Giáo dục là nền tảng cho đổi mới sáng tạo
Theo cựu chính khách đến từ Bắc Âu và hiện là chuyên gia về đổi mới sáng tạo hàng đầu EU, Phần Lan cũng giống như một số nước khác như Nhật Bản, Singapore hay Israel đã lấy chính hoàn cảnh khắc nghiệt của mình với tài nguyên thiên nhiên gần như không có để làm động lực thay đổi và trở thành những nước phát triển hàng đầu thế giới nhờ đổi mới sáng tạo.
Một trong những thành tố quan trọng hàng đầu giúp Phần Lan có thể thành công trên con đường lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng là chính sách coi giáo dục làm đầu tầu. Ông dẫn chứng câu chuyện từ hàng trăm năm trước ở Phần Lan đã có quy định nam nữ không được kết hôn nếu chưa biết chữ để cho thấy quê hương ông đã có lịch sử đề cao giáo dục từ lâu và đây chính là nền tảng cho đổi mới sáng tạo của đất nước sau này.
Ngoài hệ thống giáo dục trong nước được coi trọng, Phần Lan còn luôn tận dụng kiến thức của những người đi ra nước ngoài lập nghiệp và học hỏi kinh nghiệm. “Từ chia sẻ của những người đi ra nước ngoài này, Phần Lan đi đến nhận thức rõ rằng tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế rất quan trọng cho phát triển, nên từ hàng thập kỷ trước chúng tôi đã ưu tiên giảng dạy và phổ cập tiếng Anh. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển của đất nước ngày nay”.
Không ngừng thay đổi để nắm bắt tương lai
Ngoài giáo dục, ông nhấn mạnh khoa học và công nghệ là yếu tố căn bản kết hợp với các yếu tố khác như giáo dục hay mối quan hệ hợp tác giữa khối doanh nghiệp tư nhân với các trung tâm nghiên cứu đã tạo ra đổi mới sáng tạo. Dẫn câu chuyện thành công của hãng Nokia trước đây ông cho rằng nếu không có sự hợp tác với khối viện trường thì sẽ không có thời hoàng kim của Nokia như thế giới đã biết. Tuy nhiên, ông Esko Aho nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo là cần phải biết chấp nhận rủi ro vì bản chất của đổi mới sáng tạo là sẵn sàng làm cái gì đó mới mẻ. Do đó, nếu không biết chấp nhận cái mới và chấp nhận rủi ro thì không thể có đổi mới sáng tạo”.
Chính tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới và chấp nhận rủi ro đã mở đường cho việc liên tục thay đổi tư duy và khái niệm để có đổi mới sáng tạo ở Phần Lan. Ông Aho cho biết, tại Phần Lan, việc hoạch định chính sách dựa trên tư duy thay đổi khái niệm ngay từ khi khái niệm đó còn chưa đến điểm khủng hoảng nhằm đón trước được tương lai. Đây cũng chính là một trong những nhân tố cơ bản giúp Phần Lan thành công trong việc tăng trưởng kinh tế nhờ đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các nhân tố khác giúp Phần Lan có được sự tăng trưởng như ngày nay là việc nước này chú trọng đầu tư vào công nghệ cao để tiến xa hơn và việc chính phủ luôn nỗ lực hỗ trợ và đầu tư để tạo ra các thể chế thúc đẩy hợp tác công tư, qua đó tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
Các nhà hoạch định chính sách KH&CN cần phải thay đổi trước
Đề cập đến Việt Nam, ông Esko Aho cho rằng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố căn bản để đổi mới sáng tạo phát triển như có nền tảng khoa học công nghệ và giáo dục tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tham dự cuộc thuyết trình của cựu thủ tướng Esko Aho chia sẻ rằng: “Khi so sánh với Phần Lan, chúng ta vẫn còn khoảng cách rất xa và cần phải có rất nhiều nỗ lực và quyết tâm để thu hẹp khoảng cách”. Ông cũng nhấn mạnh: “Để bắt kịp với những yêu cầu đổi mới của đất nước trong bối cảnh trên thế giới nền kinh tế tri thức đang dần được thay bằng khái niềm nền kinh tế đổi mới sáng tạo, chính chúng ta - các nhà quản lý và hoạch định chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo cần phải thay đổi trước”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Loan Lê
“Đối với Việt Nam, mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên đã không còn thích hợp, nguồn vốn trí tuệ trở thành đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong tăng trưởng kinh tế bền vững bên cạnh hai trụ cột là thể chế và hạ tầng đã được Đảng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm tập trung chỉ đạo”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói thêm.
Trong điều kiện một nước phát triển với nguồn lực có hạn, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp nhưng Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo và một số lĩnh vực nghiên cứu KH&CN. Năm 2017, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế, vươn lên đứng thứ nhất trong số 27 nước có thu nhập trung bình thấp. Trong nghiên cứu cơ bản, Việt Nam cũng đạt thứ hạng cao trong khu vực ASEAN trên một số lĩnh vực như Toán học, Vật lý…
Cuộc thuyết trình của Cựu thủ tướng Phần Lan sáng nay nằm trong chuỗi các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, thuộc khuôn khổ của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2). Đây cũng là hoạt động tiếp nối buổi thuyết trình của Giáo sư Goran Roos - người có ảnh hưởng bậc nhất thế giới về đổi mới sáng tạo - cũng diễn ra tại Bộ KH&CN vào cuối tháng 8/2017.
Ông Esko Aho là chuyên gia hàng đầu của Phần Lan và khối EU về chính sách phát triển kinh tế dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo. Ông từng trải qua nhiều vị trí chủ chốt trong cả khối Chính phủ và khu vực tư nhân như: Thủ tướng Phần Lan (1991-1995), Chủ tịch Quỹ phát triển Đổi mới sáng tạo của Nghị viện Phần Lan (SITRA), Phó chủ tịch Tập đoàn Nokia… Ông cũng tham gia nhóm chuyên gia xây dựng chính sách cho EU để thúc đẩy nghiên cứu và tăng cường hiệu năng cho đổi mới sáng tạo, đồng thời chủ tọa nhóm nghiên cứu đề xuất chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia của Phần Lan năm 2008.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/cuu-thu-tuong-phan-lan-doi-moi-sang-tao-la-phai-lien-tuc-thay-doi/20170918045523963p1c882.htm