Tuy nhiên thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số, theo phản ánh của các CA đang trong tình trạng bão hòa, với đối tượng sử dụng chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp. Thống kê NEAC, tính đến hết 2015, có khoảng hơn 700.000 chữ ký số công cộng đang hoạt động, chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, bảo hiểm xã hội và hải quan điện tử.
Vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT triển khai việc sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, vừa được Thủ tướng ký ban hành cuối tháng 4/2016.
Mục tiêu và nhiệm vụ chung được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết này là phấn đấu cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh. Cụ thể, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); và đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Đáng chú ý, trong các nhiệm vụ giao cho Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã yêu cầu Bộ triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước (KH&ĐT, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, TN&MT, Xây dựng…) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Với yêu cầu kể trên của Chính phủ, dự kiến tới đây thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng sẽ được mở rộng hơn.