Bây giờ, khi ba cửa hàng đã hiện hữu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các “khách ruột” của Uniqlo vẫn không thể tới mua sắm. Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc Uniqlo Việt Nam, trong mơ cũng không thể hình dung Covid-19 đang đóng băng hầu hết hoạt động kinh doanh của mình.
Uniqlo, nhãn hàng của Tập đoàn Fast Retailing – Nhật Bản, đã mất nhiều thời gian cho kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam, nền tảng để mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không có thất bại nào trong quá trình kinh doanh ở đây”, Osamu Ikezoe nói.
Kinh doanh của Uniqlo tại Việt Nam đã không theo kế hoạch, trong khi sản xuất của nhãn hàng này cũng ít nhiều chịu tác động của dịch bệnh, sản lượng các tháng 3 và 4 đã chậm hơn kế hoạch. Từ Việt Nam, mỗi năm Uniqlo sản xuất khoảng 3 tỷ USD sản phẩm dệt may ra toàn cầu.
Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc Uniqlo Việt Nam, trong mơ cũng không thể hình dung Covid-19 đang đóng băng hầu hết hoạt động kinh doanh của mình- Ảnh internet.
|
Covid-19 đang gia tăng áp lực lên giá thuê mặt bằng trong khi các nhà bán lẻ đang bị hao tổn tiền mặt. Theo Savills Việt Nam, đang có sự dịch chuyển dài hạn mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời.
“Mua sắm trực tuyến tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố”, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills Hồ Chí Minh, nhận định.
Kết quả khảo sát mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, doanh thu một số nhà hàng đã giảm lên đến 50% trong tháng 2 so với các tháng trước đó, do ngành ẩm thực chịu “tác động kép” từ dịch Covid-19 và việc thực thi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/01/2020, xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe.
Theo bà Khánh Trang, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê.
Bán lẻ hiện đại đang thay đổi khi người dân dành nhiều thời gian ở nhà, chi tiêu gia đình đã giảm và thay đổi. Ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc CEL Consulting, một công ty tư vấn trong lĩnh vực quản trị cung ứng, cho rằng, người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu do thiếu tầm nhìn về tương lai trung hạn.
Giỏ mua hàng đã lớn hơn đáng kể khi mọi người bắt đầu giảm tần suất đi đến siêu thị và các cửa hàng, theo kết quả khảo sát gần đây do Cồng ty CEL thực hiện vào cuối tháng 3, nhu cầu tăng rõ rệt, thực phẩm đóng gói tăng 26%, sản phẩm sữa tăng 10%, chăm sóc cá nhân tăng 29%...
Các công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng cuối đang bán được ít hàng hóa hơn. Qua khảo sát hồi tháng 3/2020, CEL Consulting, phát hiện các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối và dịch vụ hậu cần (không bao gồm thương mại điện tử và giao hàng chặng cuối) báo cáo doanh thu thiếu hụt so với mục tiêu 25% trong quý 1/2020 và dự kiến không phục hồi khoản lỗ này trong năm nay.
Người tiêu dùng bắt đầu giảm tần suất đi đến siêu thị và các cửa hàng để trực tiếp mua sắm.
|
Tại thời điểm này, các nhà sản xuất và nhà bán lẻ có khối lượng bán hàng hiện tại là quá thấp để hấp thụ các định phí, khiến hàng ngàn doanh nghiệp có lợi nhuận âm, và lượng dự trữ tiền mặt ít. Các công ty phụ thuộc xuất khẩu đang thấy các đơn đặt hàng bị hủy mỗi ngày, đặc biệt là các đơn hàng từ Châu Âu và Hoa Kỳ.
Hậu quả là các công ty giao nhận vận tải hàng hóa tại Việt Nam đang chứng kiến khối lượng giảm từ 25% đến 70%. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tuyên bố phá sản và đối với những người khác, tác động đến nguồn nhân lực, biến điều chỉnh chính, đang được cảm nhận mạnh mẽ và việc thất nghiệp đang đe dọa nhiều ngành công nghiệp.
Một hiệu ứng theo thuyết Darwin sẽ loại khỏi cuộc chơi các doanh nghiệp không thể thích nghi đủ nhanh. Khảo sát của CEL cuối tháng 3 cho thấy 80% doanh nghiệp đã hoặc đang xem xét triển khai các chương trình khuyến mãi đặc biệt để đảm bảo doanh số tối thiểu và 60% trong số họ đã thực hiện những thay đổi trong dòng sản phẩm của mình.
Theo quan sát của Julien Brun, khi cách ly xã hội trở thành một thực tế cấp bách hơn, người tiêu dùng thành thị tìm kiếm các lựa chọn mua sắm thuận tiện và an toàn cho nhu cầu gia đình hàng ngày.
Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở thành trung tâm của sự chuyển biến này. Mọi người có được những gì cần thiết, các doanh nghiệp và nhà hàng nhỏ duy trì một hoạt động nhất định khi cửa hàng của họ bị đóng cửa, không phục vụ tại chỗ, mà chỉ cho phép hình thức “mang đi, mua về, giao tận nơi". Số liệu vẫn chưa được công bố chính thức tại Việt Nam. Thế nhưng, từ Lazada báo cáo số lượng đơn đặt hàng tại Singapore tăng 300% và dịch vụ giao hàng của Grab tăng 200% tại Bangkok, hoàn toàn có thể giả định sự tăng trưởng tương tự đang được nhìn thấy ở các thành phố chính ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, CEO của CEL Consulting cho rằng, một lượng lớn hàng hóa đã chuyển từ các kênh phân phối ngoại tuyến sang các kênh trực tuyến và các công ty phân phối chặng cuối chưa thể ứng phó với làn sóng gia tăng của các đơn giao hàng.
“Một trong những thách thức chính mà sự thay đổi này tạo ra cho phân phối nội địa là khả năng vận chuyển hàng hóa đường dài”. Julien Brun nói và dẫn chứng, sự hạn chế vận tải hàng không và đường sắt của tuyến Bắc – Nam thời điểm này, gây ra chậm trễ và gián đoạn.
Hồi kết của cuộc đại dịch này vẫn chưa thể thấy rõ. Julien Brun đang nghĩ tới xu hướng tiêu dùng mới khi hết dịch, người dân quen với việc giao hàng tận nơi và giao hàng trực tuyến có hệ thống hơn. Khi đó, thương mại điện tử và giao hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi, trong khi lĩnh vực bán lẻ ngoại tuyến sẽ dần hồi phục.