Cuộc chiến của cha mẹ Trung Quốc chống "bệnh" nghiện game cho con

VietTimes -- Trò chơi trực tuyến (game online) có sức hút đặc biệt, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Tại Trung Quốc, cũng như ở nhiều nước khác, các ông bố, bà mẹ đang phải rất vất vả để canh chừng con em mình không trở thành những con nghiện của game online.
Hình ảnh game King of Glory trên điện thoại di động

KING of Glory  -  thuộc thể loại MOBA (multiplayer online battle arena) do hãng Tencent phát hành là một trong những tựa game được ưa chuộng nhất hiện nay với hàng chục triệu người chơi mỗi ngày.

Học sinh, sinh viên ở thành phố Thượng Hải cũng là những game thủ mê trò chơi này vào loại đầu bảng tại Trung Quốc. Hầu như thời gian mà các em dành cho game này là không bao giờ đủ.

Game này cho phép người chơi tạo thành các nhóm chiến đấu với nhau.

Tuy nhiên, Wang Lili, người mẹ có cô con gái 17 tuổi đang phải tiến hành cuộc đấu khác - chị đang cố dựng việc trò chơi này lấy đi của con mình quá nhiều thời gian. “Trò này gây nghiện ghê gớm lắm. Nó sẽ chơi cả ngày nếu tôi không bắt nó dừng”, bà nói.

Wang nói, chị lo rằng con gái sẽ bị nghiện. Báo chí gần đây đưa tin rằng một cậu bé 13 tuổi ở Hàng Châu đã bị thương khi nhảy từ cửa sổ tầng bốn xuống do bị bố tịch thu điện thoại di động cấm cậu chơi game.

Danny Ji, một cậu bé vừa học xong tiểu học đã kể rằng, cậu và các bạn cùng lớp đã chơi game này được hơn một năm và dùng phần mềm WeChat để thảo luận nhóm. Trên điện thoại của cậu vẫn còn những tin nhắn cho thấy nhóm chơi cả vào lúc 3 giờ sáng.

“Một số bạn còn mua cả những ‘vai mạnh’ hoặc đồ chơi bằng tiền mặt. Có bạn còn tiêu tới 2.000 tệ (gần 300 USD) để mua”.

Wang Yang, Hiệu trưởng trường Trung học số 2 ở CaoYang (Thượng Hải) nói, trường ông đã cấm học sinh chơi game trong khuôn viên nhà trường.

“Chúng tôi thông báo với các em rằng, việc vi phạm quy định sẽ bị đánh dấu trong bảng nhận xét cuối khóa và sẽ được xem xét trong đăng ký thi đại học” - vị hiệu trưởng nói. Ông kêu gọi có những điều luật phạt các nhà sản xuất và phát hành game cho phép học sinh, sinh viên đăng ký và chơi game.

Chen Yuanyuan, một giáo sư của Đại học Kinh tế - Tài chính, chuyên nghiên cứu các vấn đề giáo dục nói rằng, hiện tượng chơi game không phải là điều gây ngạc nhiên đối với bà vì các sinh viên Trung Quốc cần có cái gì đó để giải trí, giảm áp lực mà chúng phải đối mặt trong quá trình học tập.

“Nhiều sinh viên tìm thấy cảm giác có thành tích và sự tự hào trong game” - bà giải thích, “Nhà trường và phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình thay vì chỉ nhìn vào bảng điểm”.

Bà Chen cũng nói thẳng rằng các bậc phụ huynh cần tự trách mình trước vì chính họ cho phép con em đăng ký và chơi game trên điện thoại của mình.

Về phần hãng phát hành, Tencent thừa nhận đại đa số người chơi game King of Glory là lứa học sinh, sinh viên và các nhân viên văn phòng trẻ.