Đó là thông tin được trao đổi tại buổi làm việc giữa Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông - Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về công tác ứng dụng CNTT, vừa diễn ra hôm qua (4/10).
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ TNMT cho biết, về công tác ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, tính đến nay, Bộ TNMT đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho 61 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có 56 dịch vụ mức độ 3 tại Cổng DVCTT của Bộ, 1 dịch vụ mức độ 3 tại Hệ thống cung cấp dữ liệu đo đạc và bản đồ (http://bandovn.vn). Dự kiến đến cuối năm 2017, cơ bản nâng cấp từ mức độ 3 lên 4 cho hầu hết DVCTT (có giao dịch tài chính, nộp phí, lệ phí) và đang bổ sung thêm 5 DVCTT.
Đối với Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, hiện đang cung cấp 4 DVCTT mức 4 tại Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia. Đến hết năm 2017, sẽ cung cấp trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia thêm 9 TTHC (6 TTHC thực hiện tại Bộ , 3 TTHC triển khai thử nghiệm tại địa phương). Đồng thời, Bộ TNMT đã triển khai hệ thống quản lý hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả hỗ trợ giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở của Bộ (https://egov.monre.gov.vn).
Về ứng dụng CNTT trong nội bộ, Bộ TNMT đã hoàn thiện môi trường pháp lý về quản lý ứng dụng và phát triển CNTT ngành tài nguyên, môi trường. Văn bản pháp luật mới nhất là Nghị định 73/2017/NĐ-CP về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, Bộ TNMT đã triển khai hệ thống chữ ký số trong điều hành tác nghiệp của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Bộ bao gồm 6.500 tài khoản người dùng, đã cấp chứng thư số cá nhân cho 2.450 người và hơn 400 cho các đơn vị thuộc Bộ. 100% văn bản, tài liệu không mật giữa các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng thông tin điện tử.
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Bộ TNMT đã đưa vào hoạt động hệ thống hạ tầng trung tâm dữ liệu với 2 trung tâm đặt tại Hà Nội và 1 trung tâm đặt tại TPHCM. Các trung tâm được thiết kế và xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn về hạ tầng vật lý trung tâm dữ liệu.
Là một Bộ quản lý đa ngành, Bộ TNMT đã xây dựng được nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành trong các lĩnh vực tài nguyên đất (4 CSDL), tài nguyên nước (3 CSDL), lĩnh vực môi trường (7 CSDL), lĩnh vực địa chất và khoáng sản ((3 CSDL), lĩnh vực đo đạc bản đồ (5 CSDL), lĩnh vực biển và hải đảo (2 CSDL), lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (3 CSDL), lĩnh vực viễn thám (1 CSDL). Tuy nhiên, đại diện Bộ TNMT thừa nhận, các CSDL của các lĩnh vực còn rời rạc, sự liên kết, trao đổi và chia sẻ giữa các hệ thống CSDL còn hạn chế, chưa được chú trọng cập nhật, gây ra lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường. Bộ cũng đang trong quá trình triển khai xây dựng CSDL quốc gia về đất đai và về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1.
Để khắc phục những điểm hạn chế này, Bộ TNMT đang xây dựng, thiết kế kiến trúc hệ thống thông tin, CSDL trong phạm vi Kiến trúc Chính phủ của Bộ, trong đó chú trọng đến tính liên thông, kết nối với các bộ, ngành khác và chính quyền điện tử của các địa phương.
Về nhân lực CNTT, tổng số cán bộ chuyên trách về CNTT của Bộ TNMT là 671 người, trong đó cán bộ chuyên trách CNTT tại Bộ là 220 người.
Đánh giá về công tác ứng dụng CNTT của Bộ TNMT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho hay, Bộ TNMT là một trong những bộ ngành ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước hiệu quả. Bộ TNMT chủ động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong ngành. Bộ đã và đang xây dựng nhiều CSDL tuy là chuyên ngành nhưng cũng tương đương với CSDL quốc gia, cụ thể là CSDL quan trắc môi trường, đồng thời cũng đang quản lý, vận hành các CSDL quốc gia quan trọng trong lĩnh vực đất đai, nước… Tuy nhiên, đại diện Cục Tin học hóa cũng lưu ý, các DVCTT mức độ 3 của Bộ TNMT có số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh rất ít.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng bày tỏ sự đánh giá cao với những kết quả đạt được trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước của Bộ TNMT. Bộ TNMT là một ví dụ điển hình để các bộ, ngành khác có thể tham khảo, học hỏi về ứng dụng CNTT. Bộ đã thành lập Cục CNTT và CSDL về TNMT, cơ quan chuyên trách về CNTT của Bộ. Số lượng cán bộ chuyên trách về CNTT và ATTT của Bộ là gần 700 người.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng bày tỏ sự ấn tượng với việc ứng dụng chữ ký số tại Bộ TNMT và đề nghị Bộ TNMT cần tiếp tục chú trọng hơn nữa sử dụng chữ ký số, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT.
Về công tác đảm bảo ATTT, Bộ TNMT đã triển khai việc phân loại các hệ thống thông tin, trên cơ sở đó xây dựng phương án đảm bảo ATTT theo cấp độ. Thứ trưởng cũng lưu ý, hệ thống quan trắc môi trường do Bộ TNMT đang vận hành quản lý sử dụng CNTT nhiều, do đó cần tăng cường đảm bảo ATTT cho các hệ thống này.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Bộ TNMT quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau với các hệ thống CSDL khác nhau. Đó đó cần đặc biệt quan tâm vấn đề kết nối, liên thông giữa các CSDL.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ TNMT cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao một số DVCTT mức độ 3 của Bộ lại có số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh ít. Đây không phải là vấn đề của riêng Bộ TNMT mà cũng là vấn đề của một số Bộ, ngành, địa phương khác, Thứ trưởng cho hay.