Những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời vậy mà qua khóa học của anh rồi về áp dụng vào trồng trọt đã có không ít người thành triệu phú “ông bà chủ”.
Hàng vạn người gọi người lính Trường Sơn năm nào là thầy. Anh là Nguyễn Văn Hưởng ở Thụy Khuê, Hà Nội.
12 giờ đêm, được tin Trung tâm Khuyến nông Ba Thế, Quảng Ninh có nguy cơ thất bại hoàn toàn mẻ nấm đầu tay, từ Hà Nội Nguyễn Văn Hưởng một mình một “ngựa sắt” vượt 300km trong đêm tối để mới 5 giờ sáng đã có mặt trước sự bất ngờ đến kinh ngạc của mọi người, bắt tay ngay vào xử lý sự cố để 2 giờ chiều lại có mặt tại Hà Nội điều hành công ty và chuẩn bị cho bài giảng .
Đó chỉ là một trong nhiều chuyến cấp cứu của người thầy dạy trồng nấm Nguyễn Văn Hưởng.
Làm giàu không khó
|
Từ cây nấm rừng Trường Sơn
Năm 1977 Nguyễn Văn Hưởng khoác ba lô lên đường nhập ngũ vào binh đoàn 559 xây dựng đường Trường Sơn.
Những năm đó Trường Sơn không còn bom đạn mù trời nhưng cũng không kém phần gian khó, khắc nghiệt. Sáu tháng nắng như đổ lửa. Sáu tháng mưa tầm tã tưởng chừng như không bao giờ dứt được. Chỉ trong chớp mắt lũ đã ầm ầm kéo về làm sụt lở những cung đường mới mở, chặn đứt huyết mạch giao thông.
Trong những ngày “mưa rừng sương mù’ như vậy thiếu rau xanh vẫn là đề tài muôn thủa của bộ đội. Bữa cơm không có rau “như người đau không có thuốc” khó lòng nuốt nổi, nơi rừng thiêng nước độc bệnh tật lại có dịp hoành hành.
Là chiến sỹ quân nhu trong đơn vị Nguyễn Văn Hưởng không quản ngại mưa rừng, muỗi văt, lũ vây vào tận bản dân tộc Êđê, Cà Tu học cách trồng nấm. May mắn thay, anh được bà con tận tình chỉ dẫn. Thiếu thốn đủ thứ anh phải đi tìm cỏ khô, phoi bào, mùn cưa… về làm nguyên liệu, rồi phải huy động cả bạt chăn màn ủ ấm.
Như một điều kỳ diệu sau một thời gian thấp thỏm chờ đợi, từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi ấy đã “nở thành” những thứ nấm sang trọng, ngay cả ở thành phố thời ấy có khi cũng chỉ được nếm vào dịp lễ tết. Giữa rừng Trường Sơn, cây nấm thay rau xanh đã thành niềm vui của bộ đội những ngày mưa rừng buồn tẻ ấy.
Nghề trồng nấm đem lại công ăn việc làm cho nhiều nông dân
|
Nhờ giàu chất dinh dưỡng như: protit, lipit, tinh bột chất khoáng và quan trọng là protein của nấm có tới 9 a xit amin rất cần thiết cho cơ thể (người ta đã so sánh chất dinh dưỡng trong 100g nấm rơm tương đương 90g thịt gà, 100g sữa bò tươi, 109g tôm hay 110 g cá trắng…) nên chẳng bao lâu nhờ ăn nấm sức khỏe của bộ đội binh phục nhanh chóng.
Từ đó nỗi lo thiếu rau xanh vào mùa mưa không còn là nỗi ám ảnh những người lính mở đường Trường Sơn năm nào.
Đưa cây nấm về với ruộng đồng
Như bao người lính hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của mình, năm 1990, Nguyễn Văn Hưởng cũng chỉ hai bàn tay trắng về với phố phường Hà Nội. Anh đã vất vả vật lộn với bao cuộc mưu sinh, làm giàu. Hết làm bột canh cho Xí nghiệp Hạ Long lại trần mình ra nấu nhựa thông bán cho Nhà máy giấy Trúc Bạch .
Thấy không có “cơ” đổi đời lại xoay ra làm gia vị phở muối iôt chống bướu cổ. Nghe tin ở Tây Nguyên người ta bỏ đi hạt tiêu lép là bổ vào thu mua về xay ra bán nhưng cũng chẳng kiếm được là bao.
Nhiều lúc Nguyễn Văn Hưởng buông xuôi tất cả…
Chế biến nguyên liệu để trồng nấm
|
Bao đêm trằn trọc suy tính tìm ra nguyên nhân thất bại, anh mới thấm thía câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” các cụ xưa vẫn dạy. Công việc gì mà mình không am hiểu tường tận, làm ắt sẽ thất bại. Nghề anh am hiểu nhất là nghề trồng nấm, nhưng trồng nấm phải có mặt bằng.- Hà Nội đất chật người đông, đất đắt như vàng, dốc túi không có đồng xu lấy đâu ra đất để dụng võ…
Rồi đến một ngày, anh thấy những người nông dân thật thà chất phác lúc nông nhàn, khi cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, chỉ biết lục đục ngu ngơ kéo nhau lên thành phố làm thuê kiếm sống qua ngày.
Có khi tiền chẳng kiếm được lại còn bị bọn vô lương lừa lấy hết.
Trong khi đó bao nhiêu rơm rạ là nguyên liệu quý làm nấm chỉ biết đốt đi không thương tiếc.
Từ ấy anh nung nấu ý định phải hợp tác với họ đưa bằng được cây nấm về với đồng ruộng cùng người nông dân thoát khỏi nghèo đói vươn lên làm giàu.
Nguyễn văn Hưởng lại lao vào đèn sách thí nghiệm…
Như là sự đền đáp cho công sức và tâm huyết của anh, sau một thời gian ngắn anh đã tự tạo được giống nấm cho riêng mình. Thế rồi 10 - 10 – 1999 anh lập công ty. Công ty của anh như một trung tâm chuyển giao công nghệ.
Với phương châm “Thay vì đưa cho họ con cá, ta đưa cho họ chiếc cần câu”. Công ty cung cấp giống cùng với kỹ thuật trồng và bảo quản nấm, sau đó mua lại sản phẩm của người nông dân theo giá thị trường.
Người nông dân không phải lo đầu ra như một thời mía, đường, cà phê… nên họ rất yên tâm khi đến với công ty. Thị trường trong và ngoài nước càng rộng mở. Ngày ấy hàng năm công ty xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Đức, Nga, hàng chục tấn nấm khô.
Nấm không chỉ được chế ra 70 món ăn ngon mà còn là món ăn “giữ eo” cho chị em nên ngày càng được ưa chuộng.
Đối với một số loại nấm quý như nấm hương, linh chi còn được dùng làm thuốc chữa trị, ngăn ngừa những bệnh hiểm nghèo là cơ hội đổi đời cho người trồng nấm.
Học viên của anh có đủ các thành phần từ nông dân, công nhân, bộ đội, công an, Việt kiều…đến đại biểu Quốc hội.
|
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương ở xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội trước đây là người buôn thúng bán mẹt lên Hà Nội, nhờ học được nghề trồng nấm của anh mà ung dung thu lãi hàng năm cả trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Luyện ở Thuận Thành, Bắc Ninh là học viên khóa học đầu của công ty. Ông chỉ có gần 200m2 nhà xưởng mà hàng năm thu lãi trên 50 triệu đồng mà chẳng phải “dãi nắng, dầm sương’ như làm một số nghề khác.
…
Từ những bài học anh dạy, nhất là trên truyền hình cây nấm đã lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc… cùng bao người vượt khó làm giàu.
Học viên của anh có đủ các thành phần từ nông dân, công nhân, bộ đội, công an, Việt kiều…đến đại biểu Quốc hội.
Sau khóa học một tuần là đã có trong tay kỹ thuật trồng các loại nấm. Họ tỏa về mọi miền đất nước biến rơm rạ… thành vàng.
Giờ đây, khoa học và công nghệ và truyền thông số phát triển người nông dân chỉ cần chiếc điện thoại vào mạng là có đủ kiến thức tạo cho mình “chiếc cần câu”.
Trải bao thành bại khởi nghiệp, snhớ lại những ngày khởi nghiệp bằng cách mở lớp dạy trồng nấm, bao học viên không quản ngại đường sá xa xôi tìm đến anh để anh “đưa cho họ chiếc cần câu’, anh được Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng Chủ tịch Hội nông dân đến thăm, anh đưa cho tôi xem ảnh và danh sách hàng nghìn học viên đã được anh truyền thụ kiến thức trồng và bảo quản nấm.
Tôi đặc biệt chú ý đến 35 cái tên có cùng một địa chỉ là Trại Cải tạo cai nghiện C6 Bộ Công an. Đó là những người cai nghiện ma túy đi học trồng nấm. Hy vọng cây nấm nhỏ bé giúp những người lầm đường lạc lối sớm trở lại sống lương thiện, có ý nghĩa với bản thân, với cuộc đời.
Anh bộ đội được rèn luyện ở núi rừng Trường Sơn năm nào được nhiều người gọi bằng thầy từ chính sự tự học, phấn đấu vươn lên không mệt mỏi. Mới thấy cách một vị hiệu trưởng ở một trường dân lập Hà Nội “đo” chất lượng giáo dục và thầy cô giáo của ông bằng cách cứ cuối mỗi học kỳ ông phát phiếu cho học sinh chấm điểm thầy cô dạy mình với “triết lý”: “Tôi là người bán phở. Học sinh của tôi là người ăn phở. Tôi muốn biết phở của tôi có ngon hay không, mặn nhạt hay dở ra sao… tôi phải hỏi người ăn phở chứ. Ai lại đi hỏi anh phòng thuế đứng cạnh”.
Cái “thước” ấy có đáng để cho những người làm giáo dục suy nghĩ?