|
Nhà máy sữa của CTCP Sữa Quốc tế (IDP) |
CTCP Sữa Quốc tế (Mã CK: IDP) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2021 với doanh thu đạt 1.261,9 tỉ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu tài chính của IDP đạt 16,8 tỉ đồng, tăng 1,66 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều hướng ngược lại, các khoản chi phí trọng yếu của IDP có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, giá vốn hàng bán đạt 642,6 tỉ đồng (+53,1%); chi phí bán hàng đạt 239,6 tỉ đồng (+8,8%); chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 33,3 tỉ đồng (+78%).
Trừ đi các chi phí khác, IDP báo lãi sau thuế đạt 177,6 tỉ đồng, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trưởng nhanh của IDP đã kéo dài sang quý thứ 4 liên tiếp. Từ Quý 2/2020, doanh thu của IDP đã vượt mốc nghìn tỉ đồng, đạt mức 1.114,5 tỉ đồng, biên lợi nhuận cũng đạt 10,2%. Các quý sau đó, biên lợi nhuận của IDP duy trì ở mức 2 chữ số, với mức lãi sau thuế tăng bằng lần so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh tích cực giúp IDP dứt điểm tình trạng lỗ luỹ kế, đồng thời, tính đến ngày 31/3/2021, công ty này còn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 100,4 tỉ đồng.
|
IDP dần bỏ xa MCM cả về doanh thu và lợi nhuận |
IDP và CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mã CK: MCM) là hai ‘tân binh’ ngành sữa cùng niêm yết trên thị trường UPCOM trong ít tháng trở lại đây. Cả hai đều chứng kiến sự chuyển giao về chủ sở hữu và có quy mô tài sản khá tương đồng.
Tuy nhiên, MCM vẫn chưa thể tạo ra sự bứt phá về doanh thu, lợi nhuận như IDP.
Trong Quý 1/2021, MCM ghi nhận doanh thu đạt 621,9 tỉ đồng, giảm 1,94% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này báo lãi sau thuế 49,5 tỉ đồng, tăng 5,32% so với Quý 1/2020, song vẫn chưa bằng 1/3 lợi nhuận của IDP cùng thời kỳ.
Cuộc lột xác của IDP diễn ra mạnh mẽ sau cuộc chuyển giao chủ sở hữu, với sự xuất hiện của các cổ đông tổ chức là CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã CK: VCI, sở hữu 15% VĐL), CTCP Lothamilk (sở hữu 10,18% VĐL) và CTCP Blue Point (sở hữu 60,56% VĐL). Bên cạnh đó, IDP còn ghi nhận sự góp mặt của các cổ đông cá nhân như bà Đặng Phạm Minh Loan (5% VĐL) và ông Phan Văn Thắng (3,75% VĐL).
Đội ngũ ban lãnh đạo của IDP cũng được thay mới, với nhiều cái tên đình đám trong lĩnh vực tài chính như việc Tổng giám đốc VCI Tô Hải giữ chức Chủ tịch HĐQTP IDP, Phó Tổng giám đốc điều hành của VinaCpital Đặng Phạm Minh Loan đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc IDP.
Bên cạnh đó, tham gia ban lãnh đạo IDP còn có sự góp mặt của những nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành sữa như Tổng Giám đốc Lothamilk Hỗ Sĩ Tuấn Phát làm Thành viên HĐQT IDP, bà Chu Hải Yến – Thành viên HĐQT Lothamilk – làm Phó Tổng Giám đốc IDP.
Ngày 30/3/2021, CTCP Lothamilk đã thoái toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại IDP. Bên mua, nhiều khả năng là CTCP Gold Field International. Tổ chức này cho biết đã mua vào 6 triệu cổ phiếu IDP, trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 10,18% vốn điều lệ.
|
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Gold Field International (GFI) được thành lập ngày 24/7/2020, đăng ký trụ sở chính tại số 70 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, Tp. HCM, hoạt động tư vấn quản lý.
GFI có vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 1 triệu đồng, do 3 cổ đông cá nhân sáng lập. Trong đó, ông Thái Hoàng Anh Quân (SN 1990) nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 85% vốn điều lệ, tiếp sau là ông Nguyễn Ngọc Thành (SN 1986) với tỉ lệ sở hữu 14% vốn điều lệ và ông Huỳnh Ngọc Thương (SN 1985) sở hữu 1% vốn điều lệ.
Ít ngày sau khi đi vào hoạt động, ngày 1/8/2020, GFI tăng mạnh vốn lên 100,1 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Biết rằng, các cá nhân kể trên cũng là cổ đông sáng lập của CTCP Bất động sản Phúc Đạt – được thành lập vào tháng 11/2019, có cùng địa chỉ trụ sở với GFI.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các ông Thái Hoàng Anh Quân và Huỳnh Ngọc Thương đều là những nhân sự liên quan tới VCI – cổ đông lớn thứ 2 tại IDP, chỉ sau CTCP Blue Point./.