|
Ảnh: Engadget |
Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trước đây đã chỉ ra rằng COIVD-19 có thể tồn tại khoảng 2-3 ngày trên tiền giấy và thủy tinh, 6 ngày trên nhựa và thép không gỉ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ cơ quan CSIRO của Australia lại chứng minh rằng loại virus này “cực kỳ mạnh”, có thể tồn tại tới 28 ngày trên các bề mặt nhẵn như điện thoại thông minh, tiền giấy, nhựa trong điều kiện bóng tối và nhiệt độ phòng (20 độ C).
Trong khi đó, virus cúm thông thường chỉ có thể tồn tại được 17 ngày trong điều kiện tương tự.
Ngoài ra, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia - được công bố trên Tạp chí Virology còn cho thấy thời gian sống sót của COVID-19 giảm khi nhiệt độ tăng lên và ngừng lây nhiễm trong vòng 24 giờ ở nhiệt độ 40 độ C trên một số bề mặt.
|
Ảnh: The Conversation
|
Cũng theo nghiên cứu, virus COVID-19 có khả năng sống sót lâu hơn trên các bề mặt trơn nhẵn thay vì bề mặt xốp như cotton.
Mặc dù nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc làm sạch, khử trùng điện thoại và các bề mặt khác nhưng nó cũng đi kèm với nhiều lưu ý lớn. Quá trình thử nghiệm được tiến hành tại phòng thí nghiệm với nhiệt độ luôn ở mức 20 độ C và trong điều kiện bóng tối, khác xa với điều kiện thực tế.
Giáo sư Ron Eccles - cựu giám đốc Trung tâm Common Cold tại Đại học Cardiff - đã không đồng tình với nghiên cứu và cho rằng phát hiện virus có thể tồn tại trong 28 ngày đang gây ra "sự sợ hãi không cần thiết trong cộng đồng".
|
Ảnh: Kuulpeeps
|
Thời gian gần đây, các chuyên gia cũng đã hạ thấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các bề mặt. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC Hoa Kỳ, “sự lây lan từ các bề mặt không phải là cách thức phổ biến làm lây nhiễm COVID-19”. Thay vào đó, cơ quan này cho rằng các vật trung gian làm lây lan COVID-19 phổ biến nhất là các giọt bắn từ đường hô hấp được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.
Mặc dù vậy, những kết quả từ nghiên cứu mới đã cho thấy sự cần thiết phải rửa tay cũng như vệ sinh màn hình cảm ứng thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Larry Marshall - Giám đốc điều hành của Trung tâm Chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh tại Geelong, Australia - cho biết: “Việc xác định thời gian virus tồn tại trên các bề mặt cho phép các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn và ngăn chặn sự lây lan của nó, đồng thời bảo vệ cộng đồng khỏi bị lây nhiễm”.
Theo BBC