Cứu sống bệnh nhân bị mảnh sắt bắn xuyên thấu từ cổ vào phổi vô cùng nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật cứu sống một người đàn ông bị mảnh sắt bắn xuyên thấu từ cổ vào phổi, gây tràn khí tràn máu màng phổi, chèn ép suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân Vương H.B. được thăm khám sau ca mổ
Bệnh nhân Vương H.B. được thăm khám sau ca mổ

Ông Vương H.B. (46 tuổi, trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng vô cùng nguy kịch, do bị mảnh sắt bắn vào cổ và xuyên thấu vào thùy trên phổi phải, gây tràn khí tràn máu màng phổi, tụ máu lớn vùng cổ, gây chèn ép suy hô hấp.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ Khoa Ngoại tim mạch, Ngoại lồng ngực và Gây mê Hồi sức đã khẩn trương phối hợp để tiến hành ca phẫu thuật, dẫn lưu màng phổi phải, mở giải áp máu tụ chèn ép vùng cổ, giải quyết nhanh chóng tình trạng suy hô hấp, cầm máu và khâu phục hồi lưu thông các động mạch lớn vùng nền cổ, để cung cấp máu não trở lại cho người bệnh.

Sau 2 tiếng đồng hồ phẫu thuật, cấp cứu và truyền liên tục 2,5 lít máu do mất máu nghiêm trọng, các tổn thương của bệnh nhân đã được xử trí triệt để.

Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tự đi lại bình thường, không có tổn thương di chứng thiếu máu não, sức khoẻ hồi phục tốt và đã xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật.

Bác sỹ Lê Kim Phượng - Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, đây là một ca cấp cứu tối khẩn cấp, bệnh nhân có thể tử vong tức thì vì vết thương ở vị trí rất hiểm yếu và khó kiểm soát.

Cũng theo bác sĩ Phượng, khó khăn đầu tiên khi cấp cứu trường hợp này là phải đặt được ống nội khí quản để đảm bảo thông khí nhân tạo, giải quyết ngay tình trạng suy hô hấp cấp trong bối cảnh khối máu tụ rất lớn gây chèn ép vùng cổ. Một vấn đề phức tạp khác là bệnh nhân bị tổn thương dập nát ngay vị trí chạc ba thân cánh tay đầu động mạch, chia đôi động mạch cảnh gốc phải và động mạch dưới đòn phải, gây đứt rời 2/3 chu vi động mạch, nên đòi hỏi các bác sĩ phải vừa có tay nghề, trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm để xử lý thành công.

“Với vị trí tổn thương mạch máu hiểm yếu như vậy thì đa phần bệnh nhân thường sẽ tử vong trước khi đến được bệnh viện, hoặc nếu sống được cũng thường để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên môn và sự phối hợp nhịp nhàng của kíp trực, kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức, bệnh nhân được cứu sống” - bác sĩ Phượng cho biết thêm.