Theo ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đây là một trong những nội dung quan trọng trong Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố chiều nay (25/12).
Ông nhấn mạnh, điều này là tuyệt đối cấm, bởi hành động này vừa vi phạm luật pháp, vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ông cho rằng, các phóng viên, nhà báo phải phát huy vai trò của người định hướng thông tin, góp phần tạo cách nhìn và suy nghĩ tích cực, góp phần chiến đấu với các thông tin xấu độc trên MXH.
“Thời gian vừa qua, có những nhà báo tham gia rất tốt vào MXH, mang lại những hoạt động có ý nghĩa tích cực, nhưng cũng có không ít người tham gia với mục đích không tốt, gây ra tác hại với dư luận xã hội, làm người dân hiểu không đúng về thực tế đang diễn ra”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói thêm.
Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cũn là thời kỳ của MXH và phổ biến là Facebook, diễn đàn tự do của hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn.
Tuy nhiên, MXH cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo, phóng viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý các phóng viên, nhà báo chính là người cần phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin, đặc biệt là trên môi trường MXH.
|
“Các phóng viên, nhà báo chính là người cần phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin. Trước một sự việc xảy ra, khi dư luận còn chưa biết thông tin cụ thể như thế nào, ai đúng ai sai, thì người làm báo có thể có nhiều thông tin hơn người dân. Vì thế, người làm báo cần kịp thời lên tiếng, đăng tải thông tin đúng mực, để người dân có thông tin chính xác, có định hướng hành động”, ông Lợi nói.
Ngoài việc quy định cụ thể những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH, những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH, Quy tắc cũng quy định rõ ràng, chi tiết trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện Quy tắc cũng như trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện nghiêm các nội dung của Quy tắc, kỷ luật theo từng mức độ đối với người làm báo vi phạm các quy định của Quy tắc này.
Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam bao gồm 3 Chương và 7 Điều đã được Hội Nhà báo Việt Nam công bố và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019.
Quy tắc này dành cho Người làm báo Việt Nam, bao gồm: Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ Nhà báo; người chưa được cấp Thẻ Nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí; người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.
4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH 1. Sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước. 2. Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. 3. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân. 4. Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí. 7 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH 1. Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật. 2. Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên MXH vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác. 3. Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên MXH, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác. 4. Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội. 5. Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền. 6. Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc. 7. Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội. 8. Sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang MXH khi chưa được phép. |