Giáo sư Yuen Kwok-yung, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Hong Kong, nói rằng mở rộng biện pháp cách ly bắt buộc với tất cả những người đến thành phố này là bước đi hợp lý trong bối cảnh COVID-19 giờ đã là đại dịch toàn cầu.
“Hiện tại chúng tôi không nắm chắc về khả năng vận hành của hệ thống y tế công và việc xét nghiệm ở nhiều nơi, bởi vậy tôi cho rằng chúng ta nên áp dụng hướng tiếp cận này” – ông Yuen nói.
Ông Yuen cũng cho hay ông đang thảo luận với chính quyền đặc khu về đề xuất này, tuy nhiên không tiết lộ thêm chi tiết.
Cũng trong cùng ngày, một chuyên gia y tế khác cũng đến từ ĐH Hong Kong là Tiến sĩ Ho Pak-leung đưa ra đề xuất tương tự, trong đó kêu gọi chính quyền tăng cường quản lý biên giới và cơ chế báo cáo tình hình sức khỏe. Ông nói rằn 33 trong số 46 ca nhiễm virus corona chủng mới được xác nhận trong 2 tuần vừa qua là những người từng ra nước ngoài trong thời gian ủ bệnh.
“Mặc dù một số người được liệt vào danh sách những ca nhiễm trong nước thay vì ngoại nhập, tôi nghĩ rằng rất có khả năng họ đã mang mầm bệnh từ nước ngoài trở về, dựa trên lịch sử lịch trình của họ” – ông Ho nói.
“Điều khiến tôi bất ngờ nhất là trong số 33 trường hợp kể trên, có ít nhất 10 người đã xuất hiện triệu chứng trước khi bay tới Hong Kong” – ông nói – “Một số người đau cổ họng, một số bị sốt. Thế nhưng tất cả đều đi vào Hong Kong một cách dễ dàng. Không một ai tự khai mình cảm thấy không khỏe”.
Ông Ho cho hay, 1 trong số 33 trường hợp trên phải 10 ngày sau đó mới được xác nhận là nhiễm virus corona chủng mới.
Tính đến hôm Chủ nhật vừa qua, Hong Kong xác nhận 148 ca nhiễm COVID-19, trong đó 7 ca mới nhất đã từng đến thăm các nước gồm Nhật Bản, Pháp, Đức, Ai Cập, Mỹ và Canada.
“Tôi rất lo ngại rằng những trường hợp như vậy đã tạo ra sự lây lan vô hình ở Hong Kong trong vòng 2 tuần qua” – ông Ho nói – “Những chuỗi truyền nhiễm vô hình này có thể dần dần trỗi dậy chỉ 1 tuần sau”.
Ông Ho đềnghị chính quyền đặc khu áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn đối với những người không chịu khai báo tình trạng sức khỏe, trong đó bao gồm phát đi những cảnh báo nghiêm túc và ghi hình lại toàn bộ quá trình kiểm tra tại sân bay – để có bằng chứng trong trường hợp khởi tố.
Được biết, bắt đầu từ ngày 8/3, tất cả các du khách đến Sân bay Quốc tế Hong Kong đều phải khai báo tình trạng sức khỏe theo mẫu quy định có sẵn.
“Nếu kiểm soát biên giới không được thực thi tốt, vậy thì mọi nỗ lực của chúng ta trong cuộc chiến chống dịch bệnh suốt vài tháng qua sẽ sụp đổ chỉ trong 1 tuần lễ” – ông Ho nói.
Vị chuyên gia cũng đề xuất cấm cửa đối với tất cả hành khách không phải công dân Hong Kong đến từ các nước đang có báo động đỏ về dịch COVID-19, để chính quyền đặc khu có thể tập trung vào việc xử lý các công dân sắp trở về trong 1- 2 tuần tới.
Tại một cuộc họp báo tổ chức cuối tuần qua, Tiến sĩ Chuang Shuk-kwan, người phụ trách truyền thông của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong, đã thúc giục hành khách tới thành phố này công khai tình trạng sức khỏe của họ một cách trung thực, cảnh báo rằng nếu khai báo sai sự thực sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt nghiêm khắc, trong đó có án tù.
Cũng trong cùng ngày, Hong Kong công bố cảnh báo đỏ đói với người dân khi di chuyển tới một số nước, trong đó có cả Mỹ, Anh và Ireland. Chính quyền đặc khu cũng tuyên bố về kế hoạch áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày đói với tất cả những người đến từ 3 quốc gia trên và Ai Cập. Một số quốc gia đã được liệt vào danh sách này từ trước bao gồm Hàn Quốc, Iran, Ai Cập cùng 26 quốc gia châu Âu thuộc Hiệp ước tự do đi lại Schengen.