Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan sang lĩnh vực hàng không, bên nào sẽ thắng?

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã chuyển sang lĩnh vực hàng không. Có thông tin Trung Quốc đã ra lệnh cho các hãng hàng không ngừng tiếp nhận máy bay Boeing và các linh kiện để trả đũa thuế quan của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh các công ty hàng không ngừng tiếp nhận máy bay của Boeing và phụ tùng, linh kiện máy bay của các công ty Mỹ. Ảnh: DPA

Chính phủ Trung Quốc ra lệnh ngừng tiếp nhận máy bay Boeing

Theo Bloomberg, như một phần của cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, ngoài việc ra lệnh cho các hãng hàng không Trung Quốc ngừng tiếp nhận máy bay Boeing, chính phủ Trung Quốc còn yêu cầu các công ty ngừng mua mọi thiết bị và phụ tùng liên quan đến máy bay từ các công ty Mỹ. Động thái này dự kiến ​​sẽ đẩy chi phí bảo dưỡng máy bay các chuyến bay nội địa lên cao.

Theo những người hiểu rõ vấn đề, lệnh của Trung Quốc được ban hành sau khi áp thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa của Mỹ vào cuối tuần trước. Chỉ riêng mức thuế quan đã làm tăng gấp đôi chi phí mua máy bay và phụ tùng do Mỹ sản xuất, khiến các hãng hàng không Trung Quốc không thể tiếp cận máy bay Boeing.

Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines - ban đầu có kế hoạch nhận lần lượt 45, 53 và 81 máy bay Boeing trong giai đoạn 2025-2027.

Tổng thống Trump chỉ trích Trung Quốc trên Truth Social. Ảnh: SingTao.

Trang tin Guancha ngày 16/4 đưa tin cổ phiếu của Boeing đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm nay. Sau khi các tin có liên quan (về Trung Quốc ngừng tiếp nhận máy bay và ngừng mua phụ tùng của Boeing) được công bố, giá cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay Mỹ đã bị giảm 2,4% vào ngày 15/4.

Tờ The Wall Street Journal cho rằng, mặc dù việc “đánh” Boeing có thể mang lại cho Trung Quốc thắng lợi trước mắt, nhưng họ có thể phải chịu tổn thất nặng nề. Hôm 15/4, ông Trump đã lên án Trung Quốc vi phạm thỏa thuận với Boeing.

Ông Trump lên án Trung Quốc vi phạm thỏa thuận

Ông Trump đã biết về hành động tấn công mới nhất của Trung Quốc nhằm vào hãng Boeing, ngày 15/4 ông viết trên Truth Social: “Thật thú vị khi họ vừa bội ước một thỏa thuận lớn với Boeing, tuyên bố sẽ ‘không nhận’ những máy bay mà họ đã cam kết (mua)”.

Trump nói Trung Quốc đã không thực hiện thỏa thuận thương mại đạt được trong nhiệm kỳ đầu của ông và Trung Quốc chỉ mua một phần trong những gì họ đã hứa, thể hiện sự không tôn trọng đối với chính quyền Joe Biden. Tuy nhiên, ông Trump không nêu rõ chi tiết cụ thể của thỏa thuận.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt diễn giải lại tuyên bố của ông Trump tại cuộc họp báo ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Sau đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã diễn giải lại tuyên bố của ông Trump tại một cuộc họp báo rằng, "Quả bóng đang ở bên phía Trung Quốc. Trung Quốc cần phải đạt được thỏa thuận với chúng ta. Chúng ta không nhất thiết phải đạt được thỏa thuận với họ". Bà nói thêm, "Trung Quốc không khác các quốc gia nào khác, chỉ là diện tích lớn hơn mà thôi".

Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, do quyết định áp thuế quan lẫn nhau của Trung Quốc và Mỹ, chi phí của các hãng hàng không mua máy bay Boeing sẽ tăng đáng kể và các ngành liên quan của Trung Quốc đang nghiên cứu các biện pháp đối phó.

Theo tờ Wall Street Journal, công ty nghiên cứu Bernstein Research ước tính trong số nhiều máy bay 737 Max trong kho của Boeing, có 27 chiếc được chỉ định sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc trong năm nay, cùng với một số máy bay Boeing 787 và 777F, việc Trung Quốc hủy bỏ việc nhận các máy bay này sẽ dẫn đến khoản tiền mặt 1,2 tỷ USD bị vuột khỏi tay.

Thân máy bay Boeing 747MAX. Ảnh: VCG.

Năm 2019, sau hai vụ tai nạn chết người liên quan đến Boeing, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên cấm bay 737 Max. Các tranh chấp thương mại của Trung Quốc với cả chính quyền Biden và Trump cũng dẫn đến sự chuyển dịch đơn đặt hàng của Trung Quốc sang Công ty Airbus của châu Âu trong những năm gần đây.

Bloomberg cho biết xét đến nhu cầu máy bay mới rất lớn của các hãng hàng không sau dịch bệnh, nhất là từ các thị trường như Ấn Độ, những khó khăn Trung Quốc gây ra cho Boeing không ảnh hưởng đến công ty này ở mức đáng lẽ phải chịu. Thị trường Ấn Độ đã tiếp nhận một số máy bay vốn dành cho các hãng hàng không Trung Quốc.

Nhà phân tích Seth Seifman của JPMorgan viết trong một báo cáo: "Chúng tôi không coi Trung Quốc là yếu tố rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của Boeing trong vài năm tới. Tuy nhiên, về lâu dài, (thị trường) Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng".

Nhưng, việc Trung Quốc chuyển toàn bộ đơn đặt hàng của Boeing sang đối thủ Airbus là không thực tế. Cho đến cuối thập kỷ này, phần lớn máy bay Airbus đã được bán hết. Trước đó, BBC đưa tin Airbus đang tồn đọng hơn 8.000 đơn đặt hàng máy bay và công ty cũng gặp vấn đề về chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng bị chậm trễ.

Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại hàng không?

Dự kiến Trung Quốc ​​sẽ chiếm 20% nhu cầu máy bay toàn cầu trong 20 năm tới. Trong khi các đơn đặt hàng của Trung Quốc có thể sẽ chuyển nhiều hơn sang Airbus của châu Âu, Trung Quốc cũng đang trông cậy vào COMAC C919 sản xuất trong nước để bổ sung cho nhu cầu đội máy bay thân hẹp. Nhưng tờ Wall Street Journal cho biết Trung Quốc cuối cùng sẽ có động lực mạnh mẽ để nhượng bộ. COMAC và Airbus có thể không đáp ứng được nhu cầu lớn về máy bay phản lực nhanh như mong đợi.

Điều quan trọng nhất là C919 phụ thuộc rất nhiều vào các phụ tùng, linh kiện của Mỹ, bao gồm cả trái tim của máy bay - động cơ. Động cơ của C919 là sản phẩm của CFM International, một liên doanh giữa General Electric của Mỹ và Tập đoàn Safran của Pháp, điều đó có nghĩa là mặc dù máy bay và một số bộ phận được sản xuất bằng dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc, nhưng vẫn dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ sau bán hàng của các công ty phương Tây.

Biểu đồ so sánh số lượng máy bay của 3 hãng Airbus, Boeing và Comac của các hãng hàng không Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Đây là bộ phận quan trọng mà các đối thủ cạnh tranh bản địa của Trung Quốc khó có thể sao chép hiệu quả. Nếu Mỹ chặn quyền tiếp cận các bộ phận quan trọng này của các công ty Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang, sẽ gây nguy hiểm cho các chương trình hàng không và vũ trụ của Trung Quốc, trong đó có máy bay C929 lớn hơn đang được họ phát triển.

Trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, Mỹ có ưu thế đáng kể so với Trung Quốc. Lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ vào Trung Quốc đã giáng một đòn nghiêm trọng vào các nhà sản xuất chip của Trung Quốc. Nếu lệnh hạn chế xuất khẩu được áp dụng đối với ngành hàng không, việc sản xuất máy bay C919 cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Guancha, SingTao, Creaders