'Cứu' HAGL và những hệ luỵ phi thị trường

"Việc Chính phủ cứu HAG có thể tạo tiền lệ cho những tập đoàn học theo", TS. Võ Trí Hảo, Giảng viên khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) nói.
TS. Võ Trí Hảo đưa ra giải pháp để "cứu" HAG bằng cách không buộc các ngân hàng phải chuyển các khoản nợ xấu của HAG sang danh mục nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.
TS. Võ Trí Hảo đưa ra giải pháp để "cứu" HAG bằng cách không buộc các ngân hàng phải chuyển các khoản nợ xấu của HAG sang danh mục nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.

Là người ủng hộ tự do hóa thị trường, PGS, TS. Võ Trí Hảo, Giảng viên khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet rằng, nếu Chính phủ quyết định cứu tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có thể sẽ tạo tiền lệ xấu và hoàn toàn phi thị trường.

Trước hết, phải thừa nhận doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, là mẫu người hành động, dám nghĩ dám làm. Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là số ít doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Campuchia.

"Tuy nhiên, việc Chính phủ cứu HAG, hay nói cách khác là dùng tiền thuế để giải nguy cho HAG là điều cần phải cân nhắc kỹ trong bối cảnh nợ công tăng cao, ngân sách eo hẹp", TS. Võ Trí Hảo nói.

Theo TS. Võ Trí Hảo, vấn đề đặt ra là HAG đang sở hữu hàng chục nghìn ha rừng cao su, điều gì sẽ xảy ra nếu tập đoàn này không được cứu và nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bỏ tiền ra mua đứt HAG? 

Nếu xét đến những hệ lụy liên quan, có thể nói sự yếu kém trong quản trị của bầu Đức đã bắt nhiều ngân hàng làm con tin, điều tương tự như việc giải quyết nợ xấu của một số ngân hàng yếu kém trước đây.

Theo phân tích của TS. Võ Trí Hảo thì trên thế giới, việc dùng tiền thuế của dân để cứu các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn cũng không phải là hiếm. "Cho dù việc này thường vấp phải phản ứng dữ dội từ dân chúng, nhưng sự sụp đổ của một tập đoàn lớn có thể còn gây ra hệ lụy lớn hơn rất nhiều. Năm 2008, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã buộc phải phớt lờ sự giận giữ của người dân khi quyết định bơm tiền cứu Tập đoàn AIG, đây là tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Mỹ, nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính nước này".

Theo PGS TS. Võ Trí Hảo, Chính phủ có thể dùng giải pháp cho phép HAG áp dụng ngoại lệ, đó là không buộc các ngân hàng phải chuyển các khoản nợ xấu của HAG sang danh mục nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Hảo cho rằng, giải pháp này sẽ không ổn ở hai điểm, đó là vi phạm nguyên tắc hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời khuyến khích các con nợ khác cũng sẽ tìm cách “học” theo HAG, việc này hoàn toàn phi thị trường và kỷ cương phép nước sẽ không còn.

Cũng có một giải pháp khác được tính đến là đề xuất NHNN thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng chủ nợ. Để tạo điều kiện hỗ trợ trong việc này, các quy định pháp lý cũng đã định sẵn. Nhưng liệu ngân hàng có đủ điều kiện để được tái cấp vốn hay không, hay lại phải sửa luật riêng để có thể tái cấp vốn? 

PGS-TS Võ Trí Hảo đề xuất “áp dụng thủ tục phá sản, không hướng tới phá sản", việc này phù hợp với “thông lệ” quốc tế, tương tự như thủ tục bảo hộ phá sản đối với General Motor ở Hoa Kỳ hồi năm 2008.

“Cụ thể, các chủ sở hữu của HAG có lỗi để doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thì áp dụng thủ tục phá sản đề tạm gạt họ sang một bên, trao quyền định đoạt cho các chủ nợ. Các chủ nợ có thể bán HAG giá rẻ cho doanh nghiệp nào đó không nhạy cảm về an ninh quốc gia để thu hồi nợ. Hoặc buộc HAG phải tuân thủ các giải pháp tái cơ cấu mà các chủ nợ quyết định chứ không phải các chủ sở hữu cứ đòi giá trên trời, cổ phiếu tăng âm ầm sau tin giải cứu của NHNN,” PGS-TS. Võ Trí Hảo đề xuất.

Trước đó, hai cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai và HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục tăng trần sau khi có thông tin NHNN đề xuất Chính phủ giải cứu HAG.

Cụ thể, theo báo Tienphong, ngày 16/05, NHNN với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi phân tích kỹ lấy ý kiến các cơ quan liên quan, NHNN đã nhất trí và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAG lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp và mua các khoản trái phiếu của HAGL. Ba chủ nợ lớn nhất của HAG gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.

Theo Infonet