Cuộc cạnh tranh của các nền tảng

Vũ Kiêm Văn
Vũ Kiêm Văn

Phó TTK Hội Truyền thông số VN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Nền tảng (Platform) là hình thức kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ qua đó tạo ra giá trị cho tất cả người tham gia. Theo khái niệm trên, Platform đã diễn ra từ khá lâu rồi. Có thể nói những chợ truyền thống cũng được xem là một nền tảng kết nối - kết nối người bán và người mua; sàn chứng khoán trong thời kỳ sơ khai cũng là nền tảng kết nối…

Ngày nay, người ta nói về Platform thường gắn liền với các yếu tố về công nghệ. Nhờ có công nghệ số và Internet mà các Platform có thể kết nối người sản xuất và người tiêu dùng một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Sự tác động quan trọng nhất của nền tảng số là sự đột phá vào các ngành kinh tế truyền thống.

Đặc biệt với sự nổi dậy của các platform như Uber, Facebook, Airbnb… đã buộc các công ty truyền thống nhắm tới việc tạo cho mình một nền tảng để cạnh tranh trong nền kinh tế mang tính kết nối càng trở nên mạnh mẽ, tất cả tạo thành nền kinh tế nền tảng (Platform Economy) bao phủ mọi lĩnh vực và ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong xu hướng phát triển của nhân loại.

Vậy ứng xử chính sách của Nhà nước trong cuộc cạnh tranh giữa nền tảng truyền thống và nền tảng dựa trên công nghệ như thế nào?

Ví dụ cụ thể hiện nay là sự cạnh tranh của Taxi truyền thống và Taxi công nghệ. Theo người viết, không còn nghi ngờ gì nữa đây đều là mô hình kinh doanh taxi nhưng dựa trên hai nền tảng khác nhau (giống như không thể phủ nhận eLearning là mô hình đào tạo).

Taxi truyền thống dựa trên một nền tảng kinh doanh đã cũ với chi phí vận hành cao, khả năng mở rộng quy mô rõ ràng kém ưu thế hơn so với Taxi công nghệ với chi phí vận hành thấp và khả năng mở rộng quy mô gần như vô hạn; đấy là chưa kể Taxi truyền thống còn đang phải chịu thêm một số quy định chặt chẽ hơn.

 

Ví dụ trên để thấy việc ứng xử chính sách đối với các nền tảng đặt Nhà nước vào việc phải lựa chọn:

- Nếu lựa chọn duy trì sự tồn tại của cả hai loại nền tảng, bắt buộc phải có những quy định "ưu ái hơn những nền tảng truyền thống" để tạo ra sự cân bằng khi mà lợi thế và quy mô của các nền tảng số đang chiếm ưu thế rõ rệt.

- Nếu như để thị trường tự quyết định, có nghĩa là những nền tảng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi nền tảng số thì Nhà nước không cần phải ưu ái hơn những nền tảng số chỉ cần có những quy định giống nhau.

Việc Nhà nước lựa chọn như thế nào đều có những “lý do hợp lý”,  tuy nhiên quy luật cho thấy, những mô hình lỗi thời sẽ bị đào thải. Giống như tuyên bố của bậc thầy về quản lý Peter Drucker: “Chiến lược trong kỷ nguyên của kinh tế nền tảng ngày hôm nay cũng buộc phải thay đổi thay vì lẩn tránh sự cạnh tranh.”

Ở một khía cạnh liên quan khác, người viết muốn đề cập từ câu chuyện của Google: Từ lâu, Google có một phương châm hoạt động được gói gọn trong cụm từ “don’t be evil” - có thể hiểu là đừng trở thành ác quỷ, hay đừng trở thành kẻ xấu xa. Nghe có vẻ như đó là điều hiển nhiên, khi ai chả muốn làm người tốt, nhưng đối với một công ty Internet khổng lồ như Google thì nó lại vô cùng quan trọng. Bởi lẽ Google hiểu hơn ai hết rằng chính những nền tảng số như Google sẽ tạo ra những nguy cơ khó lường cho xã hội khi thiếu kiểm soát - đây chính là bài toán cần đặt ra cho nhà hoạch định chính sách khi quản lý các nền tảng số.