Các cổ phiếu trong nhóm VN30 đồng loạt "chìm trong sắc đỏ" ngay từ phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở của (ATO), kéo chỉ số VN30-Index có lúc giảm tới hơn 34 điểm (tương đương giảm 3,5%). Đà giảm của nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như VNM, GAS, SAB, VCB, ... cũng khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm tới 40 điểm (tương đương giảm 4%).
Đợt sụt giảm của VN-Index trong phiên sáng nay có diễn biến khá tương đồng với đợt bán tháo diễn ra vào tối qua (theo giờ Việt Nam) trên các thị trường chứng khoán tại Mỹ và Châu Á khác.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones đã để mất tới 831,83 điểm (tương đương 3,15%) xuống mức 25.598,7 điểm; chỉ số S&P 500 cũng đã giảm 94,66 điểm (tương đương 3,29%) chỉ còn 2.785,68 điểm.
Nguyên nhân được các chuyên gia tại phố Wall cho biết là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện nâng lãi suất cơ bản (lên mức 2,25%) đã tác động đến mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu đã được hình thành từ thời kỳ lãi suất thấp.
Thông thường, khi thị trường chứng khoán Mỹ có biến động mạnh, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhằm tìm kiếm tài sản an toàn hơn. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày hôm qua các nhà đầu tư đã không hành động như vậy.
Thay vì mua vào, các nhà đầu tư lại tiến hành bán mạnh trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, đẩy mức lãi suất trái phiếu gia tăng. Đây có thể coi là hành động bất thường, được ví như là lời cảnh báo sẽ còn có thêm các đợt “sóng gió” trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Bình luận về đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán, Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cho rằng diễn biến này chỉ là “sự điều chỉnh đã được chờ đợi từ lâu” và rằng ông “không hài lòng với những gì Fed đang tiến hành”.
Ông Trump cũng chỉ trích việc Fed tiến hành nâng lãi suất nhiều lần trong năm và cho rằng cơ quan này đã bắt đầu “phát cuồng vì lãi suất".
Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc dẫn tới quyết định tăng lãi suất của Fed. Cụ thể, số liệu ước tính lần thứ 3 của Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy tốc độ tăng trưởng tích cực của GDP nước này Quý 2/2018 đạt 4,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại dây.
Mức tăng trưởng này đến từ hoạt động tiêu dùng cá nhân, chi tiêu của Chính quyền Liên bang, các bang và hoạt động xuất khẩu.
Fed đánh giá nền kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn tăng trưởng tốt và thị trường lao động vững mạnh (tỷ lệ thất nghiệp thấp). Do đó, Fed tiếp tục đưa ra tín hiệu sẽ “bình thường hóa” các chính sách trong thời gian tới.
Quay trở lại với thị trường chứng khoán, các thị trường lớn ở Châu Á như: Thượng Hải, Hồng Kông và Tokyo đều có sự sụt giảm tới hơn 3% trong phiên giao dịch tối qua. Điều này cho thấy nỗi lo sợ của các nhà đầu tư không chỉ xuất hiện tại Mỹ mà đang “ám ảnh” các nhà đầu tư ở các khu vực khác trên thế giới, tác động tiêu cực tới diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán trong nước "chìm trong sắc đỏ" phiên giao dịch sáng ngày 11/10 (Nguồn: ACBS)
|
Ngoài ra, theo VEPR, những diễn biến của kinh tế thế giới hiện tại có thể tác động tới kinh tế Việt Nam ở nhiều góc độ.
Thứ nhất, mặc dù nguy cơ đối đầu thương mại trực tiếp với Mỹ nhưng cán cân thương mại có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp qua kênh Trung Quốc. Hơn nữa, việc VND neo khá cứng vào USD cũng khiến hàng hóa Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh hơn.
Thứ hai, dòng vốn vào cũng chịu những tác động tiêu cực khi Fed liên tục tăng lãi suất chính sách (dự kiến còn một lần nữa trong năm 2018 và hai lần nữa trong năm 2019). Bên cạnh đó, sự gia tăng lãi suất của Fed cũng gây áp lực lên lãi suất nội tệ nhằm ổn định tỷ giá và phòng ngừa lạm phát.
Trong phiên sáng, chỉ số VN-Index đã có lúc giảm tới hơn 50 điểm kích thích dòng tiền bắt đáy tham gia. Tuy nhiên, dòng tiền này vẫn chưa đủ sức để giúp chỉ số VN-Index có được sự hồi phục đáng kể. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 946,16 điiểm, giảm 47,8 điểm. Thanh khoản trên sàn HSX đạt 4.837 tỷ đồng, sàn HNX đạt 927,4 tỷ đồng./.