Chuyện về “đội xế nữ” Trường Sơn huyền thoại của Quân đội Việt Nam

VietTimes -- Hiện tại, trung đội nữ lái xe duy nhất trong lịch sử quân đội Việt Nam chỉ còn 30 người, 19 người ở Hà Nội, còn lại ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Có người lấy chồng và ổn định cuộc sống, có người đến giờ vẫn cô đơn...
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại của QĐND Việt Nam
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại của QĐND Việt Nam

Bà bảo khi xuất ngũ, ôm con về quê chồng, bà đã khóc: “Làm gì để sống đây?”, nhưng rồi lại nghĩ: những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, hàng giờ phải đối mặt với thần chết còn không gục gã thì chẳng có lý do gì lại bó tay trước cái đói, cái nghèo. Với hai bàn tay trắng, cựu lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Tuế đã lao vào thương trường tìm kế sinh nhai và trở thành điển hình tiến tiến làm kinh tế giỏi.

Từ hai bàn tay trắng

Năm 1973 bà Nguyễn Thị Tuế xuất ngũ, đưa con trở về quê chồng ở thị trấn Bắc Ninh với hai bàn tay trắng. Nghề duy nhất mà bà có là lái xe tải. Lần tới khắp nơi gõ cửa xin việc. Bà được nhận vào làm lái xe ở Sở y tế Bắc Ninh. Tuy nhiên công việc lái xe đòi hỏi phải đi nhiều, thậm chí là ngoài giờ, bất kể đêm ngày. Con nhỏ, không có người trông, bà đành rời bỏ công việc mà bà thành thạo nhất lúc bấy giờ.

Lận đận mãi, cuối cùng bà cũng xin được vào làm ở Hợp tác xã chế biến thực phẩm cao cấp Bắc Ninh. Lương ít không đủ ăn. Để có thêm thu nhập bà xin ra đồng ruộng trực tiếp thu hoạch đậu tương, ngũ cốc. Cuộc sống của người công nhân, nông dân miền Bắc nói chung thời bấy giờ vô cùng khốn khó. Không cam chịu sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của nhà nước, nữ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Tuế tìm đủ mọi cách để có thêm thu nhập. Ngày nghỉ, bà gửi con cho hàng xóm, lặn lội xuống tận Từ Sơn mua vải diềm bâu, vải phin mộc về bán kiếm lời. 2 giờ chiều đi, 9 giờ tối mới về đến nhà. Tuần nào cũng vậy, mỗi tháng bốn năm lần.

Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Tuấn Bình- chồng bà xuất ngũ, thương tật 31%. “Ban đầu anh ấy nói về phép một tháng. Nhưng rồi tôi nghi ngờ: “về phép sao lại đem theo nhiều đồ đạc cá nhân như vậy?”. Cuối cùng anh ấy thú nhận là đã xuất ngũ. Tôi ôm chồng khóc nức nở: “Anh ở quân ngũ còn có lương, có cái ăn, cái mặc. Về nhà lấy gì mà ăn”. Anh ấy bảo: “chả ai như em. Người ta mong vợ chồng gần nhau còn chả được nữa là”. Túng quẫn quá mới nói thế chứ ai chả muốn có chồng con bên cạnh”.

Thương chồng, thương con, bà lại đầu tắt mặt tối, ngày làm ở Hợp tác xã, chiều về đạp xe lặn lội, khi thì xuống Từ Sơn, lúc về tận Ninh Hiệp mua vải, quần áo, dày dép. Sáng sớm, trước khi đi làm, đem ra chợ giao cho các hàng tạp hóa, chiều về thu tiền. Cuộc sống của gia đình bà vì thế cũng bớt khó khăn hơn. Năm 1978 dành dụm đủ tiền hai vợ chồng bà mua đất làm nhà ở riêng.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuế ngày nay
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuế ngày nay

“Tuy nhiên cuộc sống không vì thế mà khấm khá hơn. Chúng tôi sinh thêm con gái. Nhiều thứ cần chi tiêu hơn. Hợp tác xã làm ăn ngày càng khó khăn. Tôi xin ra khỏi biên chế nhà nước và lao vào thương trường. Để chồng chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái, tôi lên tàu hỏa, về Lạng Sơn mua hàng, rồi vào Nam bán. Lại mua hàng hóa trong Nam, đem ra Bắc bán. Cứ thế, hết chuyến này tới chuyến khác. Cuộc sống gia đình tôi ngày một khá lên”- bà Tuế kể.

Có tiền, bà Tuế mua thêm đất, làm thêm nhà cho con cái. “Nhìn đi nhìn lại, tôi đã bước vào tuổi 50. Đã đến lúc phải đầu tư làm một cái gì đó bền vững hơn”- nghĩ vậy, bà Tuế bàn với chồng ra ngoại thành mua đất làm trang trại.

Lại một cuộc vật lộn mới. “Tuy là con nhà nông, ở chiến trường ra lại trở về với nghề nông, nhưng làm kinh tế trang trại đòi hỏi phải có kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăm bón, am hiểu thị trường”- Bà Tuế nói.

Vợ chồng bà thuê công nhân làm đất. Bà lặn lội đi khắp nơi học kỹ thuật chọn giống nhãn lồng, cách thức trồng, chăm bón để sao cho quả vải ngọt thơm đều mà ít bị sâu bệnh. Bà làm bất kể ngày đêm. “Thấy bà ấy cứ lăn ra làm, nên bố con tôi cũng bị cuốn theo”- ông Bình nói. Vụ đầu tiên bà thu được 20 tấn vải thiều loại chất lượng cao. Cứ thế, vụ  này qua vụ khác, vải thu hoạch ra không kịp bán. “Nhưng rồi việc làm ăn không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Thấy mình làm được nhiều người cũng học tập làm theo. Các trang trại vải ngày càng nhiều thêm, vải tươi xuất khẩu nhiều lúc rớt giá thê thảm”- Bà Tuế nhớ lại.

Để chủ động trong việc dự trữ và xuất khẩu bà Tuế bàn với chồng thuê thợ về xây lò xấy vải ngay tại trang trại của mình. “Mỗi mùa thu hoạch chúng tôi cho ra lò 7-8 tấn vải thiều khô. Vì thế chúng tôi luôn chủ động trong việc xuất khẩu mặt hàng vải thiều”- bà Tuế hào hứng kể.

Bà Tuế trở thành điển hình tiên tiến trong việc làm kinh tế nông trại. Trang trại của bà trở thành địa chỉ tham quan, học hỏi của nông dân quanh vùng.

Những ngày Trường Sơn khói lửa

Trò chuyện trực tiếp với hai dũng sĩ lái xe Trường Sơn một thời Nguyễn Thị Tuế- Nguyễn Tuấn Bình và lần giở lại những trang sử vẻ vang của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng chúng tôi bổng hiểu vì sao một người như bà Tuế lại không bao giờ gục ngã trước bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả đói nghèo.

Tính cách ấy không ra đời ngẫu nhiên!

Năm 1964, ở tuổi 18, Nguyễn Thị Tuế gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong làm cung đường ở Yên Bái. Năm 1965 Mỹ ném bom miền Bắc, đơn vị của bà được điều động vào Quảng Bình tiếp tục làm đường để vận chuyển binh lực, lương thực và khí tài phục vụ cho chiến trường phía Nam. Ngày 18-12-1968 Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thành lập Trung đội nữ lái xe mang tên Nguyễn Thị Hạnh (nữ Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam) do Phùng Thị Viên làm Trung đội trưởng. Trung đội gồm 40 nữ ở lứa tuổi mười tám đôi mươi (32 lái xe, 5 thợ sửa chữa và 3 hậu cần, y tá).

“Biết mình được chọn, tôi khóc: “Thủ trưởng ơi, em không lái xe đâu. Em hay say xe lắm. Thủ trưởng cho em làm thông tin thôi”. “Đồng chí nhanh nhẹn lại tháo vát, lái xe là phù hợp rồi”- Thủ trưởng bảo thế”- Bà Tuế kể. Thế là Nguyễn Thị Tuế, “bé tẹo, năng chưa đầy 40 cân” (lời bà Tuế) đã “bất đắc dĩ” trở thành lái xe.

Trong cái buổi sáng cuối đông, thời tiết kỳ lạ nóng như mùa hè, ở chính ngôi nhà khang trang của mình ở thành phố Bắc Giang, bà Tuế đã kể cho chúng tôi nghe về Trung đội nữ lái xe huyền thoại của mình, về những khó khăn, gian khổ mà họ đã vượt qua trong suốt gần 5 năm (1968-1972)- giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh dọc theo con đường Trường Sơn huyền thoại.

Nữ lái xe Nguyễn Thị Tuế ngồi trên võng, hàng đầu
Nữ lái xe Nguyễn Thị Tuế ngồi trên võng, hàng đầu

Những “tọa độ chết” như trọng điểm Cua chữ A, Ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo Pha Kha, Măng Vu, Thà Khống… trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với nhiều chiến sĩ lái xe. Thần chết có thể đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai: “Ai qua Thà Khống đêm nay/ Hãy nhớ lấy ngày để mẹ cúng cơm”. Hằng ngày, hằng giờ phải trực tiếp đối mặt với sự tàn khốc của bom đạn, sự hy sinh, gian khổ, những cơn sốt rét ác tính hành hạ. Nam giới đã khổ, đối với các nữ chiến sĩ lái xe còn khổ gấp bội phần.

Câu chuyện của chúng tôi với bà Tuế luôn bị bị ngắt đoạn bởi những câu chuyện phụ họa xen ngang của ông Nguyễn Tuấn Bình. Mỗi khi ông Bình “hoa chân múa tay” say sưa kể, bà nép mình bên chồng cười tươi, nét mặt rạng ngời. Ông Bình cũng là lính xế Trường Sơn. Ông bị thương, bà chở ông ra Bắc điều trị. Cùng quê Bắc Giang, lại cùng nghề, họ yêu nhau và nên vợ nên chồng.

Lật từng tấm ảnh nhỏ, bà Tuế lần lượt kể cho chúng tôi về các đồng đội của mình: “Đây, cái Phàn “còi” (Phạm Thị Phàn-NV) đây này”. Một cô gái nhỏ nhắn trong bộ quân phục, ngồi trên mui chiếc xe Gaz, chải đầu. “Phàn khi ấy mới tròn 19, người nhỏ, nặng chưa đầy 40 kg. Cũng như tôi, cô ấy phải bỏ cả cái ba lô, rồi kê chiếc chăn chiên lên để ngồi mới với tới vô lăng. Ấy vậy mà Phàn đã làm nên những chuyện phi thường. Cô ấy và tôi là hai nữ lái xe đầu tiên của toàn quân vượt cao điểm 050 (Quảng Trị), một trong những cao điểm được coi là hiểm trở và ác liệt nhất của chiến trường lúc ấy mà ngay cả những tay lái xe nam đầy kinh nghiệm cũng phải ngán”.

Rồi bà Tuế kể về Vân “hoa lá” (buồng lái bao giờ cũng có hoa), Kim Quy “nhè” (xe chết là lại khóc nhè), Nguyệt Ánh “Người thứ 41”, rồi về Nguyễn Thị Thúy, Lê Thị Bích Ngà, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Minh, Vũ Thị Kim Dung...

Bà dừng lại khá lâu về người Trung đội trưởng của mình- Phùng Thị Viên. “Chị Viên luôn là Trung đội trưởng dũng cảm, tài năng và đầy bản lĩnh”- bà Tuế chỉ vào tấm ảnh mắt ngấn lệ.

Vẫn còn đó Trung đội lái xe huyền thoại

Nhân lúc bà Tuế đứng dậy cho thêm nước sôi vào ấm trà, ông Bình chen ngang vào câu chuyện: “Mấy năm trở lại đây, phần do các con, các cháu làm ăn sinh sống ở nước ngoài cả, phần do đã vào tuổi bảy mươi, “gối đã mỏi, chân đã chồn” chúng tôi chuyển nhượng dần trang trại vải thiều, các cơ sở sản xuất cho người khác, chỉ giữ lại một vài cơ sở nhỏ đủ duy trì cuộc sống hai vợ chồng và đứa cháu gái nội ăn học”. Rồi ông Bình khoe hai vợ chồng vừa đi du lịch châu Âu cả tháng trời.

Rót nước cho chúng tôi xong bà Tuế quay trở lại câu chuyện về các đồng đội của mình, về việc ròng rã hàng chục năm trời họ lặn lội đi tìm nhau. Cuối cùng thì rồi  họ cũng tìm thấy nhau. Hiện tại, trung đội nữ lái xe duy nhất trong lịch sử quân đội Việt Nam chỉ còn 30 người, 19 người ở Hà Nội, còn lại ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Mỗi người một số phận. Có người lấy chồng và ổn định cuộc sống, có người đến giờ vẫn cô đơn, có người lấy chồng nhưng không có con

Hàng năm cứ đến ngày 22-12 là họ lại gặp nhau, kể cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại, nhớ lại những kỷ niệm của năm tháng gian khổ thời chiến tranh và cùng giúp đỡ nhau “lá lành đùm lá rách”. Cháu Đoàn Thị Phương Nga, con gái Trung đội trưởng Phùng Thị Viên (người đã mất vì căn bệnh ung thư quái ác) trở thành con chung của trung đội. Khi được hỏi về các đồng đội của mẹ, Nga bảo: “Mẹ mất khi em còn rất nhỏ, các cô trong đơn vị mẹ đến nhận em làm con nuôi. Các mẹ thường xuyên đến động viên, lo lắng cho em trong việc học, trong cuộc sống. Nhờ vậy em mới có được như ngày hôm nay”.

Câu chuyện của chúng tôi kéo dài tới 1h30 chiều. Nhìn đồng hồ, bà Tuế bảo, 2h bà phải tham dự hội nghị Mặt trận tổ quốc thành phố Bắc Giang. Khi bà Tuế vào nhà mặc bộ quân phục, ông Bình nói với chúng tôi: “nhiều năm liền bà là Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn của thành phố, tích cực tham gia các công tác xã hội địa phương và hễ cứ ở đâu trên địa bàn tỉnh nhà có phong trào làm công tác từ thiện là chả bao giờ thiếu bà ấy”. Rồi ông bảo, ngày mai ông tự lái xe đưa bà về Hà Nội thăm các đồng đội của mình.

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn được tăng thưởng Huân chương Chiến công hạng III (năm 1970); danh hiệu Anh hùng LLVT (năm 2014).

Bà Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 2014; 28 nữ lái xe được tặng thường Huân chương Kháng chiến hạng III.