COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì thế cần hiểu rõ tác động của COVID-19 với 2 đối tượng này để chủ động phòng bệnh.
Bác sĩ khám cho phụ nữ mang thai (Ảnh - CDC HN)
Bác sĩ khám cho phụ nữ mang thai (Ảnh - CDC HN)

Nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng ở phụ nữ mang thai có triệu chứng cao hơn

BS. Lê Huy Tuấn - Trưởng khoa Sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) – cho biết: Đối với phụ nữ mang thai, cho đến thời điểm này, nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua bánh rau trong quá trình mang thai là rất thấp.

Các nghiên cứu từ Trung Quốc, Mỹ cho thấy phần lớn các mẫu xét nghiệm nước ối, máu cuống rốn, rau thai, dịch âm đạo và sữa mẹ của phụ nữ mang thai mắc COVID-19 cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, hầu hết kết quả xét nghiệm dịch mũi/họng hầu được lấy ngay sau sinh ở trẻ sinh ra từ mẹ mắc COVID-19 cũng cho kết quả âm tính với virus này. Đường lây truyền qua giọt bắn được cho là đường lây truyền chính khi trẻ tiếp xúc với người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2.

Phụ nữ mang thai (Ảnh minh hoạ)

Phụ nữ mang thai (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, các dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh COVID-19 thể nặng ở phụ nữ mang thai có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Mặc dù nguy cơ mắc bệnh thể nặng thấp nhưng các dữ liệu hiện nay chỉ ra rằng nguy cơ nằm ở khoa chăm sóc tích cực, thở máy và hỗ trợ thông khí (ECMO) và tử vong ở phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai có triệu chứng.

Đối với thai nhi, các nghiên cứu gần đây về COVID-19 cũng như những nghiên cứu trước đây về bệnh SARS-CoV-2 và MERS-CoV cho thấy không có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa những bệnh này và các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho rằng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh.

Đa số trẻ sơ sinh mắc COVID-19 có triệu chứng vừa và nhẹ

Nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo khoa học ở nhiều quốc gia với gần 7.500 trẻ em trong đó có 25 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy: Đa phần trẻ có triệu chứng vừa và nhẹ, khoảng 2% trẻ cần nhập vào đơn vị hồi sức tích cực và tỉ lệ tử vong là 0,08%.

Theo BS. Lê Huy Tuấn, nghiên cứu tổng hợp từ 74 báo cáo trên 176 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2, có 5,1% trẻ cần hồi sức sau sinh, 38% trẻ được nhập vào đơn vị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, phần lớn những trẻ này bị cách ly theo quy trình mà không phải do bệnh nguy kịch cần chăm sóc tích cực. Thời gian trung bình nằm tại đơn vị hồi sức là 8 ngày. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo là do COVID-19.

Trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 có thể có các triệu chứng sốt, li bì, ho, thở nhanh, thở gắng sức, ngưng thở, nôn, tiêu chảy và bú kém. Một số triệu chứng rất khó phân biệt với các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh như chậm hấp thu dịch phế nang, bệnh màng trong và nhiễm trùng sơ sinh.

Bác sĩ khám cho trẻ sơ sinh (Ảnh - BV Nhi TW)

Bác sĩ khám cho trẻ sơ sinh (Ảnh - BV Nhi TW)

Nghiên cứu ở thành phố New York trên 116 bà mẹ nhiễm SARS-CoV-2 và 120 trẻ sơ sinh của các bà mẹ này cho thấy tất cả trẻ đều có xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu sau sinh âm tính. Có 82 trẻ được theo dõi đến 5-7 ngày tuổi, 68 trẻ được nằm chung phòng với mẹ. Tất cả bà mẹ đều cho con bú, 79 trẻ xét nghiệm vào ngày thứ 5-7 sau sinh và đều cho kết quả âm tính, 72 trẻ được xét nghiệm vào ngày 14 và kết quả cũng âm tính, không có trẻ nào có triệu chứng lâm sàng của COVID-19.

Để chủ động phòng COVID-19, BS. Lê Huy Tuấn khuyến cáo: Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm gồm da kề da và bú sữa mẹ được chứng minh là giảm tỷ lệ hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, giảm sang chấn tâm lý, giảm tử vong và bệnh tật cho mẹ và trẻ, đồng thời, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy việc cách ly mẹ con làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ sơ sinh.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là duy trì cái ôm đầu tiên ngay sau sinh, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và bú mẹ hoàn toàn giúp giảm biến chứng bệnh tật và tử vong cho bà mẹ và trẻ em.