|
Một dây chuyền lắp ráp trong nhà máy Longhua của Foxconn tại Thâm Khuyến, Trung Quốc |
Nhà xưởng ngổn ngang, ký túc xá xám xịt và những kho hàng hoen gỉ do thời tiết nằm nối dài trong một khu ngoại ô Thâm Quyến. Longhua là nhà máy của Foxconn chuyên sản xuất các sản phẩm của Apple. Đây có thể là nhà máy nổi tiếng nhất trên thế giới, cũng có thể là một trong những nơi bí mật nhất, được ‘niêm phong' kỹ càng nhất. Tại mỗi cổng vào đều có nhân viên an ninh bảo vệ. Nhân viên không thể vào khu vực này nếu không có thẻ, lái xe tải nhập xuất hàng phải lấy dấu vân tay. Một phóng viên của hãng tin Reuters đã từng bị kéo ra khỏi xe hơi và bị đánh do chụp ảnh nhà máy từ phía ngoài. Các biển hiệu cảnh báo được đặt ngay phía ngoài: "Đây là nhà máy được thành lập theo luật pháp nhà nước. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm trái phép. Người vi phạm sẽ bị cơ quan cảnh sát truy tố!". Nội dung này cứng rắn hơn cả trên những bảng hiệu ngoài các cơ quan quân sự tại Trung Quốc.
Nhưng hóa ra có một cách để bí mật đột nhập vào ‘trung tâm' của các hoạt động sản xuất nhiều tai tiếng: sử dụng phòng tắm. Tôi không thể tin được điều này. Nhờ sự tình cờ không ngờ tới và một chút thông minh của người cộng sự, tôi đã vào được bên trong nơi gọi là FoxconnCity.
Đây là dòng chữ phía sau mỗi chiếc iPhone: "Designed by Apple in California Assembled in China". Luật pháp Hoa Kỳ quy định những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc phải được dán nhãn như vậy và việc đưa cụm từ này lên iPhone của Apple minh hoạ sâu sắc về một trong những sự phân chia kinh tế khắc nghiệt trên thế giới – những phần việc tinh xảo nhất được ‘thai nghén' và thiết kế tại thung lũng Sillicon, nhưng việc lắp ráp thủ công lại ở Trung Quốc.
Phần lớn các nhà máy sản xuất linh kiện iPhone và nhà máy lắp ráp được đặt tại đây, một nước Cộng hòa Nhân dân, nơi có chi phí nhân công thấp và một lực lượng lao động khổng lồ có tay nghề cao, là quốc gia lý tưởng để sản xuất iPhone (và hầu như tất cả các thiết bị khác). Đây là quốc gia có khả năng sản xuất lớn chưa từng có, theo Cục thống kê lao động Hoa Kỳ ước tính đến năm 2009 đã có 99 triệu công nhân tại Trung Quốc, điều này đã giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên được bán, công ty thực hiện phần lớn việc sản xuất lắp ráp là Hon Hai Precision Industry Co, Ltd của Đài Loan, được biết đến với cái tên thương mại Foxconn.
Foxconn là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Trung Quốc với khoảng 1,3 triệu công nhân viên. Trên thế giới, chỉ có Walmart và McDonald có số nhân viên nhiều hơn. Số lượng người làm việc cho Foxconn cũng tương đương số dân sống ở Estonia.
Người xin việc xếp hàng trong đợt tuyển dụng của Foxconn tại Thâm Quyến (ảnh: David Johnson/Reuters)
Hiện nay, iPhone được sản xuất tại một số nhà máy khác tại Trung Quốc, nhưng trong nhiều năm khi iPhone trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên thế giới, chúng được lắp ráp tại nhà máy của Foxconn có diện tích 3.625.983m2 ở Thâm Quyến. Các nhà máy sản xuất nằm rải rác từng có khoảng 450.000 công nhân. Ngày nay, con số này được cho là nhỏ hơn nhưng vẫn là một trong những nơi có hoạt động sản xuất lớn nhất trên thế giới. Nếu bạn biết về Foxconn, thì khả năng cao là qua thông tin về những vụ tự tử. Năm 2010, các công nhân của dây chuyền sản xuất Longhua bắt đầu diễn ra các vụ tự sát. Hết công nhân này đến công nhân khác đã gieo mình khỏi các tòa nhà ký túc xá, có khi là giữa thanh thiên bạch nhật, trong sự tuyệt vọng và phản đối về những điều kiện làm việc. Có 18 vụ tự tử của công nhân vào năm đó và 14 người được xác nhận đã chết. Hơn 20 công nhân đã được lãnh đạo Foxconn thuyết phục từ bỏ ý định.
Những vụ tự tử và điều kiện làm việc bóc lột trong nhà máy sản xuất iPhone làm rúng động truyền thông. Những ghi chép về các vụ tự tử và những người sống sót sau đó kể lại sự căng thẳng tột độ trong những ngày dài lao động, những nhà quản lý khắc nghiệt luôn có xu hướng làm nhục công nhân khi họ mắc lỗi, những khoản tiền phạt vô lý và những lời hứa chẳng đáng tin.
Trong khi đó phản ứng của công ty lại khiến người ta lo lắng hơn: giám đốc điều hành Foxconn, Terry Gou đã cho lắp đặt các tấm lưới bên ngoài nhiều tòa nhà để tránh trường hợp tử vong khi tự tử. Bộ phận tuyển dụng yêu cầu công nhân ký cam kết không tự tử trong quá trình làm việc.
Steve Jobs từng tuyên bố: "Chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình" khi được hỏi về những vụ tự tử, và ông chỉ ra tỷ lệ tự tử ở Foxconn nằm trong mức trung bình của cả nước. Những người chỉ trích bình luận đây là phát ngôn ‘nhẫn tâm', dù nó không sai. Longhua có quy mô lớn đến mức có thể được coi là một quốc gia dân tộc, nơi tỉ lệ tự tử tương đương với con số đó của ‘mẫu quốc'. Sự khác biệt là Foxconn City nằm dưới sự quản lý hoàn toàn của một công ty sản xuất ra sản phẩm có lợi nhuận lớn nhất trên hành tinh này.
Người lái taxi đưa chúng tôi tới trước nhà máy, những hộp chữ cái màu xanh tạo thành tên Foxconn ở ngay lối vào. Các nhân viên an ninh nhìn chúng tôi, nửa chán nản, nửa nghi ngờ. Người cộng sự của tôi, Wang Yang - một nhà báo ở Thượng Hải, và tôi quyết định đi bộ ngoài nhà máy và nói chuyện với các công nhân để xem có cách nào có thể vào bên trong.
Người đầu tiên chúng tôi gặp hoá ra lại là cựu công nhân của Foxconn.
"Đây không phải là nơi tốt cho loài người", người công nhân trẻ tuổi có tên Xu nói. Anh đã làm việc ở Longhua khoảng một năm, và nghỉ việc 2 tháng trước. Anh cho biết điều kiện làm việc bên trong tệ chưa từng có. Không có bất cứ cải thiện nào sau khi truyền thông đưa tin. Công việc có áp lực cao, anh và các đồng nghiệp thường xuyên tăng ca làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Quản lý vừa hiếu chiến vừa gian xảo, không giữ lời hứa và công khai mắng mỏ công nhân vì làm việc chậm. Một người bạn giấu tên của anh làm việc 2 năm tại nhà máy cho biết anh ta được hứa hẹn trả lương gấp đôi khi làm thêm giờ nhưng cuối cùng chỉ được nhận lương như thông thường. Họ vẽ ra một bức tranh ảm đạm về môi trường làm việc với áp lực cao, nơi sự bóc lột đã trở nên quen thuộc và nơi việc trầm cảm và tự sát thành việc bình thường.
"Sẽ không phải là Foxconn nếu không có người chết", Xu cho biết. "Mỗi năm đều có người tự tử. Họ thấy đó là điều bình thường".
Qua một số chuyến thăm quan các nhà máy lắp ráp iPhone ở Thâm Quyến và Thượng Hải, chúng tôi đã phỏng vấn hàng chục công nhân như thế. Trung thực mà nói, để có được kết luận về cuộc sống trong những nhà máy sản xuất iPhone cần một nỗ lực vận động lớn với quy mô phỏng vấn hàng ngàn nhân viên. Vì vậy nỗ lực nói chuyện có vẻ vớ vẩn, và đó thường là những công nhân chán nản ra khỏi cửa nhà máy để nghỉ trưa hay tụ tập sau ca làm việc.
Một công nhân Foxconn trong ký túc xá ở Longhua. Các căn phòng thường được cho là dành cho 8 người (Ảnh Wang Yishu / Imaginechina/Camera Press)
Quan điểm về cuộc sống bên trong nhà máy sản xuất iPhone cũng rất đa dạng. Một số người cho rằng công việc có thể chấp nhận được; số khác thì phẫn nộ chỉ trích; một số thì từng trải qua cảm giác tuyệt vọng; và vẫn còn những người làm việc chỉ để có cơ hội tìm bạn gái. Hầu hết họ đều biết các báo cáo về điều kiện làm việc tệ trước khi vào nhà máy, nhưng hoặc là do họ cần một công việc hoặc những điều đó không làm họ quan tâm. Hầu như mọi người đều có chung cảm giác là lực lượng lao động trẻ và tỉ lệ nghỉ việc cao. "Hầu hết các nhân viên chỉ làm việc khoảng 1 năm", đó là mức độ chịu đựng trung bình. Có thể là bởi nhịp độ công việc khá "tàn nhẫn" và văn hóa quản lý được mô tả là độc ác.
Bởi iPhone là thiết bị nhỏ gọn, phức tạp nên đòi hỏi việc lắp ráp một cách chính xác trên dây chuyền sản xuất hàng trăm người gồm người dựng, kiểm tra, thử nghiệm, và đóng gói thiết bị. Một công nhân cho biết 1.700 chiếc iPhone qua tay cô mỗi ngày, người công nhân này chịu trách nhiệm lau một loại sơn dầu đặc biệt trên màn hình. Tính ra, trung bình 1 phút lau 3 màn hình với khoảng 12 tiếng làm việc một ngày.
Công việc tỷ mỉ hơn như gắn các tấm bo mạch và lắp tấm ốp lưng thì có tốc độ chậm hơn. Những công nhân này mất khoảng 1 phút để hoàn thành phần việc này trên chiếc iPhone. Sản lượng vẫn ở mức 600-700 chiếc iPhone một ngày. Không đạt tới định mức hay mắc lỗi có thể phải nhận hình phạt công khai từ cấp trên. Người lao động thường phải giữ im lặng và có thể nhận khiển trách của cấp trên khi yêu cầu sử dụng nhà vệ sinh.
Xu và bạn anh đều là những công viên bình thường. "Họ gọi Foxconn là cái bẫy cáo". Forconn hứa sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí, nhưng lại buộc họ phải trả những hóa đơn điện nước đắt đỏ. Các ký túc xá hiện tại dành cho 8 người một phòng, nhưng thường có tới 12 người sử dụng. Foxconn trốn tránh bảo hiểm xã hội và chậm chễ trong việc trả tiền thưởng. Nhiều công nhân bị trừ khoản tiền phạt lớn vào lương do bỏ việc trong thời hạn 3 tháng trước khi xin nghỉ.
Trên hết, công việc này rất mệt mỏi, Xu nói: "Bạn phải tự chủ về suy nghĩ" nếu không bạn có thể bị quản lý chửi mắng trước mặt mọi người. Thay vì trao đổi chất lượng công việc một cách riêng tư hay trực tiếp trên dây chuyền sản xuất, quản lý lại ghi lại những việc đó đến khi "ông chủ xuống kiểm tra công việc". Người bạn của Xu nói: "Họ sẽ không trực tiếp mắng bạn khi bạn mắc lỗi trong quá trình làm việc, mà sẽ làm điều đó trong một cuộc họp đông người".
"Họ thường xuyên xúc phạm và làm nhục mọi người", người bạn Xu cho hay, "Việc trừng phạt ai đó là để làm gương cho mọi người", anh nói thêm. Trong trường hợp quản lý xác nhận người lao động mắc phải lỗi đặc biệt, người lao động sẽ phải chính thức xin lỗi. "Họ phải đọc 1 lá đơn hứa hẹn sẽ không mắc lỗi một lần nữa trước mặt mọi người".
Công việc căng thẳng, lo lắng và văn hóa làm nhục này đã góp phần làm hiện tượng trầm cảm tăng nhanh. Xu cho biết đã có vụ tự sát vài tháng trước. Chính anh đã chứng kiến. Đó là một sinh viên làm việc trên dây chuyền sản xuất iPhone. "Một số người tôi biết, một số người tôi đã gặp ở phòng ăn", anh nói. Sau khi bị quản lý khiển trách, anh ta đã cãi nhau và nhân viên bảo vệ gọi cảnh sát tới dù người công nhân không hề gây bạo lực, mà chỉ thể hiện sự tức giận.
"Anh ta coi đó là sự xúc phạm cá nhân", Xu nói "và không thể vượt qua". Ba ngày sau anh ta đã nhảy từ tầng 9 tòa nhà để tự tử.
Vậy tại sao vụ tự tử này truyền thông không đưa tin? Tôi hỏi. Xu và bạn anh ta nhìn nhau và nhún vai. "Ở đây nếu có ai đó chết, một ngày sau toàn bộ sự việc đều không tồn tại", bạn anh ta nói: "Bạn quên nó đi".
Công nhân ăn trưa trong nhà máy Foxconn Longhua (Ảnh Yishu/Imaginechina/Camera Press)
"Chúng tôi quan sát mọi thứ ở các công ty này," Steve Jobs nói sau tin tức về các vụ tự tử bị lộ lọt. "Foxconn không phải là một xưởng gia công. Đó là một nhà máy, nhưng thật lạ là lại có nhà ăn, rạp chiếu phim…tuy nhiên đây vẫn là nhà máy sản xuất và có tới 400.000 người. Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ tự tử ở Hoa Kỳ, tuy nhiên đó vẫn là vấn đề gây phiền hà". CEO của Apple, Tim Cook, đã đến thăm Longhua vào năm 2011 và được cho là đã có cuộc gặp gỡ với các chuyên gia phòng chống hội chứng tự tử và những quản lý cấp cao để thảo luận vấn đề này.
Vào năm 2012, 150 công nhân tập trung trên một mái nhà và đe dọa tự tử. Họ đã được quản lý hứa hẹn cải thiện tình hình và nói chuyện trấn an. Họ biết việc tự tử chính là công cụ đe dọa và thương lượng với giới chủ. Năm 2016, một nhóm nhỏ lại làm điều này. Chỉ một tháng trước đây thôi, Xu nói, 8 công nhân tụ tập trên mái nhà và đe dọa nhảy xuống trừ khi họ được trả tiền lương đang bị giữ lại. Cuối cùng, Foxconn cũng đồng ý trả lương.
Khi tôi hỏi Xu về Apple và iPhone, anh nói ngay: "Chúng tôi không đổ lỗi cho Apple, chúng tôi đổ lỗi cho Foxconn". Khi tôi hỏi những người đàn ông này xem họ có cân nhắc việc quay lại làm việc nếu điều kiện tốt hơn không? Xu cho biết "Bạn không thể thay đổi được gì. Nó sẽ không bao giờ thay đổi".
Wang và tôi bắt đầu đi tới lối vào chính của các công nhân. Sau khi đi dọc tường rào khoảng 20 phút, chúng tôi tới một lối vào khác, một điểm kiểm tra an ninh nữa. Đó là nơi chúng tôi tìm ra cách vào trong. Tôi phải dùng nhà vệ sinh. Tưởng như tuyệt vọng nhưng điều này lại cho tôi một ý tưởng.
Có một nhà vệ sinh và điểm kiểm tra an ninh cách cầu thang vài chục mét. Tôi thấy người đàn ông cầm dùi cui và tôi ra hiệu cho anh ta. Điểm kiểm tra an ninh này nhỏ hơn và cũng không chính thống lắm. Chỉ có một người bảo vệ, đó một thanh niên trẻ trông có vẻ mệt mỏi. Wang nài nỉ một vài câu bằng tiếng Trung Quốc. Người bảo vệ lắc đầu nhìn tôi. Thực tế là khuôn mặt tôi trông có vẻ rất căng thẳng. Cô hỏi lại một lần nữa, anh ta chần chừ trong giây lát và một lần nữa nói không đồng ý.
Chúng tôi sẽ trở ra ngay, cô nài nỉ, và rõ ràng chúng tôi đang làm anh ta khó chịu. Chủ yếu là tôi. Anh ta không muốn giải quyết việc này. Quay lại ngay đấy, anh ta nói. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không quay lại.
Theo hiểu biết của tôi, chưa có nhà báo Mỹ nào từng vào được trong nhà máy Foxconn khi chưa được cho phép và không có một hướng dẫn viên cùng một lịch trình thăm quan đến những bộ phận được lựa chọn kỹ càng. Tất cả là để chứng minh rằng ở đây mọi thứ thực ra vẫn rất ổn.
Có lẽ điều nổi bật nhất, bên cạnh quy mô của nhà máy - chúng tôi mất gần 1 giờ để đi bộ từ đầu này đến đầu kia của Longhua - là sự khác biệt hoàn toàn giữa đầu này và đầu kia. Nó giống như một thành phố. Khu vực ngoại thành, có những vết tràn hóa chất, những thiết bị hoen gỉ và việc quản lý lao động không tốt. Càng gần tới trung tâm thành phố - nhưng hãy nhớ đây vẫn là một nhà máy – chất lượng cuộc sống càng tốt hơn hay ít nhất tiện nghi, cơ sở hạ tầng sẽ được cải thiện.
"Không phải là nơi dành cho loài người" (ảnh: Brian Merchant)
Khi chúng tôi đi vào sâu hơn bên trong, xung quanh có nhiều người hơn, điều này có nghĩa chúng tôi ít bị chú ý hơn. Những cái nhìn chằm chằm vào chúng tôi giờ đã chuyển thành những cái liếc mắt không quan tâm. Lý thuyết làm việc của tôi: nhà máy quá rộng, an ninh nghiêm ngặt, nếu chúng ta vào trong chỉ để đi một vòng quanh, chúng ta phải được cho phép làm việc đó. Chúng tôi bắt đầu cố tìm đường tới nhà máy G2, nơi sản xuất iPhone. Sau khi rời "khu trung tâm", chúng tôi bắt đầu thấy các khối nhà máy cao ngất C17, E7, khu vực này có khá đông công nhân.
Tôi lo lắng về việc bắt đầu hơi phóng túng và tự nhắc nhở mình kiềm chế. Chúng tôi đã ở trong Foxconn gần một tiếng đồng hồ. Càng xa trung tâm càng có ít người hơn. Và đây rồi: khu G2 trông giống hệt những khối nhà xung quanh.
G2 có vẻ hoang vắng. Hàng tủ có khóa nằm chạy dọc tòa nhà. Không có ai xung quanh. Cửa mở, do đó chúng tôi đi vào. Ở bên trái là một hành lang đi vào không gian tối tăm. Chúng tôi nghe thấy có ai đó quát. Một người quản lý tầng đi xuống cầu thang và hỏi chúng tôi đang làm gì. Người phiên dịch của tôi lắp bắp nói gì đó về một cuộc họp và người đàn ông đó trông có vẻ bối rối. Sau đó ông cho chúng tôi thấy hệ thống máy tính giám sát mà ông sử dụng để quan sát việc sản xuất trên sàn. Hiện giờ chưa có ca làm việc nhưng đây là cách anh ta quan sát, ông cho biết.
Không có tín hiệu gì về việc sản xuất iPhone ở đây. Chúng tôi tiếp tục đi. Bên ngoài tòa G3, các ngăn xếp dụng cụ màu đen bằng nhựa đặt phía trước giống như khu vực bốc hàng. Hai công nhân trên tay những chiếc smartphone đã làm chúng tôi chú ý. Chúng tôi tới gần hơn để nhòm qua các khe nhựa, không, không phải iPhone, thứ chúng tôi nhìn thấy giống như Tivi được gắn thương hiệu Apple. Có tới hàng ngàn người làm việc ở đây đang chờ đợi bước tiếp theo trong dây chuyền lắp ráp.
Nếu đây là nơi iPhone và Tivi của Apple được sản xuất thì nó là nơi khá bẩn thỉu để trải qua những ngày dài, trừ khi bạn hợp với môi trường giữa những khối bê tông ẩm ướt và gỉ sét. Chúng tôi tiếp tục đi
Chúng tôi vẫn có thể tiếp tục đi, nhưng ở phía bên trái là những tòa nhà giống như các tổ hợp căn hộ lớn, có lẽ là khu ký túc xá với những hàng rào bảo vệ được dựng trên mái nhà và cửa sổ, và chúng tôi tiếp tục đi theo hướng đó. Càng gần hơn với khu ký túc xá, đám đông càng lớn với những chiếc kính đen, quần jean, giày thể thao. Những thanh niên tụ tập, hút thuốc, ngồi quanh bàn ăn hay trên lề đường.
Và vâng, những chiếc lưới vẫn còn đó Tôi nhớ lại câu nói của Xu: "Những tấm lưới là vô nghĩa. Nêu ai đó muốn tự tử, họ sẽ làm điều đó".
Chúng tôi một lần nữa tiếp tục gây chú ý, có lẽ đám người có nhiều lý do và thời gian để thỏa mãn sự tò mò của họ. Dù sao, chúng tôi cũng đã vào trong nhà máy của Foxconn 1 giờ đồng hồ. Tôi không có ý tưởng gì nếu người bảo vệ nhấn chuông cảnh báo khi không thấy chúng tôi quay lại nhà tắm hoặc nếu bất kỳ ai nhìn thấy những việc chúng tôi đang làm. Nhận thấy tốt nhất là không nên gây thêm chú ý, chúng tôi không đi vào sâu trong khu dây chuyền sản xuất.
Một người phản đối là công nhân nhà máy đứng ngoài một cửa hàng bán lẻ Apple ở Hong Kong tháng 5, 2011 (Ảnh: Antony Dickson/AFP/Getty Images)
Chúng tôi quay trở lại theo cách đã đi vào. Trước đó, chúng tôi đã biết lối ra. Chúng tôi hòa vào hàng nghìn người đi xuống và qua chạm kiểm soát an ninh. Không ai nói một lời, ra khỏi nhà máy khổng lồ đầy ám ảnh là một sự nhẹ nhõm. Ở đó không có lao động trẻ em với những bàn tay đầy máu van xin bên cửa sổ. Có một điều chắc chắn là nó đã vi phạm Bộ luật quản lý an toàn và chăm sóc sức khỏe người lao động Hoa Kỳ, những công nhân không hề được bảo vệ khỏi những chất hóa học rò rỉ, các công cụ rỉ sét…và có lẽ rất nhiều nhà máy tại Hoa Kỳ cũng vi phạm điều luật OSHA. Apple có thể đúng khi chỉ ra rằng cơ sở vật chất ở những nhà máy này vẫn tốt hơn ở những nơi khác. Foxconn không phải là khuôn mẫu một nhà máy gia công. Nhưng ở đó lại có những kiểu làm nhục điển hình. Vì bất kỳ lý do gì, các điều luật im lặng trong nhà máy và tai tiếng về những bi kịch hay cảm giác môi trường làm việc không thoải mái, tự nó đã truyển tải. Longhua có không khí rất nặng nề, thậm chí là hơi có chút áp bức.
Khi tôi nhìn lại những bức ảnh tôi chụp, tôi không thể tìm thấy một ai mỉm cười trong đó. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người phải làm việc trong nhiều nhiều giờ, công việc lặp đi lặp lại dưới sự quản lý khắc nghiệt gặp phải các vấn đề tâm lý. Sự khó chịu đó là rõ ràng - như Xu từng nói: "Đây không phải là nơi tốt cho con người".