Cục diện thị trường ứng dụng ở Ấn Độ thay đổi ra sao sau lệnh cấm?

VietTimes – Xung đột biên giới Trung - Ấn đã lây lan căng thẳng sang nhiều lĩnh vực khác của hai quốc gia này.
Ảnh: Nikkei Asian Review
Ảnh: Nikkei Asian Review

Chỉ một giờ sau khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố cấm 59 ứng dụng Trung Quốc vào cuối tháng trước, nhiều người dùng của các ứng dụng Trung Quốc tại Ấn Độ đã vội vã đăng thông tin liên lạc thay thế cho bạn bè và người thân của họ trên WeChat.

“Mọi người có thể tìm tôi thông qua Alipay nếu Ấn Độ thực sự cắt đứt WeChat” – một người dùng đăng trên WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc cũng nằm trong danh sách các ứng dụng bị cấm.

Khoảng vài ngày sau khi lệnh cấm được đưa ra, Google Play Store và Apple Store đã xóa bỏ tất cả 59 ứng dụng của Trung Quốc ở Ấn Độ, trong đó có cả nền tảng video ngắn nổi tiếng TikTok sở hữu hơn 200 triệu người dùng ở Ấn Độ, WeChat của Tencent, Weibo của Sina, Baidu Map, UC Browser của Alibaba.

Quyết định này của chính phủ Ấn Độ không chỉ khiến người dùng Ấn phải tìm các lựa chọn thay thế mà còn buộc các công ty công nghệ Trung Quốc phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ tại quốc gia tỷ dân này.

Những quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao như Ấn Độ và Indonesia, đã trở thành thị trường quan trọng nhất đối với các công ty công nghệ Trung Quốc trong những năm gần đây. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng trong thị trường smartphone Ấn Độ, các ứng dụng video ngắn và trò chơi đã dần trở nên phổ biến hơn. Cũng chính vì vậy, ByteDance, “cha đẻ” TikTok đã mất hơn 6 tỷ USD sau khi ứng dụng này bị cấm tại Ấn Độ.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Nhiều App Trung Quốc bị cấm đều nằm trong top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Ấn Độ vào tháng 5/2020. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Ấn Độ thay đổi chính sách


Có một làn sóng tẩy chay Trung Quốc chưa từng có đã diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi một cuộc xung đột ở biên giới hai nước bùng nổ khiến 21 binh lính Ấn Độ thiệt mạng. Trước đó, xu hướng cảnh giác các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ cũng đã xuất hiện nhưng chưa rõ ràng.

Để hạn chế các thương vụ công ty nước ngoài mua lại hoặc kiểm soát các công ty Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vào tháng 4/2020, chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi chính sách đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhằm thu hẹp phạm vi các nhà đầu tư đủ điều kiện. Theo quy định mới, những công ty từ các quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền với Ấn Độ sẽ chỉ được phép đầu tư nếu có sự chấp thuận từ phía chính phủ, thay vì tự do đầu tư như trước đây.

Với khả năng đầu tư hạn chế của các nước láng giềng khác của Ấn Độ bao gồm Pakistan, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Bhutan và Afghanistan, các quy tắc mới rõ ràng đang nhắm vào các nhà đầu tư Trung Quốc.

Quy định mới đã khiến nhiều dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Ấn Độ bị trì hoãn – Link Legal, một công ty luật ở Ấn Độ cho biết.

Xung đột biên giới đã khiến ngày càng có nhiều người dân Ấn Độ có xu hướng bài Trung hơn.Vào tháng 5, một ứng dụng có tên Remove China Apps – cho phép người dùng dễ dàng xóa các ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc. App này đã đạt được hơn 5 triệu lượt tải ở Ấn Độ trước khi bị CH Play dỡ bỏ.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Các ứng dụng Trung Quốc chiếm tới 81% tổng số lượng ứng dụng trên điện thoại di động tại thị trường Ấn Độ. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Facebook trở thành “ngư ông đắc lợi”


“Cùng với làn sóng tẩy chay các ứng dụng Trung Quốc, các ứng dụng của Mỹ như Facebook và các ứng dụng địa phương lại có thêm cơ hội để “đá” các đối thủ Trung Quốc ra khỏi thị trường Ấn Độ” - Lin Minwang, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á tại đại học Fudan, Thượng Hải cho biết.

Facebook và các ứng dụng của nó như WhatsApp và Instagram đã tiếp cận thị trường Ấn Độ từ năm 2010 và trở thành những ứng dụng không phải game (nongame) được tải xuống nhiều nhất tại quốc gia này.

Theo dữ liệu của nền tảng phân tích App Annie, Facebook và ứng dụng Messenger của nó được xếp hạng là 2 ứng dụng “nongame” được tải xuống nhiều nhất ở Ấn Độ vào năm 2018, trong khi WhatsApp xếp thứ tư, TikTok của Trung Quốc chỉ xếp thứ sáu.

Tuy nhiên, đó chỉ là trước khi các đối thủ Trung Quốc tấn công ồ ạt vào thị trường Ấn Độ.

Chỉ trong vòng 1 năm, các công ty internet Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường ứng dụng của Ấn Độ. Trong số 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Ấn Độ thì có tới năm là của Trung Quốc. Facebook đã để tuột mất ngôi vương vào tay TikTok. Không chỉ có TikTok, các ứng dụng Trung Quốc khác cũng nhanh chóng trở nên phổ biến như nền tảng video ngắn Likee, ứng dụng truyền thông xã hội Helo, trình duyệt web UC Browser và ứng dụng chỉnh sửa và chia sẻ video VMate.

Với chính sách cứng rắn của chính phủ Ấn Độ đối với các ứng dụng Trung Quốc, Facebook hy vọng sẽ lấy lại được thị phần đã mất. Vào tháng 4 năm nay, “gã khồng lồ” công nghệ Mỹ đã mua lại 9,99% cổ phần của Jio Platforms với giá 5,7 tỷ USD. Jio Platforms là công ty viễn thông hàng đầu của Ấn Độ thuộc sở hữu của Reliance Industries do tỷ phú Mukesh Ambani đứng đầu.

Không phải tất cả các ứng dụng Trung Quốc đều bị cấm


Không phải tất cả các công ty Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Trong khi nhiều công ty Trung Quốc tìm cách “tháo chạy” khỏi thị trường này thì một số khác vẫn lựa chọn ở lại bằng cách “lách luật”.

Xiaomi là một ví dụ điển hình. Công ty sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đang tiếp thị các sản phẩm của mình với cái mác “Made in China” nhằm tận dụng lợi thế của việc sản xuất hoặc lắp ráp sản phẩm tại Ấn Độ để bán tại chính quốc gia này.

Trong khi hai ứng dụng của Xiaomi - Mi Community và Mi Video Call nằm trong danh sách 59 ứng dụng bị cấm thì một ứng dụng chia sẻ video của hãng – Xiaomi Video lại nằm ngoài vùng nguy hiểm. Một nhân viên tại một văn phòng của Xiaomi có trụ sở tại Ấn Độ cho biết công ty đã rất ngạc nhiên khi hai ứng dụng bị đưa vào lệnh cấm vì chúng không liên quan gì đến vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư.

Ảnh: Business Today
Một cửa hàng điện thoại Xiaomi tại Ấn Độ với tấm biển "Made in India". (Ảnh: Business Today)

“Chúng tôi là một công ty Ấn Độ, bởi 99% điện thoại của chúng tôi được sản xuất và bán tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, 65% các thành phần trong smartphone của công ty cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ” - Manu Kumar Jain, CEO Xiaomi ở Ấn Độ, cho biết trong một tuyên bố.


Dù sao đi nữa, các chính sách cứng rắn của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã và đang thay đổi môi trường đầu tư tại quốc gia này, các nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng dè chừng hơn trong khi các công ty Mỹ tăng cường tầm ảnh hưởng.

Trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia vào ngày 12/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi thúc đẩy một “Ấn Độ tự lực”. Nhiều người đã coi lời kêu gọi này là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang cố gắng thay thế hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc bằng các sản phẩm được sản xuất tại địa phương nhằm làm tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh cũng như thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review