Cục hàng không giới hạn mua thêm 89 máy bay trong 4 năm tới

VietTimes -- Đến năm 2020, Cục hàng không VIệt Nam phải duy trì đội tàu bay dân dụng ở mức 230 chiếc để cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng kịp tốc độ phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trong 5 năm qua (2011- 2016), đội tàu bay của 4 hãng hàng không nội địa đang tăng mạnh, từ 94 chiếc lên 141 chiếc.

Trong giai đoạn tới, 4 hãng hàng không nội địa này đã lên kế hoạch mua sắm, đầu tư đội tàu bay với 114 chiếc, trong đó có loại máy bay thân rộng (Boeing 777, Boeing 787, Airbus 330, Airbus 350) là 32 chiếc, tăng 24 chiếc; Jetstar Pacific sẽ xây dựng đội tàu bay gồm 30 chiếc chủ yếu là A320/A321.

Đứng đầu trong số các hãng hàng không duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay là Vietjet với 100 chiếc A320/A321 vào năm 2020, tăng 55 chiếc so với thời điểm đầu quý III/2016. Ngoài ra, Vietstar - hãng hàng không đang đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, sẽ có đội bay gồm 19 chiếc máy bay tầm trung, chủ yếu là các dòng máy bay A320 và Boeing 737.

Tuy nhiên, theo dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Cục Hàng không Việt Nam xây dựng, trình Bộ GTVT mới đây, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 230 tàu bay dân dụng. Như vậy, trong 4 năm tới, các hãng hàng không chỉ được mua tối đa 89 tàu bay nữa.

Điều này đang gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hàng không. Theo đại diện một số hãng hàng không trong nước, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình.

Nhưng dự thảo nói trên của Cục Hàng không đang kìm hãm sự phát triển của các hãng hàng không nội địa, vì với quy mô đội tàu bay như vậy, các hãng chỉ có thể phát triển trong khuôn khổ được định hướng.

Giải thích về bức xúc của doanh nghiệp, lãnh đạo Cục hàng không cho biết, Nhà nước quy định đội tàu bay của các hãng chỉ được phát triển ở một con số nhất định để cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được.

“Việc đầu tư hạ tầng hàng không cần thời gian dài chứ không thể nói chuyện ngày một ngày hai là có thể đầu tư mở rộng sân bay, xây thêm đường lăn, sân đỗ tàu bay được. Do đó, trong chiến lược phát triển vận tải hàng không không thể không có sự điều tiết của quản lý Nhà nước. Nếu cứ để hàng không phát triển tự do đội tàu bay thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, vị lãnh đạo này cho biết