanh nghiệp được phân cấp theo ba nhóm gồm doanh nghiệp dẫn dắt gắn với bài toán quốc gia, doanh nghiệp tiên phong và các doanh nghiệp nhỏ.
Tư duy nhân văn trong xử lý vi phạm kinh tế
Góp thêm góc nhìn khác về Nghị quyết 68, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, đánh giá nghị quyết đã đưa ra một số điểm mới quan trọng, bao gồm bổ sung các biện pháp chế tài ở cả ba lĩnh vực: dân sự, hành chính và hình sự.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp hoặc doanh nhân có sai phạm về kinh tế, có thể xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc tài chính, tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả thay vì áp dụng ngay biện pháp hình sự.
Đặc biệt, với những trường hợp có thể xử lý hình sự nhưng hậu quả đã được khắc phục, nghị quyết cho phép xem xét không khởi tố hình sự.
Vị chuyên gia đánh giá đây là "bước tiến mang tính nhân văn", bởi trên thực tế, nhiều sai phạm kinh tế của doanh nhân - nhất là doanh nhân tư nhân - khi bị hình sự hóa sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả doanh nghiệp. Việc cho phép doanh nghiệp sửa sai, khắc phục hậu quả rồi mới xem xét xử lý trách nhiệm tiếp theo là hướng đi rất đáng chú ý.
"Trong các vụ án hình sự hiện nay, nếu bị cáo chủ động khắc phục thiệt hại, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu hậu quả được khắc phục hoàn toàn thì có nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Đây là vấn đề cần được làm rõ và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật sắp tới", ông Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, luật sư Hà cũng chỉ ra rằng cần có xác định rõ trách nhiệm hình sự của cá nhân và pháp nhân. Hiện nay, nhiều sai phạm xuất phát từ hành vi của cá nhân nhưng pháp nhân chỉ bị xử phạt nhẹ, chủ yếu là phạt tiền hoặc đóng cửa.
Theo ông Hà, trong thời gian tới, cần sửa đổi luật để tăng cường áp dụng các chế tài đối với pháp nhân thay vì chỉ tập trung vào cá nhân doanh nhân.