Sản xuất và xuất khẩu khẩu trang đang là cứu cánh cho ngành dệt may trong đại dịch covid-19
Việt Thắng Jean đã phát triển thương hiệu riêng V-SixtyFour và tự bán sản phẩm sang Mỹ và EU trong hơn 30 năm. Nhưng vào tháng Hai, lần đầu tiên, họ sản xuất khẩu trang vì nhu cầu tăng vọt do sự bùng phát của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp có quy mô gần 10.000 nhân công này đã bổ sung thêm dây chuyền để sản xuất tới 500 nghìn khẩu trang mỗi ngày. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, nói rằng “quyết định chủ yếu mang tính thương mại”.
Việt Thắng Jean, một trong hàng chục nhà sản xuất dệt may xuất khẩu trên khắp Việt Nam, lần đầu tiên sản xuất khẩu trang, một phần trong nỗ lực để cứu vãn doanh thu đang sụt giảm nghiêm trọng và giữ chân công nhân.
Tháng 3/2020 chứng kiến sự đình trệ chưa từng có của ngành dệt may Việt Nam, cho thấy bức tranh chung của thương mại thế giới khi mọi hoạt động giao thương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Các kho hàng của hàng trăm công ty đầy ắp thành phẩm và nguyên phụ liệu nhập về để phục vụ cho các nhà mua hàng Mỹ và châu Âu, dự kiến sẽ giao trong tháng 4 và tháng 5. Tất cả đều bị ách lại bởi sự vùng phát của dịch Covid-19.
Dự kiến, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành dệt may, theo Bộ Công thương, sẽ giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.
Mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD hàng dệt may của năm 2020 trở nên xa vời. Sản xuất và xuất khẩu khẩu trang gần như là phương cách duy nhất cho ngành dệt may duy trì sự tồn tại, trong khi chưa thể xác định thời điểm hết dịch, cũng như độ trễ thị trường phục hồi.
Thế nhưng, cung ứng sản phẩm khẩu trang cho thị trường thế giới, dệt may Việt Nam lại đi sau Trung Quốc. Các doanh nghiệp của Việt Nam, thậm chí đã bỏ qua yếu tố thời điểm Trung Quốc oằn mình chống đỡ với dịch bệnh trong tình trạng thiếu hụt bảo hộ y tế và khẩu trang, để cơ cấu lại thị trường và sản phẩm.
Sản xuất và xuất khẩu khẩu trang đang là cứu cánh cho ngành dệt may trong đại dịch covid-19 (Ảnh minh họa)
|
Nhờ Covid-19, Trung Quốc lật ngược thế cờ thương mại với Mỹ?
Trung Quốc, bây giờ đã trở thành đối tượng chính hưởng lợi từ dịch Covid-19, thông qua việc cung cấp sản phẩm bảo hộ và khẩu trang cho thế giới. Thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm bảo hộ giữa Trung Quốc và các nước có nguồn cung thấp ngày càng phổ biến, nhất là với Mỹ và các nước khối EU.
Những thay đổi nhanh chóng trong chính sách công nghiệp, theo South China Morning Post, đã giúp Bắc Kinh có hơn 2.500 công ty sản xuất khẩu trang, trong đó có 700 công ty công nghệ, bao gồm nhà máy lắp ráp iPhone Foxconn và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và Oppo.
Nếu như trước khi dịch bệnh bùng phát, một nửa nguồn cung khẩu trang thế giới đến từ Trung Quốc, với tốc độ 20 triệu chiếc mỗi ngày, thì tính đến ngày 29/2, con số này đã tăng lên tới 116 triệu chiếc, theo cơ quan hoạch định của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cho phép doanh nghiệp được tự do xuất khẩu sản phẩm bảo hộ y tế. Đáng chú ý, trong khi các nhà sản xuất lớn trực tiếp xuất khẩu thì phần lớn các công ty nhỏ hơn được bán khẩu trang cho Chính phủ.
Nhờ Covid-19, Trung Quốc gần như đã lật ngược được thế cờ thương mại với Mỹ khi cung ứng lượng lớn trang thiết bị y tế ra thế giới. Quan trọng không kém, bằng sự xoay chuyển chính sách công nghiệp nhanh chóng, Trung Quốc đã cứu các ngành công nghiệp trong nước, trong đó có dệt may, khỏi nguy cơ phá sản và giữ lại việc làm cho hàng trăm triệu lao động.
Rất cần các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh!
“Nhu cầu rất lớn, chúng tôi nhận được ngày càng nhiều đơn hàng may khẩu trang”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết. Việt Nam, với tư cách quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, hoàn toàn có khả năng cung ứng khẩu trang ra thị trường toàn cầu.
Với năng lực may trung bình trên 1,1 triệu chiếc/ngày, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đưa ra thị trường tính đến ngày 31/3 lên tới gần 60 triệu chiếc. Con số này sẽ được bổ sung thêm trên 30 triệu chiếc nữa chỉ trong nửa đầu tháng 4/2020, theo số liệu của Bộ Công thương.
Chất lượng sản phẩm có thể là một lợi thế lớn để khẩu trang Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm cùng loại có xuất xứ Trung Quốc trên thị trường thế giới, khi nước này đã chứng kiến những lô hàng bị Hà Lan trả lại hồi tháng Ba, do không đảm bảo chất lượng.
Với nguồn cung nguyên liệu vải kháng khuẩn nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, khẩu trang vải Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn xuất xứ của châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh dịch bệnh đang làm thay đổi hành vi của người dân trên thế giới, sử dụng khẩu trang, găng tay đang trở thành thói quen.
Cơ hội đã mở rộng hơn cho khẩu trang Việt Nam, nhưng ông chủ Việt Thắng Jean vẫn hi vọng có được sự khuyến khích của Chính phủ, dưới hình thức trợ cấp, thuế thấp hơn, cho vay không lãi suất và phê duyệt nhanh sẽ giúp giảm bớt thiệt hại từ đại dịch và thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi này.
Sản xuất sản phẩm bảo hộ thay vì sản xuất sản phẩm thời trang, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) cho đó là “sự dịch chuyển phù hợp” với thực tế của các công ty xuất khẩu dệt may hiện nay.
"Chính phủ, nên đặt hàng các doanh nghiệp lớn để có được một lượng khẩu trang đủ dùng theo các kịch bản chống dịch. Phần còn lại, nếu không mua vào để dự trữ, nên cho phép xuất khẩu, kể cả khẩu trang y tế"- TS Phạm Thế Anh.
|
Theo phân tích của vị chuyên gia này, việc làm tác động nhiều đến ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng 1,5 triệu lao động ngành dệt may nếu thất nghiệp, Nhà nước theo luật sẽ phải chi trả một khoản rất lớn cho bảo hiểm.
Hiện, ngân sách nhà nước đang căng thẳng với những gói hỗ trợ vừa công bố, trong khi thu thuế của Chính phủ đang giảm do lượng lớn các doanh nghiệp đóng cửa, nguồn thu từ thuế VAT cũng giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Chính phủ nói rằng nhu cầu trong nước cần phải được ưu tiên, nhưng theo TS. Phạm Thế Anh, chế độ cấp giấy phép xuất khẩu theo Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ, sau hơn một tháng áp dụng cho thấy không phù hợp với tình hình thực tế.
Việc Chính phủ không mua vào để tích trữ và hạn chế xuất khẩu, nguồn cung khẩu trang trong nước có thể thiếu hụt do các doanh nghiệp ngừng sản xuất. Ngược lại, khi được phép xuất khẩu, nguồn cung sẽ tăng lên, doanh nghiệp có nguồn lực để quay sang sản xuất các loại hàng hóa khác.
Thậm chí, Kinh tế trưởng của VEPR còn cho rằng: “Chính phủ đang mất thêm nguồn lực để quản lý hoạt động chống buôn lậu, trong khi doanh nghiệp không có việc làm mà nhu cầu thị trường lại đang tăng”.
Theo TS. Phạm Thế Anh, Chính phủ, nên đặt hàng các doanh nghiệp lớn để có được một lượng khẩu trang đủ dùng theo các kịch bản chống dịch. Phần còn lại, nếu không mua vào để dự trữ, nên cho phép xuất khẩu, kể cả khẩu trang y tế. Chính sách thuế xuất khẩu cũng có thể được áp dụng để điều tiết thị trường, nếu cần.
Khó đoán định dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng một điều TS. Phạm Thế Anh chắc chắn, phía Mỹ và EU sẽ hài lòng hơn, thậm chí không đặt nặng vấn đề thâm hụt thương mại song phương, nếu thời gian này Việt Nam cung ứng được những sản phẩm họ cần.