Vào một buổi sáng hè đầy nắng, một kỹ sư của Facebook thức dậy đi làm nhưng cảm thấy mệt mỏi. Cô chạy vào phòng tắm, ném mình xuống bồn nước trong đó.
“Tôi nghĩ mình bị ốm”, cô kỹ sư nhớ lại.
Áp lực sinh… nhàn hạ
Đó không phải kết quả của việc ngộ độc thực phẩm hay nhiễm virus mà thực chất là phản ứng tồi tệ của cơ thể cô kỹ sư giấu tên với công việc hàng ngày cô vẫn làm.
Kiếm được hơn 1 triệu USD trong một năm, với phần lớn từ cổ phiếu, cô kỹ sư này vẫn đang lãnh đạo một nhóm khoảng 30 người làm việc cho Facebook. Suốt 3 năm cống hiến kể từ ngày gã khổng lồ mạng xã hội mua công ty mà trước đây cô làm việc, nữ kỹ sư trẻ đã cảm thất kiệt sức. Việc mua bán và sáp nhập với một công ty lớn mang lại nhiều lợi ích chung nhưng nó thực sự là điều tồi tệ với những gì cô đang theo đuổi.
Quá mệt mỏi nhưng bản thân cô không dám dừng lại vì cô nợ số tiền thuế lớn bởi lượng cổ phiếu đang sở hữu nên cần tiền lương mà Facebook trả để đóng chúng.
Tuy nhiên, khi cảm thấy mọi thứ vượt quá sức chịu đựng, cô quyết định không đi làm. Cô không tới văn phòng ngày hôm đó và cả những ngày sau nữa. Tuy nhiên, cô biết mình sẽ không bị sa thải sau khi nói chuyện với sếp.
Ngày hôm trước, cô nói với người quản lý trực tiếp rằng cô sẽ rời công ty vào cuối năm. Cô muốn dành phần còn lại của năm cho những dự án của bản thân mình nhưng không muốn nói điều đó với ai. Cô chưa nghỉ việc ngay để chờ được nhận đầy đủ quyền với số cổ phiếu đang nắm giữ vào cuối năm nay.
“Tôi và quản lý đã nói chuyện rất nhiều. Tôi dự định bỏ việc nhiều lần nhưng chần chừ còn lần này là thật. Tôi sẽ tới một nơi nào đó thân thiện hơn để theo đuổi dự án của mình, điều tôi nghĩ là tốt. Tuy nhiên, lần này anh ta bảo tôi đừng bước vào”, cô kỹ sư trẻ của Facebook kể lại.
Vị quản lý nhanh chóng trấn an cô bằng những lời giải thích nghe rất kỳ lạ. “Đừng tới làm việc. Cô đang quá tải và cần được nghỉ ngơi. Chỉ cần đừng nói về nó hay bất cứ ai”, vị quản lý nói.
Đây cũng là cánh cửa khiến cô kỹ sư chăm chỉ, chu đáo tham gia vào câu lạc bộ bí mật nhưng ai cũng biết ở Thung lũng Silicon mang cái tên "Rest & Vest".
Câu lạc bộ kỳ lạ
“Rest & Vest”, tạm dịch là nghỉ ngơi và chờ hưởng lợi, là khi nhân viên, điển hình là các kỹ sư, không phải làm gì nhiều ngoài việc chờ đợi đủ ngày để nhận lượng cổ phiếu và tiền thưởng mà công ty sẽ phát. Lượng cổ phiếu thường lớn hơn tổng số lương mà một kỹ sư cao cấp nhận được. Ở chế độ nghỉ ngơi, kỹ sư này dành thời gian tham dự hội thảo công nghệ, viết về các dự án riêng, gặp gỡ bạn bè hay lên kế hoạch cho công việc tiếp theo.
Cô kỹ sư của Facebook nhận ra người quản lý đã đồng ý để cô nghỉ ngơi và chờ đợi để nhận được khoản cổ phiếu vào cuối năm. Đây cũng là thời gian để cô lên kế hoạch cho phần tiếp theo của cuộc đời. Nếu viên quản lý đuổi việc cô ngay lập tức, anh ta sợ cô sẽ để lộ những bí mật mà họ muốn giấu kín tới khi dự án kết thúc.
Vui chơi trong văn phòng của Google. Ảnh:Business Insider. |
Những kỹ sư chọn cách nghỉ ngơi và chờ đợi này thực sự rất tài năng nhưng cảm thấy chán công việc nên những động thái lôi kéo họ trở lại không mấy hiệu quả. Nhiều người cũng phải thừa nhận “Rest & Vest” là một thực tế phổ biến tại Thung lũng Silicon và người ta đang phải tìm cách để cải thiện chúng.
Lối sống này tỏ ra “lạc loài” trong thế giới công nghệ, khi đại đa số vẫn dành gần như cả ngày cho công việc và công hiến không biết mệt mỏi cho công ty. Được mô tả là những người cuồng việc, họ đặt công việc lên mọi thứ. “Bạn phải đứng vững khi người ta đẩy bạn tăng tốc”, một kỹ sư nói về công việc hàng ngày của mình.
Phòng ngự trước “Rest & Vest”
Các hãng công nghệ đã bắt đầu có những biện pháp phòng vệ trước làn sóng “Rest & Vest” đang ngày càng lan rộng. Facebook là một ví dụ. Mạng xã hội khổng lồ đã đưa ra một khoản tiền thưởng mang tên “quyền tự do” (DE) nhằm thúc đẩy các kỹ sư cống hiến thay vì nghỉ ngơi và chờ đợi tiền cổ phiếu.
DE thực chất là khoản tiền thưởng được quy ra chứng khoán không đầy đủ quyền giao dịch, có trị giá hàng chục tới hàng trăm nghìn USD. Nó là lời cám ơn khi bạn hoàn thành tốt công nghiệp. Chữ ký trực tiếp trên loại giấy tờ này là từ các lãnh đạo cấp cao của Facebook, đôi khi là từ cả CEO Mark Zuckerberg.
Phong cách làm việc trên ghế massage chỉ có thể bắt gặp ở những công ty công nghệ. Ảnh:AP. |
Ra đời nhằm chống lại “Rest & Vest”, DE kích thích mọi người cống hiến hơn bởi tên tuổi của họ sẽ được những lãnh đạo cao nhất của Facebook biết tới. Họ nhận được nhiều cơ hội thăng tiến cũng như nhiều nguồn lực hơn để hoàn thành công việc.
“Đây thực sự là những người thông minh và họ không cần phải rời đi. Họ đang trong độ tuổi 30 và tiếp tục kiếm được những khoản thu nhập 7 con số trong nhiều năm thay vì chờ đợi 1 triệu USD vào cuối năm. Điều đặc biệt là họ không phải làm việc quá vất vả để có được điều đó. Họ giống như đang dạo chơi”, một kỹ sư của Facebook tiết lộ.
Kỹ sư 10x
Một loại hình nghỉ ngơi và hưởng thụ khác đang tồn tại ở Thung lũng Silicon là “kỹ sư 10x”, thuật ngữ mô tả những người làm việc hiệu quả gấp 10 lần người bình thường. Người ta kể rằng những gì dạng kỹ sư này làm được trong 1 giờ bằng người khác làm trong 10 giờ. Họ là những người nắm được các điểm mấu chốt quan trọng của hệ thống.
“Khi người ta ở đó đủ lâu, họ thường tạo cho mình một giá trị không dễ dàng nhận ra. Họ biết những điểm mấu chốt và có thể gỡ rối cho cả một dự án, điều mà những người khác mất nhiều thời gian và công sức cũng không thể làm được. Tất nhiên, họ cũng không cần phải làm việc quá nhiều”, một kỹ sư giấu tên nhấn mạnh.
Google và “Rest & Vest”
Ở Google, có những kỹ sư gắn bó lâu tới mức họ được xếp vào top đầu và không cần phải làm việc quá chăm chỉ để ngồi lại ở vị trí đó.
Nhân viên chơi Lego trong trụ sở của Google. Ảnh:Reuters. |
Họ có thể không phải những kỹ sư 10x nhưng biết làm sao để hoàn thành công việc và được đánh giá tốt vào cuối năm, duy trì những khoản thu nhập đáng mơ ước mà công ty hào phóng chi trả. Thậm chí, họ chỉ cần làm việc 4 giờ/ngày nhưng bởi quá quen thuộc với hệ thống của Google nên biết chính xác nên bắt đầu làm việc khi nào. Bản thân họ đã tối ưu hóa thành công chu trình làm việc của bản thân.
“Họ không làm việc để thăng tiến và bản thân họ cũng không muốn thăng tiến. Nếu bộ phận họ làm không còn tha thiết giữ chân, họ sẽ chuyển sang bộ phận khác trong một hoặc hai năm sau đó”, một quản lý mới rời Google tiết lộ.
Tuy nhiên, điều bắt buộc với các nhân viên này là có mặt tại văn phòng dù họ có thể tới đó để chơi game. Tại trụ sở Google, người ta bố trí rất nhiều tiện ích, chẳng hạn tập thể dục, uống nước giải khát hay các lớp học. Bạn có thể dùng bất cứ khi nào. Facebook và nhiều công ty công nghệ khác cũng có những tiện ích như thế.