Hình minh họa |
Khi hai gã khổng lồ công nghệ xảy ra xung đột, nếu không được ai biết đến thật không bình thường chút nào. Tuy nhiên, "mối thâm thù" giữa Apple và Qualcomm dường như đã âm thầm diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài.
Vào ngày 4/10 vừa qua, trang tin Bloomberg đã vén bức màn đang che đậy cuộc chiến giữa gã khổng lồ công nghệ xứ Cupertino và Qualcomm, một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, bao gồm cách và thời điểm mà mối thâm thù này bắt đầu cho tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Đại đa số trong chúng ta thường chẳng mấy quan tâm về modem không dây trên smartphone của mình, nhưng vụ kiện tụng này có thể sẽ ảnh hưởng đến mọi iPhone trong tương lai.
Kể từ thuở sơ khai của công nghệ không dây, Qualcomm đã nắm sự độc quyền gần như tuyệt đối thông qua bộ phận nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ của mình. Ngay từ chiếc iPhone đầu tên, Apple đã dựa vào Qualcomm để sản xuất những modem cho phép iPhone nhận dữ liệu không dây. Đổi lại, Qualcomm sẽ nhận được một khoản tiền bản quyền cho mỗi chiếc iPhone mà Apple bán được, có những lúc lên tới 30 USD (gần 700.000 đồng) cho mỗi đơn vị.
Câu chuyện thay đổi vào năm 2015, khi Apple bắt đầu hợp tác với Intel để phát triển một modem mới, thứ đã được đưa vào một số phiên bản iPhone 7. Bruce Sewell, Cố vấn pháp lý của Apple chia sẻ với Bloomberg: "Điều đã khiến chúng tôi thực hiện vụ kiện trái với 5 năm trước rất đơn giản. Đó là sự sẵn có của nguồn hàng thứ hai".
Năm nay, mối thâm thù ấy đã trở thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Vào tháng 1, Apple đã kiện Qualcomm, buộc tội công ty này đã gần như lên kế hoạch tống tiền, và ngưng thanh toán 3 tháng sau đó. Không chịu thua kém, trong tháng 7, Qualcomm đã kiện ngược lại Apple, tuyên bố vi phạm bản quyền và đòi cấm nhập iPhone có sử dụng chip của Intel vào nước Mỹ. Vụ kiện này sẽ được đem ra xét xử tại thành phố San Diego vào năm tới.
Nhưng thực sự thì đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trang tin TheStar đã tổng hợp 4 điều quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm đến cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ này:
1. Tim Cook từng được cho là đã thuyết phục Samsung phải "hung hăng" hơn trong cuộc chiến với Qualcomm.
Trên thực tế, Samsung và Apple đã từng trải qua vụ kiện dài hơi nhất trong lịch sử của Thung lũng Silicon về vấn đề vi phạm bản quyền, nhưng trong cuộc chiến này, họ đã trở thành đồng minh để cùng chống lại Qualcomm.
Vào năm 2015, Cook và một giám đốc cấp cao của Samsung – nhiều khả năng là Jay Y.Lee, người hiện đang phải ngồi tù ở Hàn Quốc vì tội hối lộ - đã gặp nhau tạu Idaho, và theo hồ sơ pháp lý của Qualcomm, Cook đã gây áp lực lên Jay Y.Lee để thúc đẩy cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc nhắm tới Qualcomm.
"Hãy trở nên hung hăng hơn" (nguyên văn: Get aggressive) được cho là lời mà Tim Cook đã nói với vị giám đốc của Samsung.
Trên thực tế, đến tháng 12 năm 2016, cơ quan quản lý chống độc quyền Hàn Quốc đúng là đã trở nên "hung hăng hơn", phạt Qualcomm 853 triệu USD vì những hành động độc quyền. Tháng sau, đến lượt Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cáo buộc Qualcomm vi phạm các luật cạnh tranh. Ba ngày sau, Apple đã chính thức kiện Qualcomm.
2. iPhone X dùng modem của Intel – và điều này có thể sẽ khiến nó chậm hơn các đối thủ của mình.
Mặc dù các modem của Intel cho phép Apple có thể từ bỏ Qualcomm, nhưng dường như chúng không tốt bằng những modem "tiêu chuẩn vàng" mà Qualcomm mang lại.
Đối với iPhone X, Apple đã quyết định không thêm tính năng Gigabit LTE vào thiết bị mới của mình, từ bỏ khả năng tải dữ liệu nhanh gấp 100 lần so với phiên bản tiền nhiệm. Samsung Galaxy S8 và Essential Phone đều hỗ trợ Gigabit LTE, cũng đồng nghĩa với việc iPhone X sẽ bị các đối thủ cạnh tranh bỏ lại phía sau trong cuộc đua tốc độ dữ liệu khi nó ra mắt (theo kế hoạch) vào ngày 3/11 tới đây.
3. Apple Watch Series 3 có kết nối LTE là nhờ Qualcomm.
Là một trong những sản phẩm nổi bật nhất trong sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple trong tháng 9, Apple Watch cuối cùng cũng không còn bị trói buộc với iPhone khi sử dụng dữ liệu nữa.
Tuy nhiên, đột phá này không phải là một sáng chế "nội bộ". Thay vì sử dụng các linh kiện của Intel, giống như Apple đã làm với iPhone X, chiếc Apple Watch thế hệ mới vẫn phải sử dụng linh kiện của Qualcomm.
Không phải Intel, Qualcomm mới là người giúp Apple Watch có kết nối LTE.
4. Cả Apple và Qualcomm đều đang cố gắng "bỏ đói" nhau.
Qualcomm muốn hòa giải và tin rằng Apple sẽ sớm phải xuống nước. Apple lại không nghĩ vậy.
Vụ kiện vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm đã khiến Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ phải tiến hành điều tra. Nó có thể sẽ được định đoạt vào tháng 9 năm 2018, đúng vào thời điểm Apple ra mắt iPhone mới. Qualcomm đang cố gắng để tấn công vào điểm yếu của Apple bằng cách làm gián đoạn chuỗi cung ứng của iPhone.
Ông Steve Mollenkopf, Giám đốc điều hành của Qualcomm tuyên bố: "Mọi chuyện sẽ không như thế này mãi đâu".
Qualcomm cũng tin rằng những đột phá của họ trong công nghệ 5G sẽ khiến iPhone X trở nên lạc hậu, và đây có thể là quân bài chiến lược để họ thắng cuộc chiến pháp lý này. Ngược lại, Apple nghĩ điều này thật vô lý.
Ông Sewell tuyên bố: "Không đời nào vụ kiện này có thể được hòa giải mà không có sự thay đổi về mô hình cấp phép mà Qualcomm đã áp dụng trong ngành công nghiệp".
Phe Samsung-Apple đã khiến Qualcomm tổn thương không ít. Cùng với khoản tiền phạt của các cơ quan Hàn Quốc và Apple từ chối thanh toán tiền bản quyền, Qualcomm đã mất 25% giá trị vốn hóa thị trường của mình.
Vào tháng 7, Huawei – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới – cũng đã ngưng thanh toán tiền bản quyền cho Qualcomm và đi theo dấu chân của Apple. Giá cổ phiếu của Qualcomm cũng đã tụt giảm ngay sau đó.
Qualcomm cho hay, họ có nguồn tiền lên tới 38 tỷ USD để dành riêng cho cuộc chiến với Apple. Đây là một khoản tiền rất lớn, nhưng có một vấn đề: Apple cũng không thiếu tiền, với hơn 258 tỷ USD trong tay.