Cuộc sống nổi loạn của cô bé 9 tuổi đang 'hot' trên mạng xã hội Instagram và YouTube

Những video vầ hình ảnh về cuộc sống nổi loạn của một cô bé 9 tuổi đang trở thành 'hiện tượng' trên mạng xã hội Instagram và YouTube với lượt xem siêu 'khủng'. Thế nhưng, điều đáng nói là các nền tảng này chỉ cho phép trẻ em trên 13 tuổi sử dụng.

Cô bé 9 tuổi với cái tên Lil Tay là "hiện tượng đang nổi" trên các mạng xã hội như Instagram và YouTube, với những clip "khoe của" đầy tiêu cực cũng như tự nhận mình là "người trẻ giàu nhất thế giới".

Thế nhưng, điều đáng nói không phải là thái độ của cô bé và lượt người theo dõi cỡ "khủng", mà là Lil Tay hmới 9 tuổi - độ tuổi mà đáng lẽ ra không được sử dụng hay có tài khoản mạng xã hội nào.

Lil Tay sở hữu hơn 1,8 triệu lượt theo dõi trên Instagram.

Vì theo Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA), 13 tuổi là độ tuổi tối thiểu để có được tài khoản trên hầu hết các nền tảng xã hội bao gồm Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter. Google thậm chí còn yêu cầu người dùng YouTube phải trên 18 tuổi, còn đối với trẻ tầm 13 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Có hơn 167 nghìn người theo dõi kênh YouTube của Lil Tay.

Một trong những video nổi tiếng là hình ảnh cô bé đang ngồi trong xe ô tô đỏ và cầm trong tay một xấp tiền đô la cùng với lời khiêu khích: "Đây là lý do tại sao mọi người ghét tôi vì tôi đang có trong tay 200.000 USD khi mới 9 tuổi. Và dù không có giấy phép lái xe, tôi vẫn có thể lái chiếc xe thể thao này". Video này đã đạt được hơn 9 triệu lượt xem trên Instagram - nơi Lil Tay có hơn 1,7 triệu người theo dõi.

Không những thế kênh YouTube của cô bé 9 tuổi này có tới hơn 160.000 người theo dõi, đồng thời tài khoản Snapchats luôn có sự xuất hiện của những người nổi tiếng khác, còn Twitter cá nhân của Lil Tay đã dừng hoạt động gần đây.

Điều này chứng tỏ việc xác thực độ tuổi người dùng trên các mạng xã hội khá lỏng lẻo, phần lớn hệ thống chỉ yêu cầu người dùng báo cáo mình bao nhiêu tuổi - điều rất dễ để nói dối. Cũng như việc không mạng xã hội nào kiểm tra xem chủ sở hữu tài khoản có phải là trẻ vị thành niên hay không, họ đang làm việc gì, số tiền họ kiếm ra và được thanh toán là như thế nào?

Brendan Gahan, người sáng lập hãng truyền thông xã hội Epic Signal, cho biết: "Xác thực độ tuổi là việc rất khó khăn. Những nền tảng này có liên quan đến quy mô lớn nhỏ và nếu như xảy ra việc chặn Lil Tay sử dụng mạng xã hội, sẽ làm khả năng mở rộng quy mô của các mạng này bị thu nhỏ hơn".

Còn Charley Moore, một luật sư và giám đốc điều hành của công ty công nghệ hợp pháp trực tuyến Rocket Lawyer nói: "Đây là một nền tảng cần được định nghĩa rõ ràng, nó là một khu vực mà rõ ràng chỉ có người lớn mới được hưởng lợi về tài chính".

Hiện tại cả 3 mạng xã hội Instagram, YouTube và Snapchat đều từ chối bình luận về tài khoản của Lil Tay. Nhưng có một nguồn thông tin trên Instagram cho biết đây là tài khoản bởi một phụ huynh và cả 3 tài khoản đều đã được phụ huynh cho phép. Còn Lil Tay và quản lý của cô bé cũng không trả lời khi được yêu cầu phỏng vấn.

Lil Tay không phải là trường hợp duy nhất về một đứa trẻ thành công trên mạng xã hội

Trước đây, kênh YouTube chuyên review về đồ chơi của cậu bé Ryan mới 6 tuổi đã mang về 11 triệu USD cho cậu vào năm ngoái. Hay kênh chơi game và tập trung đồ chơi nổi tiếng khác với hơn 3,3 tỷ lượt xem, thuộc quyền sở hữu của Evan Tube - ngôi sao mới 12 tuổi. Ngay cả ca sĩ nhạc pop nổi tiếng thế giới Justin Bieber cũng được phát hiện từ video YouTube tự chế của mình, được đăng khi cậu ấy 12 tuổi.

Justin Bieber

Tuy nhiên, đối với trường hợp của Lil Tay thì theo Ryan Detert - Giám đốc điều hành của nền tảng ảnh hưởng Influential: "Cô bé là một trường hợp ngoại lệ vì cách thể hiện tính cách hung hăng của mình dù vẫn đang tồn tại rất nhiều trẻ em có tầm ảnh hưởng với quy mô lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội".

"Mặc dù Lil Tay nhanh chóng nổi tiếng khi xuất hiện cùng với các nhãn hiệu xe, quần áo, túi xách nổi tiếng. Nhưng với phong cách và thái độ tiêu cực chắc chắn khiến cô bé khó có thể nhận được các khoản tài trợ hay quảng cáo từ các hãng này", Detert cho biết.

Điều đó có nghĩa là YouTube và Instagram cũng không có tiềm năng nhận được bất cứ khoản tiền nào từ sự nổi tiếng của Lil Tay, nhưng không hiểu sao các mạng xã hội vẫn ngang nhiên để nhân vật này hoạt động.

Mạng xã hội đang quản lý rất lỏng lẻo

Lil tay trong cuộc phỏng vấn với Jake Paul - "ngôi sao" của YouTube.

Sở dĩ đối tượng trẻ em dễ dàng trở nên nổi tiếng trên các nền tảng giới hạn về độ tuổi là do những chính sách lỏng lẻo của mạng xã hội. Tại Mỹ, 33 tiểu bang có các quy định cũng khác nhau theo từng tiểu bang một.

Ví dụ như ở California, trẻ em không được phép làm việc nhiều hơn 5 ngày liên tục trong lĩnh vực giải trí hoặc các ngành công nghiệp liên minh. Đối với trường hợp của Lil Tay - cô bé đến từ thành phố Vancouver của Canada, theo luật sẽ bị giới hạn 8 giờ làm việc một ngày và sẽ phải có người quản lý đi kèm.

Song có rất ít luật lệ đặt ra đối với những đối tượng có tầm ảnh hưởng trực tuyến. Trên thực tế có rất nhiều trẻ em tự quay phim, clip, video có thời lượng ngắn để đăng lên YouTube tự do mà không bị kiểm định. Trừ khi một trong số đó bị người khác gắn cờ và báo cáo, nếu không thì sẽ không có bất cứ kiểm tra ngẫu nhiên nào.

Gottbrecht của công ty Mavrck cho biết các nền tảng chỉ thực hiện hành động chặn các tài khoản chưa đủ tuổi chỉ khi nó được chú ý đến. Thông thường hệ thống sẽ đòi hỏi các xác nhận về ID do chính phủ cấp hoặc giấy khai sinh - thứ mà hầu hết mọi người đều không cung cấp.

Một số trẻ em vô tình trở thành các ngôi sao trên mạng truyền thông xã hội vì bố mẹ và những người xung quanh đang tích cực tìm sự nổi tiếng. Điều này cũng có nghĩa là vì những quy tắc không chặt chẽ, trẻ em vô tình bị "lợi dụng" để kiếm tiền hoặc tự do thể hiện tiêu cực trên mạng xã hội như ngày nay.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/internet/cuoc-song-noi-loan-cua-co-be-9-tuoi-dang-hot-tren-mang-xa-hoi-instagram-va-youtube-167470.ict