Covid-19 đặt dấu chấm hết cho chặng đua vào Nhà Trắng của ông Sanders

VietTimes - Ông Sanders dự định sẽ tham dự Đại hội đề cử của đảng Dân chủ và tuyên bố nhường lại sân chơi cho ông Biden. 
Thượng nghị sĩ Berni Sanders tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ ngày 8/4. Ảnh chụp từ youtube.

Nhưng hồi kết ông hướng đến trong cuộc chơi này là tập hợp đủ số phiếu đại biểu để tác động đến cương lĩnh chính sách của đảng Dân chủ – Phân tích của Tiến sĩ Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ) về câu chuyện phía sau tuyên bố dừng tranh cử của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders mới đây. 

Sau một năm thể hiện phong độ mạnh mẽ so với các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ để tiến tới cuộc đấu tay đôi với đương kim Tổng thống Donald Trump vào tháng 11, chỉ trong vài tháng vừa qua ông Bernie Sanders đã không tránh khỏi một cú trượt dốc chưa từng thấy khiến ông phải dừng chiến dịch tranh cử.

Ông Sanders đã giành được một số thắng lợi ấn tượng trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên vào đầu năm nay, để rồi sau đó lại bị đối thủ vừa được tái trỗi dậy là ông Joe Biden đè bẹp. Năm ngoái, ông Biden đã có lúc dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cùng với ông Sanders, rồi có lúc phải đứng nhìn chiến dịch của mình tuột xích không phanh, và cuối cùng lại vùng lên từ tro tàn đổ nát để trở thành ứng cử viên được đề cử của phe Dân chủ.

Chuỗi sự kiện này dự báo gì về những tháng tiếp tới của đảng Dân chủ khi cuộc đua bước vào giai đoạn nước rút để đối mặt với đương kim Tổng thống Donald Trump. Và viễn cảnh của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để củng cố cho phong trào chính trị ông Sanders khởi xướng và đeo đuổi sẽ thế nào?

Ông Sanders không phải là lựa chọn của đảng Dân chủ

Giới chóp bu của phe Dân chủ - nhóm tinh hoa nắm quyền không ra mặt - chính là những người lựa chọn ứng cử viên, cấp tài trợ và quyết định các chính sách tranh cử – ngày càng e sợ rằng ông Sanders sẽ thực sự có thể giành được đề cử của đảng.

Nếu ông Sanders được đề cử chính thức, phe Dân chủ sẽ phải hậu thuẫn cho một người theo chủ nghĩa xã hội thực thụ, lại chính là người đã chống lại giới chóp bu, là người luôn cổ súy cho các chính sách xã hội chủ nghĩa cấp tiến và đứng đầu một đội ngũ những người cách mạng có ý định thay máu toàn bộ đảng Dân chủ.

Thậm chí, ông Sanders chẳng coi đảng Dân chủ ra gì qua việc ông từ chối tham gia làm thành viên. Ông tuyên bố chính đảng Dân chủ đã cấu kết với bà Hillary Clinton để tước đi cơ hội được đề cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Ông Sanders công kích những người giàu có ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Amazon, Facebook, Twitter, Google, và nhiều công ty khác.

Thậm chí, ông còn đe dọa đưa ra cáo buộc hình sự đối với các công ty này cùng với các Giám đốc điều hành của ngành năng lượng, bảo hiểm y tế, dược phẩm, quốc phòng, tài chính (đặc biệt là trong ngành ngân hàng và giới tài phiệt phố Wall), cũng như ngành sản xuất ô tô…

Ông Sanders cũng từ chối nhận tiền đóng góp cho chiến dịch tranh cử của các doanh nghiệp. Thay vào đó, ông chào đón các khoản quyên góp nhỏ của các cá nhân ủng hộ và chấp nhận sự hậu thuẫn của công đoàn. Điều này có nghĩa là phe Dân chủ không thể chi phối các chính sách của ông qua việc ngừng rót tài trợ.

Thượng nghị sĩ Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, hai ứng viên trong cuộc đua song mã giành đề cử của Đảng Dân chủ. Với việc ông Sanders dừng chiến dịch tranh cử, ông Biden đã chắc chắn là người sẽ đối đầu với Tổng thống Trump vào tháng 11 tới. Ảnh: Reuters.

Trước viễn cảnh là ông Sanders có thể trở thành ứng viên được đề cử của đảng Dân chủ, các thành viên của đảng này đã ra tay can thiệp để đảm bảo ông Sanders không tập hợp đủ số phiếu đại biểu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở cấp bang. Sau đó, phe Dân chủ quay sang cứu hộ chiến dịch đang sa lầy của ông Joe Biden.

Như vậy, ông Joe Biden sẽ là con át chủ bài của phe Dân chủ để quyết đấu với ông Trump. Ông không phải là một đối thủ ngang tầm, nhưng phe Dân chủ không có sự lựa chọn nào khác.

Ông Sanders không đánh giá đúng sự hậu thuẫn dành cho mình

Rất có thể chiến dịch tranh cử của ông Sanders bị sa lầy là vì ông đã đánh giá không đúng mức độ cam kết cũng như số lượng người ủng hộ. Ông Sanders tin rằng ông có thể huy động sự ủng hộ từ những cử tri trẻ tuổi– đây là nhóm cử tri đang cần có một đại diện để chống lại giới chóp bu trong đảng Dân chủ và đưa ra một làn gió tư tưởng mới.

Ông đã sai lầm. Đúng là cử tri trẻ ủng hộ ông, họ tham gia các cuộc tuần hành tranh cử cùng với ông. Nhưng họ không bỏ phiếu. Những người ủng hộ ông Sanders không đến các điểm bỏ phiếu.

Ông Sanders cũng theo chủ trương “chính trị bản sắc”, tập trung nỗ lực để thu phục nhóm cử tri là người Mỹ gốc Phi và người thuộc tầng lớp lao động. Số phiếu của cử tri Mỹ gốc Phi ủng hộ cho ông Biden áp đảo so với số phiếu bầu của ông Sanders, một phần vì ông Biden đã từng là Phó TT cho ông Obama.

Một số cử tri thuộc tầng lớp lao động không thấy các chính sách xã hội của ông Sanders có sức thuyết phục. Và rất nhiều trong số họ đã bỏ phiếu ủng hộ ông Trump năm 2016.

Rất có khả năng, ông Sanders đã không hiểu một điều rằng nhiều người đang ủng hộ ông hiện giờ vốn thuộc nhóm ủng hộ bà Clinton và sau đó quay sang ủng hộ ông. Năm 2020, cứ như lịch sử lặp lại, những cử tri này lại rời bỏ ông và quay sang gia nhập chiến dịch của ông Biden.

Bà Elizabeth Warren, một ứng cử viên khác trong cuộc đua đã sao chép y hệt các chính sách xã hội chủ nghĩa của ông Sanders mặc dầu bà không gọi tên như vậy. Bà Warren đã lôi kéo được một cơ số cử tri tiềm năng của ông Sanders về phe mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì bà cũng đã phải bỏ cuộc giữa chừng.

Dấu chấm hết cho chặng đua của ông Sanders

Đại dịch Covid-19 đã đưa chiến dịch của ông Sanders vào hồi kết sau khi phe Dân chủ giáng cho ông một đòn chí mạng trong tháng Hai và tháng Ba. Ông Sanders đã buộc phải tranh cử trong tình trạng bị “phong tỏa” tại quê nhà Burlington, Vermont. Ông đã không thể tổ chức các cuộc tuần hành tranh cử và đích thân xuất hiện trước cử tri của mình.

Kênh kết nối duy nhất của ông với người ủng hộ là xuất hiện không đều đặn trên truyền hình trong chương trình tọa đàm đêm khuya và chương trình thời sự trên truyền hình cáp. Virus Covid-19 đã khiến chiến dịch của ông Sanders tê liệt.

Cả hai ông Sanders và Biden đều bị lùi lại phía sau nhường chỗ cho ông Trump chiếm sóng trên tất cả các phương tiện truyền thông trong các bản tin về ứng phó đại dịch của chính phủ.

Hai ông này đều cố gắng tìm cơ hội xuất hiện trên truyền thông để đáp trả lại ông Trump nhưng đều không thành công. Đề xuất lớn nhất mà ông Sanders đưa ra được để chống Covid-19 là chuyển đổi Hệ thống y tế hiện thời tại Mỹ thành mô hình 100% sở hữu nhà nước.

Điều này không thuyết phục được phần nhiều người dân Mỹ.

Dường như hai ông Sanders và Biden luôn chậm chân hơn ông Trump một bước. Cả hai đều đề xuất là ông Trump nên sử dụng quân đội và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên Bang (FEMA) sau khi ông Trump đã cho khởi động những việc này từ trước đó.

Bản lĩnh chính trị trong xử lý đại dịch sẽ quyết định ông Trump và ông Biden đối đầu nhau ra sao trong trận quyết đấu tháng 11 tới đây.

Ông Sanders xem mình là Người dẫn dắt một cuộc cách mạng

Có vẻ như ông Sanders coi mình là người khởi xướng và dẫn dắt một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông không xem mình là người theo phe Dân chủ và cũng không xem mình là thành viên của đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã giành gần 70 năm cuộc đời để ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Ông xem mình là Người dẫn dắt một cuộc cách mạng. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ, ông đã xây dựng một hình mẫu bản thân là thành viên của một “Phong trào”. Ông Sanders tin rằng Phong trào này ưu việt hơn bất kỳ đảng phái nào. Ông khiến cả người ủng hộ và phản đối ông liên tưởng đến hình ảnh của lãnh tụ người Nga Vladimir Lenin khi ông dẫn đầu các cuộc tuần hành tranh cử cùng những người ủng hộ mình.

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Sanders luôn luôn là một người mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông cho rằng mình có sứ mệnh đưa nước Mỹ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa. Khi còn là Thị trưởng Burlington, ông đã là người theo thuyết xã hội chủ nghĩa, thậm chí còn treo cờ Liên Xô trong phòng làm việc của mình.

Tuy nhiên, ở cương vị là nghị sĩ và sau đó là thượng nghị sĩ, ông đã không đưa ra được bất kỳ luật pháp quan trọng nào. Thực tế là ông Sanders đã bỏ phiếu chống lại bất kỳ chính sách nào không phản chiếu tư tưởng của ông, cả đối nội và đối ngoại.

Nói một cách ngắn gọn, 30 năm sự nghiệp của ông tại Quốc hội đã không để lại được dấu ấn gì bởi trong mắt các nghị sỹ khác ông chỉ đơn giản là một người cái gì cũng phản đối.

Nhưng khi ông ra tranh cử tổng thống năm 2016, ông gần như đã giành được đề cử khỏi tay bà Hillary Clinton. Nếu bà Clinton và đảng Dân chủ không thực hiện những “chiêu trò bẩn” chống lại ông thì rất có thể đã ông đã gặp ông Trump tại vòng đua tay đôi vào Nhà Trắng.

Người ta có xu hướng quên một điều là chính lãnh đạo của phe Dân chủ đã thuyết phục ông Sanders không tranh cử với Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2011, vì họ không muốn làm hỏng cơ hội chiến thắng của ông Obama trước đối thủ Cộng hòa, ông Mitt Romney.

Mặc dù ông Sanders thua cuộc năm 2016, ông vẫn duy trì nguyên vẹn bộ máy tranh cử của mình, đảm bảo bộ máy đó vận hành hiệu quả hơn của bất kỳ ứng cử viên nào khác, kể cả ông Biden.

Ông Sanders đã giành gần 70 năm cuộc đời để ủng hộ chủ nghĩa xã hội và lòng trung thành đó chưa bao giờ lung lay. Ông cũng chưa bao giờ tỏ ra là một ai khác ngoài hình ảnh của một người theo chủ nghĩa xã hội.

Ông đúng như mô tả của triết gia Eric Hoffer là một “tín đồ thực thụ”. Và cho đến giờ ông đã trở thành một người cổ súy thành công cho chủ nghĩa xã hội ở Mỹ.

Ông Sanders vẫn là một mối lo của đảng Dân chủ

Với thông báo “dừng” chiến dịch tranh cử, ông Sanders chưa hề rút khỏi vòng bầu cử sơ bộ sắp tới. Kế hoạch của ông Sanders là tập hợp được các phiếu đại biểu trong vòng sơ bộ trước đó và các vòng tới đây.

 Ông có chia sẻ riêng là sẽ hỗ trợ ông Biden nhưng đồng thời cũng đảm bảo chắc chắn là ông không công khai tuyên bố “ủng hộ” ông Biden.

Ông Sanders dự định sẽ tham dự Đại hội đề cử của đảng Dân chủ và tuyên bố nhường lại sân chơi cho ông Biden. Nhưng hồi kết ông hướng đến trong cuộc chơi này là tập hợp đủ số phiếu đại biểu để tác động đến cương lĩnh chính sách của đảng Dân chủ.

Hay nói cách khác, chắc chắn ông Sanders sẽ cố gắng thuyết phục các đại biểu, những người bỏ phiếu cho các quyết sách của đảng Dân chủ - đảm bảo rằng các chính sách này phản ánh chương trình nghị sự xã hội của ông với các nội dung: y tế, giáo dục và nhà ở miễn phí; đảm bảo mức lương đủ sống và đảm bảo việc làm; năng lượng phi carbon; các chính sách môi trường toàn diện; quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt; và nhiều hơn nữa.

Có nhiều khả năng ông Sanders sẽ làm được điều mình muốn. Trong các cuộc tranh luận năm 2019 và 2020, khoảng 25 ứng cử viên của phe Dân chủ đã trải qua các vòng “đấu đá khốc liệt” để xem ai sẽ đủ sức khiến ông Sanders nghiêng theo hướng tả khuynh. Ông Biden cũng đã cố gắng làm điều đó.

Giờ đây, ông Biden rất giống với một “phiên bản rút gọn của ông Sanders”, và vẫn tiếp tục nghiêng theo các định hướng chính sách của ông Sanders.

Một ví dụ nhỏ như trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ông Sanders và Biden, ông Biden đã cam kết sẽ chọn một đại điện nữ làm phó tổng thống cùng tranh cử với mình. Với tuyên bố như vậy, việc lựa chọn một ứng cử viên nam, hoặc là một ứng cử viên là người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Latin ở một bang mà hai phe Dân chủ-Cộng hòa có đối trọng tương đương là điều không thể.

Việc lựa chọn một đối tác tranh cử sớm như vậy là điều trước đây chưa có ai làm, và có thể được coi là không khôn ngoan.

Ông Sanders có thể thắng, có thể không

Những người ủng hộ ông Sanders vẫn đang tuyên bố rằng ông chắc chắn mới là người giành phần thắng năm 2020. Ông sẽ không trở thành tổng thống. Nhưng, các chính sách của ông có thể được ghi dấu vững chắc trong cương lĩnh của đảng Dân chủ trong nhiều năm tới.

Một số người cho rằng có lẽ ông Sanders chưa bao giờ thực sự muốn trở thành Tổng thống: điều ông quan tâm hơn cả là các chính sách của ông đề xuất được hiện thực hóa.

Những người khác thì cho rằng có lẽ ông Sanders thúc đẩy phe Dân chủ ngày càng tả khuynh nhưng kết quả này sẽ không bền vững. Theo ước tính, các chính sách của ông Sanders đề xuất sẽ cần từ 50 đến 90 nghìn tỷ đô la để hiện thực hóa.

Tính đến thời điểm này, đại dịch Covid-19  đã tàn phá nền kinh tế Mỹ một cách nặng nề, khiến khoản nợ quốc gia đang vượt mốc 23 nghìn tỷ đô la. Đảng Dân chủ sẽ không có đủ tiền để thực hiện các chính sách của họ kể cả họ có ban hành được. Ngoài ra, việc thay thế toàn bộ hệ thống y tế tư nhân cốt lõi hiện nay là điều không tưởng.

Còn quá sớm để nói về ảnh hưởng của ông Sanders trong cuộc đua tháng 11 tới đây. Nếu đảng Dân chủ thắng thì họ cũng không thể thực hiện được tất cả những lời hứa đã đưa ra với cử tri trong chiến dịch tranh cử.

Nếu ông Trump thắng, toàn bộ chương trình nghị sự mà ông Sanders ấp ủ bấy lâu sẽ được đặt dấu chấm hết. Không ai có thể chắc chắc được./.