Là người đặt nền móng và xây dựng FPT Telecom, FPT Online, cựu Tổng giám đốc Trương Đình Anh rời FPT từ tháng 9/2012. Sau đó, trên mạng truyền thông, tên của vị này được nhắc đến bên cạnh một startup về thanh toán điện tử được rót vốn đầu tư 28 triệu USD vào đầu năm 2016.
Ngày 23/7, trên trang cá nhân của một người bạn, một nhân viên cũ (hiện giữ chức Chủ tịch một công ty thuộc FPT, nguyên là Phó tướng của cựu CEO FPT) xuất hiện lời chia tay tới ông Trương Đình Anh, cùng câu ví von: "Cá kình phải bơi ra biển lớn".
Trong ngày thứ bẩy, cả gia đình Trương Đình Anh (vợ chồng, cùng 4 con trai) đã bay sang Mỹ. Trước đó, các tin đồn về việc cựu CEO FPT sẽ sống và làm việc dài hạn ở Mỹ đã lan truyền, nhưng ngày 23/7, thông tin này được khẳng định với lời chia tay từ "Phó tướng" trước đây của Trương Đình Anh.
Trên trang cá nhân, nữ phó tướng này viết: "Chúc cả nhà thượng lộ bình an. Chúc các bạn Rồng, Rắn, Dế, Kiến (tên gọi thân mật của 4 cậu con trai cựu CEO FPT) sẽ thoả sức vẫy vùng và đạt nhiều thành công trên đất Mỹ".
Trương Đình Anh nhận được quyết định bổ nhiệm giữ chức CEO của tập đoàn này vào tháng 2/2011. Tuy nhiên, khi đó, người đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc của FPT từ chối việc bổ nhiệm với lý do mình sẽ không đủ quyền quyền hành động như một CEO thực sự - điều ông vẫn làm tại FPT Telecom.
Mất 3 tháng thuyết phục, FPT mới có được sự đồng thuận của cả hội đồng quản trị lẫn ông Trương Đình Anh cho chức vụ mới. Ngày 25/3/2011, CEO Trương Đình Anh chính thức tiếp quản chiếc ghế của người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam.
Khi đó, mục tiêu lớn của FPT trao cho ông là thực hiện tái cơ cấu tập đoàn, đưa FPT lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Forbes (trong Forbes Global 2.000) trong vòng 10 năm tới.
Tuy nhiên, những khác biệt về định hướng chiến lược và nước đi cho FPT vẫn là rào cản giữa CEO và nhiều thành viên HĐQT của FPT.
Tháng 9/2012, sau gần 2 tháng xin nghỉ phép để tĩnh dưỡng và chữa bệnh, CEO Trương Đình Anh xin từ nhiệm với lý do những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với Hội đồng quản trị FPT không thể giải quyết.
Sau khi rời khỏi FPT, cái tên Trương Đình Anh xuất hiện trên báo chí gắn liền với ứng dụng chuyện nhận tiền trực tuyến Ví điện tử Momo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu. Theo hồ sơ của công ty này, ông Trương Đình Anh đầu tư tại đây từ tháng 4/2013.
Tháng 3/2016, Momo nhận được khoản đầu tư 28 triệu USD từ quỹ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.
Ngoài ra, trên trang trang cá nhân Linkedin, ông Trương Đình Anh cho biết, tháng 10/2013, ông đã gia nhập quỹ đầu tư ATAMS với cương vị Giám đốc. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về quỹ này có thể tìm hiểu trên Internet.
Theo Trí thức trẻ