Điều này được thực hiện thông qua một công nghệ gọi là Electrolysis, một dự án Mozilla đã tiến hành từ nhiều năm trước nhưng bị hoãn lại năm 2011 do một số khó khăn kỹ thuật.
Mozilla đã khởi động lại Electrolysis, hay còn gọi là E10S vào năm 2016 với một tính năng làm cho giao diện người dùng của trình duyệt đáp ứng nhanh hơn. Phó chủ tịch FireFox Nick Nguyen cho biết: "Bên cạnh việc chạy nhanh hơn và ít treo hơn, E10S làm việc lướt website trở nên trơn tru hơn. Ngay cả những trang "bận rộn" như Facebook sẽ luôn được cập nhật nhanh và suôn sẻ."
Lời hứa này được xem là chìa khóa để thuyết phục người dùng trở lại với Firefox - trình duyệt đã từng leo lên đỉnh vinh quang một thập kỷ trước bằng cách đánh bại Internet Explorer của Microsoft, nhưng những năm gần đây lại bị Chrome "đánh cắp" hàng triệu người dùng.
Một số bằng chứng cho thấy Firefox đang hồi phục dần dần. Dịch vụ NetMarketShare của Net Applications chuyên theo dõi số người sử dụng các trình duyệt khác nhau thống kê cho thấy số người sử dụng Firefox tăng từ 8% lên 12% trong năm qua. Tuy nhiên một điểm cần lưu ý là dữ liệu đó loại trừ các thiết bị di động, thứ mà chúng ta sử dụng để lướt web nhiều hơn so với máy tính.
Electrolysis phân chia các tác vụ máy tính khác nhau bằng cách sử dụng các ngăn bộ nhớ riêng biệt, một cách tiếp cận giúp độc lập các vấn đề mà có thể làm chậm hoặc thậm chí làm sụp đổ toàn bộ trình duyệt. Khi nói đến cách cô lập các quy trình khác nhau, Firefox không đi xa như các trình duyệt đối thủ khi cung cấp cho mỗi trang web một quy trình máy tính riêng biệt. Thay vào đó, Firefox chỉ định trang web cho một trong bốn quy trình, giống như bạn cùng phòng chia sẻ căn hộ của mình. Cách tiếp cận này giúp bảo vệ bộ nhớ. Electrolysis cũng tạo nền tảng cho một thay đổi quan trọng khác, được gọi là sandbox, làm tăng tính an toàn, bảo mật. Sandbox là một tính năng tiêu chuẩn của các trình duyệt, giúp chặn các cuộc tấn công lợi dụng trình duyệt như một điểm khởi đầu để mở rộng tấn công với quy mô lớn hơn.