|
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia. |
Thông tin này được ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) – chia sẻ tại hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp" diễn ra vào sáng nay (9/10).
Theo đó, chiến lược chuyển đổi số quốc gia có thể chia làm 4 giai đoạn, bắt đầu từ Nghị quyết số 52-NQ/TW (ngày 27/9/2019) của Bộ Chính trị, bao gồm một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Tiến cho biết, nếu coi năm 2020 là năm khởi động về chuyển đổi số, 2021 là năm tổng diễn tập về chuyển đổi số, thì 2022 là năm tổng tiến công và tăng tốc về chuyển đối số, lấy người dân làm trung tâm.
Tới nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.
Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3%, chiếm 54,51% tổng số thủ tục hành chính và tiệm cận mục tiêu đạt 100% vào năm 2025. Bên cạnh đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến lần lượt đạt 67,8% và 43,2%.
Tuy nhiên, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn ở mức thấp, chỉ đạt 3% (cuối tháng 6/2022), trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 100%.
Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Song, chỉ tiêu này vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.
Trong khi đó, với khoảng 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động (riêng trong tháng 6/2022), Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới. Số lượt người dùng hằng tháng trên tất cả các nền tảng số di động Việt Nam tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe./.